Sau quãng thời gian sideway khá dài thị trường đã có những chuyển biến tích cực nửa đầu quý 4. Vốn hoá toàn thị trường crypto đã quay lại mốc 2.4 nghìn tỷ USD, chỉ cách mức đỉnh 2021 24%. Bitcoin cũng vừa lập ATH mới ở 76.400 USD trong ngày sau bầu cử tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Cập nhật các xu hướng thị trường crypto giai đoạn cuối năm 2024
Tuy nhiên, bên cạnh những xu hướng nổi bật như memecoin, AI, real world asset thì các nhóm khác vẫn chưa thể hiện được như kỳ vọng. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ điểm qua một cách tổng quan các xu hướng nổi bật trên thị trường giai đoạn cuối năm 2024 cùng các dự án nổi bật mỗi nhóm.
Bắt đầu từ khi thị trường tăng trưởng trở lại sau mùa downtrend 2022 đặc biệt là sau sự kiện SEC phê duyệt ETF Bitcoin spot, thị phần Bitcoin liên tục tăng trưởng. BTC.D từ mức 39% đã đạt tới hơn 60% ở thời điểm hiện tại, Bitcoin tăng 360% từ đáy năm 2022 và 95% từ đầu 2024.
Không thể phủ nhận rằng ETF Bitcoin spot đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự tăng trưởng này. Theo dữ liệu từ farside, tổng dòng tiền (net value) chảy vào Bitcoin Spot ETF đến thời điểm hiện tại đã vượt quá 24 tỷ USD. BlackRock đang là đơn vị nắm giữ nhiều nhất với hơn 432.000 BTC (~2% tổng cung) trị giá hơn 32 tỷ USD. Kết thúc tháng 10/2024, tổng giá trị Bitcoin mà các quỹ Spot ETF đang quản lý đã vượt 60 tỷ USD.
Dữ liệu Bitcoin Spot ETF. Nguồn Farside (06/11/2024)
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, chúng ta đã được thấy Bitcoin và thị trường cryptocurrency đã trở thành mục tiêu để các cử tri tranh giành phiếu bầu. Người chiến thắng trong cuộc đua vào nhà trắng là ông Donald Trump, một người hết mức ủng hộ Bitcoin và thị trường cryptocurrency, thậm chí trong quãng thời gian tranh cử ông đã hứa đưa nước Mỹ trở thành thủ đô cryptocurrency của thế giới. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải chờ đợi các chính sách tiếp theo của ông sẽ tác động như nào tới thị trường cryptocurrency.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại sự kiện Bitcoin 2024 Nashville
Bên cạnh đó, các động thái từ Microstrategy huy động thêm 42 tỷ USD để mua BTC hay cổ đông Microsoft đang tiến hành biểu quyết mua Bitcoin hoặc MtGox hoãn lịch trả nợ đến tháng 10 năm 2025 đều là những tín hiệu tích cực cho đà tăng trưởng hiện tại của thị trường.
Nếu Bitcoin được ví như nhà vua như digital gold thì Ethereum thường được người ta so sánh với nữ hậu và digital oil. Mặc dù là đồng tiền mã hoá thứ 2 được SEC phê duyệt Spot ETF nhưng hiệu suất của Ethereum lại không tương tự Bitcoin.
Tính từ đáy mùa downtrend 2022, Bitcoin đã có đà phục hồi khoảng 340% từ mốc 900 USD lên tới ~4.000 USD đợt tháng 3/2024. Nhưng đó là tất cả những gì ETH làm được, kể từ sau ETF Spot, Ethereum liên tục bị outflow từ Grayscale.
Tính đến hiện tại, Grayscale đã bán ra hơn 3 tỷ USD ETH, khiến dòng tiền ETH Spot ETF âm 478 triệu USD. Tuy nhiên nếu nhìn lại, Bitcoin giai đoạn mới được phê duyệt, chúng ta cũng chứng kiến lực xả lớn từ quỹ này khiến giá Bitcoin sụt giảm, nhưng giai đoạn sau đó lượng bán ra dần được các quỹ khác hấp thụ và cuối cùng Bitcoin đã bứt phá trở lại.
Lộ trình phát triển của Ethereum
Giai đoạn vừa rồi, mạng lưới Ethereum đã trải qua hai bản nâng cấp lớn là Shanghai cuối 2023, Dencun vào tháng 3 và sắp tới đây là Pectra dự kiến đầu năm 2025. Chi phí và khả năng mở rộng đang là hai vấn đề lớn mà mạng lưới Ethereum cố gắng giải quyết. Ban đầu Ethereum muốn triển khai kiến trúc sharding ngay trên mạng lưới gốc nhưng các rào cản kỹ thuật lẫn sự phát triển của nhóm layer 2 đã khiến các nhà phát triển tập trung hỗ trợ cho nhóm này trước. Shanghai là bản cập nhật giúp mở khoá ETH staking, Dencun tập trung vào khả năng mở rộng cũng như tốc độ cho các layer 2. Bản cập nhật Pectra hướng tới cải thiện cả consensus layer và execution layer bằng cách bổ sung thêm tính năng cho những cơ chế như account abstraction, data availability và PeerDAS.
Xu hướng dịch chuyển hoạt động lên các layer 2 và tác động của các bản cập nhật gần đây đã khiến mạng lưới Ethereum bắt đầu lạm phát trở lại từ sau The Merge. Theo dữ liệu từ Ultrasound Money, trong 30 ngày qua, tỷ lệ lạm phát của Ethereum đã tăng lên mức 0.4%/năm.
Tỷ lệ lạm phát của Ethereum. Nguồn: UltraSoundMoney
Hy vọng những bản cập nhật trong tương lai, sẽ là động lực tích cực cho sự tăng trưởng của ETH và hệ sinh thái Ethereum.
Solana là cái tên layer 1 được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2024 bởi sự tăng trưởng thần kỳ của nó. Sự kiện sụp đổ của FTX và Alameda Research năm 2022 đã kéo giá SOL giảm từ $260 xuống chỉ còn $8.7, nhưng chỉ trong 19 tuần giá SOL đã phục hồi lên mức $209, tăng hơn 22 lần từ vùng đáy, nếu xét theo market cap, Solana thậm chí đã vượt đỉnh cũ của chu kỳ 2021.
Vốn hoá của Solana đã phá đỉnh cũ từ tháng 3/2024. Dữ liệu: Coinmarketcap
Từ đầu năm 2024 đến nay, SOL đạt hiệu suất tăng 160% kéo theo sự sôi động của cả hệ sinh thái. Không thể phủ nhận rằng memecoin chính là nhân tố quan trọng khiến hệ sinh thái này quay trở lại đường đua.
Trang chủ của Dexscreener
Nếu nhìn vào danh sách các đồng coin nổi bật trên Dexscreener (một website theo dõi các token Dex) ở tất cả các thời điểm trong ngày trong tuần trong tháng thì bạn có thể dễ thấy rằng hơn 90% token trending đều thuộc hệ sinh thái Solana.
Số lượng giao dịch hàng ngày trên Ethereum và Solana. Dữ liệu: TokenTerminal
Để thấy rõ hơn sự vượt trội của Solana hãy nhìn vào biểu đồ số so sánh lượng giao dịch trên hai mạng lưới lớn nhất là Solana và Ethereum, mỗi ngày Solana có hơn 281 triệu giao dịch, trong khi Ethereum chỉ là khoảng 1,1 triệu, gấp 255 lần.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 - 30.000 token được tạo mới trên Solana, đa số đều là memecoin từ các nền tảng meme launch như pumpfun, moonshot. Hệ sinh thái này đang quá thành công với phong trào memecoin.
Số lượng token tạo mới trên Solana hàng ngày. Nguồn: Solscan
Thành thực mà nói, khi chơi memecoin, mấy ai quan tâm tới tính phi tập trung, công nghệ cao thấp hay vài lần đứng mạng. Thứ user muốn là kiếm được bao nhiêu lợi nhuận một cách nhanh chóng và dễ dàng. Và thật tình cờ khi Solana là mạng lưới có đầy đủ điều kiện để “memecoin mass-adoption”. Tốc độ cao, phí thấp, độ phủ thương hiệu lớn, các bộ công cụ chơi memecoin hỗ trợ người dùng từ đầu đến chân, kết hợp với sự tăng trưởng thần kỳ của native token SOL đã tạo nên một flywheel tăng trưởng mạnh mẽ cho toàn hệ sinh thái.
Giờ đây, Solana đã thành công chiếm lĩnh keyword “memecoin” trong bộ định vị của mình, khi memecoin còn phát triển, Solana sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Bên cạnh đó, DePIN cũng là nhóm dự án đáng chú ý trên hệ sinh thái này. Solana Mobile đã rất thành công với 2 phiên bản điện thoại, chưa kể đến nhiều dự án nổi bật khác như Helium, Grass, Hivemapper.
Chưa có chu kỳ nào mà memecoin lại nổi lên mạnh mẽ đến như vậy. Từ một narrative ngách meme đã phát triển thành một phong trào, một hệ tư tưởng độc nhất của thị trường cryptocurrency.
Có lẽ do người dùng đã quá chán ngán với những dự án gắn mác công nghệ, định giá cao, niêm yết chỉ để xả nên memecoin trở thành kênh đầu tư tạo ra cảm giác công bằng, khiến họ thích thú. Yi Hee - co-founder của Binance đã từng ví memecoin như phong trào chống lại phố Wall trong một bài viết của cô. Một bên là các dự án công nghệ, nơi quyền lợi và sự kiểm soát thuộc về đội ngũ phát triển và các quỹ đầu tư, một bên là những đồng memecoin vận hành bởi cộng đồng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hiệu suất một số đồng top Memecoin. Nguồn: CryptoRank
Hãy nhìn lại hiệu suất của một số đồng memecoin nổi bật giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay.
Memecoin gắn liền với câu chuyện, văn hoá và cộng đồng, sự “tin tưởng vào một điều gì đó” ở những đồng memecoin đã kéo những người chung niềm tin lại để cùng nhau phát triển dự án, cộng đồng càng lớn mạnh thì giá trị của memecoin đó càng cao.
Tuy nhiên cũng do gắn liền với tính cộng đồng từ những nhà đầu tư khao khát lợi nhuận nên memecoin thường có tính biến động cao, những xu hướng bên trong thế giới memecoin liên tục thay đổi khiến dòng tiền trong nó cũng liên tục thay đổi. Chỉ những dự án có tín ngưỡng mạnh mẽ mới đủ sức giữ chân holder lâu dài.
Bức tranh toàn cảnh thị trường memecoin
Từ khi bắt đầu xuất hiện tới nay, memecoin đã luôn là một phần không thể thiếu của thị trường crypto và đến cuối cùng, memecoin sẽ không biến mất, đặc biệt trong chu kỳ này, chu kỳ hưng thịnh của memecoin. Tuy nhiên, đầu tư memecoin luôn là bộ môn mạo hiểm nhất trong các bộ môn mạo hiểm, vậy nên bạn cần có sự phân tích kỹ lưỡng và khả năng quản lý vốn tốt để tránh ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính cá nhân.
Dự án nổi bật: DOGE, SHIB, PEPE, NEIRO, WIF, MEW, SPX, GIGA, RETARDIO, BRAINLET, LUCE, NOMNOM.
- Đọc thêm: Những kinh nghiệm và công cụ cần thiết khi tham gia thị trường memecoin
AI x Blockchain là câu chuyện tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Cả AI và Blockchain đều là những từ khóa “hot hit” trong lĩnh vực công nghệ, xét về tính ứng dụng thực tế thì cũng không có gì phải bàn cãi. ChatGPT chỉ mất 2 tháng để cán mốc 100 triệu người dùng toàn cầu và dần trở thành công cụ thường xuyên trong nhiều lĩnh vực.
Thế nhưng câu chuyện kết hợp AI với Blockchain lại dường như đang bị thổi phồng quá mức. Trong khi Blockchain vẫn đang loay hoay với khả năng mở rộng và tốc độ giao dịch thì AI lại là một hệ thống yêu cầu khả năng lưu trữ lớn cùng tốc độ truy xuất cực cao, rõ ràng chúng ta còn lâu mới có một decentralized AI.
Sự kết hợp hiện nay có lẽ mới ở mức áp dụng nền kinh tế crypto vào các hệ thống AI, hoặc sử dụng các hệ thống AI tập trung làm công cụ cho blockchain/crypto. Tuy nhiên như đã đề cập nhiều lần, thị trường crypto đậm chất đầu cơ và dòng tiền chảy theo sự chú ý chứ không hẳn là vì công nghệ hay tính ứng dụng. Nơi nào có sự chú ý, nơi đó có dòng tiền.
Hiệu suất một số đồng top coin AI. Nguồn: CryptoRank
Từ đầu năm 2024 tới nay, các dự án gắn nhãn AI đã có sự tăng trưởng rất ấn tượng:
Cùng với sự phát triển của các AI truyền thống như OpenAI, Gemini hay Grok mảnh ghép AI x Blockchain sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân để mang nhiều tính ứng dụng thực tiễn hơn và từ khoá AI trong thị trường cryptocurrency sẽ tiếp tục thu hút nhiều hơn sự chú ý trong chu kỳ tăng trưởng này.
Bên cạnh đó DePIN cũng là một mảnh ghép đáng lưu ý khi có mối liên hệ khá chặt chẽ với lĩnh vực AI, IoT và big data.
- Dự án nổi bật (AI & DePIN): Bittensor, Artificial Superintelligence Alliance, Render, World, Grass, SingularityNET, IONet, Spectral, IoTex, Helium.
Chu kỳ tăng trưởng này chúng ta được chứng kiến sự tác động sâu sắc thị trường tài chính truyền thống tới crypto. Bitcoin Spot ETF là ngòi nổ đầu tiên cho sự xâm lấn này, kế đó là hàng loạt các dự án giúp hai nền kinh tế on chain - off chain tương tác với nhau.
Hiệu suất một số đồng top coin RWA. Nguồn: CryptoRank
RWA là mảnh ghép nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức lớn trong thị trường truyền thống.
BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, quản lý khối tài sản lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD từng chê bai Bitcoin thì giờ đây ngoài việc đang quản lý nhiều Bitcoin nhất còn sở hữu quỹ token hoá trái phiếu chính phủ Mỹ lớn thứ 2 thị trường là Securitize. Quỹ token hoá trái phiếu lớn thứ nhất thị trường là Ondo cũng được quản lý bởi BlackRock.
Mặc dù còn khá non trẻ, nhưng tốc độ của nhóm ngành RWA lại đang rất ấn tượng. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, giá trị tài sản token hoá (đã loại trừ stablecoin) từ chưa đầy 3 tỷ USD đã tăng gấp 4.3 lần lên 13 tỷ USD và chưa có dấu hiệu chững lại. Các nhóm lĩnh vực tiêu biểu là Private Credit, US Treasury và Commodities.
Giá trị tài sản token hoá. Nguồn: RWA.xyz
Hiện tại, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn khá sớm của RWA, có hai yếu tố quan trọng để mảnh ghép này bùng nổ là hành lang pháp lý và CBDC.
Như đã biết, RWA là mảnh ghép luân chuyển tài sản on chain ⇔ off chain, có mối liên hệ sâu sắc với thị trường tài chính truyền thống, do vậy tính pháp lý đối với các dự án này rất lớn. Các tiêu chuẩn tuân thủ và một hành lang pháp lý rõ ràng sẽ là điểm tựa vững chắc để các dự án RWA mạnh dạn tăng tốc. Ngoài ra, việc thông qua một đồng CBDC được bảo hộ bởi chính phủ các quốc gia sẽ là công cụ tốt cho dòng chảy liền mạch giữa hai thế giới on chain off chain. Hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới dưới thời ông Donald Trump sẽ đưa đến những tín hiệu tích cực về mặt pháp lý để mảnh ghép này bứt tốc.
Hệ sinh thái Real World Asset
- Dự án nổi bật: Ondo Finance, Plume, Relio, Story Network, Chainlink, Openeden, Backed Finance, Figure, Centrifuge, Goldfinch, Credix.
Sự ra đời của giao thức Ordinals đã mở ra chân trời mới cho hệ sinh thái Bitcoin già cỗi. Giờ đây, bên cạnh khả năng lưu trữ giá trị như là digital gold, các ứng dụng liên quan đến DeFi đang dần được xây dựng.
Theo dữ liệu từ CryptoRank, tính từ đầu năm 2024 đến nay đã có 87 vòng đầu tư với tổng số tiền trên 379 triệu USD được rót vào các dự án thuộc hệ sinh thái Bitcoin. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến Babylon với vòng gọi vốn trị giá 70 triệu USD dẫn đầu bởi Paradigm hồi tháng 5, hay Portal với vòng gọi vốn 34 triệu USD đẫn dầu bởi Coinbase Ventures vào đầu năm.
Nếu như ở giai đoạn những năm trước đây, các giải pháp xây dựng dựa trên Bitcoin chỉ dừng lại ở sidechain như Stacks hay state channel như Lightning Network, thì nay hệ sinh thái Bitcoin đang mở rộng rất nhanh cả về chiều ngang lẫn chiều dọc.
Hệ sinh thái Bitcoin đang không ngừng mở rộng
Chúng ta có các giải pháp mở rộng trên Bitcoin bao gồm: sidechain, state channel, layer 2 rollup, và đặc biệt là CatVM nếu thành công sẽ đưa tới một giải pháp mở rộng toàn vẹn và bảo mật nhất cho Bitcoin mà không phải đánh đổi tính chất permissionless.
Bên cạnh đó, các giải pháp DeFi như staking, lending, stablecoin, data availability vẫn đang không ngừng hoàn thiện.
Runes Protocol cũng là một điểm nhấn khác thuộc hệ sinh thái Bitcoin. Được tạo ra bởi chính nhà sáng lập giao thức Ordinals nổi tiếng, Runes Protocol mang tới khả năng tạo ra các fungible token với hiệu suất hoạt động cao hơn tiêu chuẩn BRC-20, đồng thời nó giúp mạng lưới gốc giảm thiểu tình trạng spam UTXO.
Thị phần on chain của mạng lưới Bitcoin
Mặc dù đã trải một thời gian sụt giảm nặng nề sau khi ra mắt, nhưng nếu nhìn vào các con số thì runes vẫn là một thế lực chiếm lĩnh thị phần on chain của mạng lưới Bitcoin. Runes đã gần như nuốt chửng BRC-20 kể từ sau khi ra mắt.
Khi mà mỗi mùa halving qua đi, phần thưởng đào block giảm xuống thì khoản thu nhập đến từ các ứng dụng trên mạng lưới Bitcoin sẽ là một nguồn thu đáng kể cho nhóm thợ đào. Đồng thời, việc tận dụng tính phi tập trung tối thượng của mạng lưới Bitcoin cũng giúp các tài nguyên trên đây trở nên giá trị.
Thời gian tới đây, có lẽ là lúc mà các dự án thuộc hệ sinh thái Bitcoin tiến đến giai đoạn hoàn thiện sau hơn 2 năm cặm cụi xây dựng, kết hợp với sự tăng trưởng mạnh mẽ của đồng tiền nhà vua là Bitcoin sẽ là chất xúc tác tốt cho bước nhảy vọt của toàn hệ sinh thái.
- Dự án nổi bật: Babylon, Stacks, BOB, BitSmiley, BounceBit, Nubit, UNCOMMON•GOODS, UNCOMMON•GOODS, PUPS•WORLD•PEACE.
- Đọc thêm: Sự trỗi dậy của các giải pháp mở rộng trên Bitcoin
Gần đây, việc các dự án cũ ra mắt layer 2 đã không còn xa lạ. Đầu tháng 10 vừa rồi, sàn giao dịch phi tập trung lớn nhất là Uniswap đã công bố ra mắt layer 2 Unichain dựa trên OP Stack của Optimism, cũng trong tháng, sàn Kraken kế bước Coinbase, Binance, OKX, Bybit cho ra mắt dự án layer 2 Ink, dự kiến mainnet đầu 2025.
Ngoài ra chúng ta còn có Soneium layer 2 của hãng Sony, Treasure Chain layer 2 của Treasure DAO, Lens Network layer 2 của Lens Protocol, World Chain layer 2 của Worldcoin, ApeChain layer 2 của ApeCoin - YugaLabs và rất rất nhiều cái tên khác.
Ở thời điểm hiện tại có khoảng 113 layer 2 đang hoạt động cùng với 89 dự án khác chuẩn bị ra mắt. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc tạo ra một layer 2 đã dễ dàng hơn rất nhiều so với thời của Arbitrum hay Optimsm.
Hiệu suất một số đồng top coin Layer 2. Nguồn: CryptoRank
Đúng là nhà sáng lập Vitalik đã từng nhấn mạnh rằng trọng tâm mở rộng của Ethereum là tập trung vào hỗ trợ các layer 2, nhưng có điều, giá trị của một mạng lưới nằm ở hệ sinh thái trên nó chứ không phải đơn thuần là khoác lên mình chiếc áo layer 2 rỗng ruột.
Theo dữ liệu từ L2Beat, có đến 63.9% số lượng layer 2 đang hoạt động có ít hơn 1 triệu giao dịch mỗi tháng, trong đó đến 19 dự án chỉ có dưới 10 nghìn giao dịch mỗi tháng, con số này là quá ít và gần như không có hoạt động của các dApp trên mạng lưới. Tuy chịu sự ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường và mục đích sử dụng nhưng trung bình các layer 2 có hệ sinh thái phát triển đều duy trì số lượng giao dịch ở khoảng 10-100 triệu giao dịch mỗi tháng như Base, Arbitrum, Optimism.
Tỷ trọng dự án Layer 2 theo số lượng giao dịch. Dữ liệu: L2Beat
Thị trường layer 2 hiện tại đang dần dịch chuyển từ Mục đích chung (general purpose) => Mục đích cụ thể (specific purpose) => Sử dụng độc lập (independent purpose). Thay vì sử dụng các layer 2 sẵn có trên thị trường thì dự án tự tạo ra một chain riêng với những tùy chỉnh riêng để phục vụ cho nhóm người dùng của họ. Ngoài việc tìm kiếm thêm nguồn doanh thu và mở rộng hệ sinh thái thì sử dụng chain riêng cũng khiến dự án dễ dàng kiểm soát người dùng hơn.
Nhưng việc spam layer 2, layer 3 đang dẫn tới một hệ quả hiện hữu là phân mảnh thanh khoản và làm tồi tệ trải nghiệm người dùng. Nó dẫn tới nhu cầu về một thứ được gọi là Chain Abstraction. Chain Abstraction là bộ giải pháp toàn diện hướng tới việc loại bỏ đi các chi tiết phức tạp của blockchain như quản lý chain, quản lý ví, thanh toán gas fee, người dùng chỉ cần tập trung toàn toàn vào tính năng của ứng dụng.
Chain Abstraction có thể gọi là giải pháp “end game” cho trải nghiệm người dùng web3. Mình đã có một bài viết chi tiết khác về chủ đề này, các bạn có thể đọc lại tại đây.
Nhìn chung, layer 2 đã trở thành một chiến địa cạnh tranh khốc liệt, những dự án top đầu thì đang cố mở rộng hệ sinh thái bằng cách tổng hợp chain, kết nạp thêm các chain khác vào hệ sinh thái. Các dự án layer 2 nhỏ thì khó khăn hơn khi vừa phải cạnh tranh với các dự án top tier, vừa phải cạnh tranh với nhóm independent purpose, vì vậy nhóm này thường cố gắng đi vào các thị trường ngách để phục vụ một nhóm đối tượng xác định.
Các giải pháp mở rộng trên Ethereum nói chúng là Layer 2 nói riêng sẽ vẫn tiếp tục phát triển, nhưng sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và tốn kém cho tất cả.
- Dự án nổi bật: Base, Optimism, World Network, Ancient8, Polygon, ZKsync, StarkNet.
Gaming có lẽ là mảnh ghép mà rất nhiều người mong muốn sự trở lại, bởi lẽ gaming gắn liền với tính giải trí, khi được áp dụng nền kinh tế crypto thì nó trở thành công cụ kiếm tiền. GameFi vừa giúp người dùng thỏa mãn đam mê chơi game, vừa tạo ra nguồn thu nhập thì còn gì thích thú bằng.
Nhưng viễn cảnh tươi đẹp đó đó vẫn nằm ở thì tương lai, kể từ sau gamefi season 2021, các nhà phát triển vẫn chưa tìm ra được mô hình để kéo dài vòng đời của game. Thông thường, các game thủ đến với GameFi đa phần là vì mục đích kiếm tiền, khi đạt được mục đích họ rời đi và tìm kiếm cơ hội ở những dự án khác. Do vậy, đa phần các dự án GameFi đều gặp phải vấn đề giữ chân người dùng ở giai đoạn sau niêm yết token. Cho dù có giữ chân được người dùng thì dự án vẫn phải đối mặt với một vấn đề khác lớn hơn là lạm phát.
Theo góc nhìn cá nhân của mình thì vấn đề lớn nhất của GameFi gặp phải là nằm ở chữ Fi. Cả dự án và người dùng đều tập trung duy nhất vào chữ Fi, thành ra GameFi trở thành một cuộc PvP giữa dự án, game thủ và nhà đầu tư.
Dự án thì muốn kiếm tiền bằng cách phát hành token và bán các item ingame, game thủ thì muốn cày ra token để xả và lấy tiền còn nhà đầu tư thì chỉ muốn mua giá thấp và bán giá cao. Gắn mác giải trí nhưng thực ra không có một chút tính giải trí nào ở đây, có chăng sự giải trí, chất lượng game chỉ là những công cụ để các bên đạt được mục đích của họ.
Đối với thị trường game truyền thống, thứ các nhà phát triển game bán và thứ người dùng sẵn sàng trả tiền để mua không phải là token hay vật phẩm ingame mà là niềm vui, những giây phút giải trí.
Cũng giống như AI x Blockchain, con đường Game x Blockchain có lẽ sẽ thành công hơn khi tiếp cận theo hướng áp dụng blockchain vào game chứ không phải áp dụng game vào blockchain.
Dữ liệu huy động vốn của các dự án Game Blockchain. Nguồn: CryptoRank
Tính từ đầu năm 2024 tới nay, có tổng cộng hơn 800 triệu USD từ các nhà đầu tư tổ chức rót vào lĩnh vực này. Game blockchain rõ ràng là một xu hướng dài hạn và có tiềm năng to lớn trong tương lai, tuy nhiên sẽ cần thời gian để những dự án đang được ươm mầm phát triển, khi đó game blockchain sẽ quay trở lại và tỏa sáng rực rỡ.
- Dự án nổi bật: Pirate Nation, Pixels, Zone9, Stellar Forger.
Cryptocurrency là một thị trường có tốc độ vận động rất nhanh, do vậy các xu hướng trong thị trường cũng liên tục thay đổi xoay vần, vì vậy mỗi người cần liên tục theo sát để tìm ra sớm những xu hướng tiềm năng.
Trên đây là những cập nhật và phân tích mang nhiều quan điểm cá nhân của mình về các xu hướng thị trong thị trường crypto giai đoạn cuối năm 2024. Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu.
Lưu ý: Các thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coincuatui không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Kudō
Nguồn: Coin68