“Khôn ba năm dại một giờ” có lẽ là thành ngữ mô tả rõ nhất viễn cảnh suy tàn của FTX. Sàn giao dịch tiền số từng xếp thứ hai thế giới nay còn đâu!
Đằng sau vỏ bọc hào hoa, đế chế FTX đã tàn lụi thế nào?
Những ngày cuối năm 2022, khoảng thời gian tồi tệ nhất đã bao trùm lên toàn ngành tiền mã hóa. Trong bóng tối hệ lụy từ các khủng hoảng trước đó, cộng đồng nhà đầu tư tiếp tục bị đánh gục bởi cú sập kinh hoàng của đế chế FTX. Vậy bởi đâu một startup kỳ lân, từng được định giá 32 tỷ USD, từ đỉnh cao lại lao xuống vực thẳm?
Dưới bàn tay lãnh đạo tài tình của "thuyền trưởng" Sam Bankman-Fried (SBF), FTX liên tục bành trướng tên tuổi thông qua hàng loạt thương vụ tài trợ khủng, bắt đầu từ Q1/2021. Danh sách đối tác mà họ hợp tác rộng khắp, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thể thao, bao gồm đội bóng rổ NBA Miami Heat, tuyển esports Team SoloMid (TSM), cặp đôi Tom Brady và Gisele Bündchen, Giải bóng chày Mỹ (MLB), giải LMHT Bắc Mỹ (LCS), đội đua F1 Mercedes-AMG Petronas, giải đấu Super Bowl… Song, những tổ chức từng nhận tài trợ từ FTX về sau cũng ồ ạt rũ bỏ quan hệ với sàn.
Không giống những tỷ phú tiền số khác, cựu CEO FTX nhanh chóng gây dựng được tiếng vang nhờ vào khả năng tiếp cận khôn khéo với loạt quan chức và nhân vật nổi tiếng. Từ ăn tối với Thị trưởng New York - Eric Adams; trò chuyện cùng John Collison - chủ tịch kiêm đồng sáng lập startup công nghệ lớn thứ hai Mỹ; cho đến thiết lập quan hệ với Orlando Bloom, ca sĩ Katy Perry, cựu Tổng thống Bill Clinton, Thống đốc bang Florida - Ron DeSantis và Larry Fink - CEO BlackRock….
Trong thời gian này, Sam cũng chớp thời cơ vận động hành lang, chi đậm cho các cuộc bầu cử Mỹ. Hình ảnh tỷ phú 29 tuổi tràn ngập áp phích truyền thông. Đến mức Bankman-Fried dõng dạc tuyên bố sớm muộn sẽ mua đứt Goldman Sachs và trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng ở Washington.
Sam được ví như “Man of the year” và thường xuất hiện trên bìa các tạp chí lớn
Hào quang của Sam khiến truyền thông hết mực ca ngợi, gọi ông là tỷ phú tự thân và "bộ mặt" của crypto - một lĩnh vực còn non trẻ nhưng nổi lên nhanh chóng nhờ tiến bộ công nghệ, và khả năng thách thức tài chính truyền thống.
Ở thời kỳ khó khăn, FTX sẵn sàng đổ hàng tỷ USD thâu tóm các công ty khác, đặt tâm huyết hồi sinh ngành crypto. Đẳng cấp của sàn tiền số còn được chứng minh qua 4 lần gọi vốn, phá vỡ mọi kỷ lục đầu tư trong lịch sử phát triển crypto. Tính đến tháng 01/2022, đế chế Sam Bankman-Fried đã đạt định giá lên đến con số 32 tỷ USD.
Các đợt gọi vốn của FTX
Coincuatui từng có bài viết kể lại bề dày thành tích mà FTX đã đạt được chỉ sau 2 năm thành lập, hay nói cách khác cũng bị cuốn theo "hào quang rực rỡ" của SBF.
Ấy vậy mà vỏ bọc bác ái và đáng kính kia lại chính là "quả bom hẹn giờ" âm ỉ trong lòng ngành crypto. Tiết lộ rùng mình hậu phá sản, Sam khẳng định tất cả chỉ là mánh khóe PR và chiêu trò che mắt thiên hạ. Số tiền đầu tư cho Quốc hội Mỹ không chỉ để tăng cường danh tiếng công ty mà còn để được báo chí “o bế”. Từ đó, tiện bề bôi nhọ đối thủ và nhúng tay vào quy trình thiết lập quy định crypto có lợi cho mình.
Mãi đến sau bê bối người ta mới vỡ òa về cuộc sống thượng lưu đắt đỏ của Sam. Hóa ra, đằng sau hình ảnh chiếc ghế ngủ giản đơn tại văn phòng, lại là những chuyến bay xa xỉ, chuyên cơ riêng và căn penthouse trị giá 30 triệu USD vốn được chi trả bằng tiền của khách hàng FTX. Không những tiêu hoang sa đà, bộ sậu sàn cả ngày chỉ lo tiệc tùng và gặp gỡ người nổi tiếng. Luật sư của công ty cho biết FTX đã bỏ ra ít nhất 300 triệu USD cho bất động sản ở Bahamas, và dường như không có tài liệu nào ghi chép lại những giao dịch này.
Bên trong đế chế “Sam Xoăn” trước thảm họa
Tháng 05/2022, thị trường tiền mã hóa rơi vào thoái trào, 60 tỷ USD đã bị xóa sổ sau bê bối LUNA-UST. Về mặt vĩ mô, Fed vẫn gia tăng gánh nặng lên lãi suất để kiểm soát lạm phát. Thời điểm đó, giá tiền mã hóa bắt đầu rơi tự do, làn sóng sa thải lan khắp các công ty và dự án trong thị trường. Nối tiếp, Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ, lan ra một loạt đơn vị môi giới và cho vay khác.
Khi những quân cờ domino đầu tiên ngã đổ, SBF đã bỏ ra hàng tỷ USD giải cứu, song các thương vụ này về sau cũng đổ bể. Tháng 06/2022, Alameda Research - quỹ đầu tư crypto “chị em” của FTX - đã cho Voyager vay 500 triệu USD, đây chính là điểm kích hoạt hiệu ứng dây chuyền. Rốt cục, Voyager và Celsius ngậm ngùi phá sản. Giá như họ đừng cho nhau mượn tiền và xem thường đòn bẩy thì có thể đã không trắng tay.
Một mặt hành động nghĩa hiệp, mặt khác lại đi vay suốt những năm qua. Giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan, một số nhà đầu tư cho Alameda vay tiền đã yêu cầu hoàn trả. Và dĩ nhiên, công ty không thể đáp ứng do đã mang toàn bộ số tiền kia đi đầu tư.
Dân gian có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, FTX đã tự ý lấy tiền khách hàng bảo lãnh cho Alameda để thanh toán nợ, rồi thua lỗ và gây ra thâm hụt lên đến 8-10 tỷ USD. Với Phố Wall, hành vi này rõ ràng vi phạm luật chứng khoán Mỹ, mà sau này Sam hồi đáp một cách trẻ con rằng “không cố ý” làm như vậy.
Điểm mấu chốt ở đây là FTX đã bòn rút tín dụng người dùng và tự “in” ra FTT, để đi vay và tẩy trắng bằng giao dịch mới. Đúng nghĩa dùng tiền ảo đổi lấy tiền tươi thóc thật. Song, quá khứ dễ gì giấu giếm ấy đã bị lật tẩy cùng với bộ mặt thật của Sam vào ngày 02 tháng 11 năm 2022…
Chỉ trong một tuần giông bão, FTX đã không còn đủ sức chống đỡ. Để rồi, sự ra đi chóng vánh của ông lớn nhất nhì ngành tiền mã hóa một lần nữa “đóng đinh” mức độ mong manh và đào thải của lĩnh vực này.
- Ngày 02/11/2022, trang tin CoinDesk đăng tải bài viết về lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán của Alameda Research. Trong số 14,6 tỷ USD tài sản FTX đang nắm giữ, thực chất có quá nửa là FTT cùng nhiều token cực kỳ biến động, chứ không có tài sản đảm bảo. Tiết lộ gây sốc đã đẩy giá FTT từ 22 USD xuống chỉ còn 3 USD trong một đêm.
- Ngày 06/11/2022, đối thủ Binance “thêm dầu vào lửa”, tuyên bố thanh lý sạch 580 triệu USD giá trị FTT mà sàn nhận được trong giao dịch đầu tư chiến lược vào FTX hồi tháng 12/2019. Mặc cho CEO Alameda Research là Caroline Ellison lên tiếng đính chính, người dùng vẫn ồ ạt bank-run khỏi FTX. Đường cùng, Sam khẩn cầu CZ Binance “dĩ hòa vi quý”.
- Ngày 08/11/2022, FTX ngừng xử lý rút tiền, panic sell náo loạn, sàn cố huy động thêm 6 tỷ USD nhưng thất bại. Tối muộn cùng ngày, điều không tưởng đã xảy ra khi Binance đạt thỏa thuận mua lại FTX, cơn địa chấn khiến cả cộng đồng sững sờ vì không nghĩ mọi chuyện lại diễn ra chóng vánh như vậy.
- Ngày 09/11/2022, thị trường crypto trải qua một cơn bán tháo mới, làm Bitcoin lập đáy mới của năm 2022. FTT tiếp tục lao dốc, nhà đầu tư dần nhận ra tương lai vô định của đồng coin này. CEO FTX Sam Bankman-Fried viết tâm thư xin lỗi nhà đầu tư, tài sản cá nhân bốc hơi 14,6 tỷ USD và mất danh hiệu tỷ phú trong gang tấc.
- Ngày 10/11/2022, Binance rút phao cứu sinh, hủy bỏ thương vụ mua lại sau khi đã nhìn qua sổ sách của FTX và thấy được vấn đề. Hết cách, SBF quay sang cầu cứu Justin Sun, nhưng cũng không thể cứu vãn con tàu sắp chìm.
- Ngày 11/11/2022, FTX Nhật Bản ngừng hoạt động; Bahamas phong tỏa tài sản của FTX, tìm đơn vị thanh lý; Nhân viên sàn lũ lượt nghỉ việc.
- Ngày 12/11/2022, FTX chính thức tuyên bố phá sản cho FTX.com, FTX.US, Alameda Research cùng hơn 130 công ty con; FTT mất sạch giá trị; Sam Bankman-Fried từ “bộ mặt” của ngành tiền mã hóa trở thành “kẻ phản diện”, bàn giao đế chế nát tươm cho tân CEO John J. Ray III.
Mạng lưới FTX - Alameda Research. Ảnh: Financial Times
- Trong cùng ngày 12/11/2023, khó khăn nhân đôi khi FTX bị tấn công, thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu USD tài sản.
Chi tiết đã được Coincuatui tổng hợp lại thành infographic dưới đây, mời độc giả xem thêm:
Diễn biến cuộc bank-run của SBF và FTX
Nếu Sam là người duy nhất mất tiền trong sự vụ này thì không có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, hồ sơ phá sản cho thấy FTX có hơn 9 triệu chủ nợ và chờ hoàn tiền trong vô vọng. Khoản nợ của công ty với riêng 50 chủ nợ lớn nhất đã lên đến 3,5 tỷ USD. Trên thực tế cũng không thể lập được danh sách chi tiết vì số lượng quá lớn.
Chiến sự không chỉ vùi lấp vốn liếng của hàng trăm ngàn nhà đầu tư, mà còn gây ra hiệu ứng domino lan khắp ngành. Hàng nghìn công ty, cơ quan truyền thông, chính phủ, hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Meta, LinkedIn, Twitter, TikTok,… cũng nằm trong danh sách chủ nợ dài 115 trang của sàn. Một phần của số tiền đầu tư sau này được tìm thấy trong các bất động sản xa xỉ mà Sam đã mua cho đồng nghiệp và người thân.
Cái tên ê chề không kém là Genesis, nạn nhân của cả 3AC và FTX. Genesis cũng chính là chủ nợ riêng lẻ lớn nhất của FTX, với số tiền yêu cầu trả nợ lên đến 226 triệu USD.
Danh sách các bên bị ảnh hưởng ngày một dài thêm. Có thể kể đến:
- Galois Capital, Midas Investments đóng cửa vì bị liên lụy với FTX.
- Sequoia Capital ghi nhận tổn thất 213,5 triệu USD.
- Temasek của chính phủ Singapore mất sạch 275 triệu USD.
- Ontario - Quỹ hưu trí lớn nhất Canada lỗ 95 triệu USD.
- Multicoin Capital mắc kẹt 10% tài sản.
- Sino Global xác nhận thiệt hại “7 chữ số”, đổi tên để rũ bỏ FTX…
Thống kê thiệt hại của các tổ chức bị liên đới với FTX/Alameda Research
Sam trở thành tội đồ, bị tống giam chờ ngày hầu tòa
Từ nhân vật được coi là cứu tinh của nhân loại, Sam Bankman-Fried phải trả giá đắt cho cái tôi ngông cuồng của mình. Tài sản của ông đã quay về vạch xuất phát sau một ngày và bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần.
Tài sản của Sam Bankman-Fried “bốc hơi” 14,6 tỷ USD sau một đêm
Trong các phát ngôn hậu sụp đổ, loạt sai phạm của Sam Bankman-Fried dần được hé lộ. Ông thừa nhận đã quản lý rủi ro yếu kém, nhưng chưa bao giờ đề cập đến việc gian díu với Alameda biển thủ tài sản, hay rút tiền bằng “cửa hậu” cùng những sai phạm khác (lạm dụng chất kích thích, nhân viên FTX và Alameda có quan hệ chồng chéo mập mờ...). Ông đổ lỗi cho vị thế ký quỹ khổng lồ của khách hàng đã bị thanh lý, tạo ra lỗ hổng lớn trong bảng cân đối kế toán. Khách hàng đó không ai khác ngoài Alameda Research, quỹ đầu tư mà chính SBF cũng sở hữu lượng lớn cổ phần kiểm soát.
Sáng ngày 13/12, SBF đã bị giới chức Bahamas bắt giữ theo yêu cầu từ chính quyền Mỹ. Đến 21/12, SBF đã được dẫn độ về Mỹ, nơi ông đang đối mặt với 3 cáo trạng lừa đảo, gian lận riêng biệt đến từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), Ủy ban Chứng khoán (SEC), Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC). Được xem là một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất lịch sử nước Mỹ, tổng hình phạt đặt lên ông là mức án tù lên đến cả trăm năm.
Những tội danh đặt lên Sam Bankman-Fried gồm:
1. Âm mưu gian lận tiền gửi của khách hàng;
2. Gian lận tiền gửi của khách hàng;
3. Âm mưu gian lận tiền của chủ nợ;
4. Gian lận tiền của chủ nợ;
5. Âm mưu gian lận tài sản;
6. Âm mưu gian lận chứng khoán;
7. Âm mưu rửa tiền;
8. Âm mưu lừa gạt Nước Mỹ và vi phạm quy định quyên góp tài chính;
9. Gian lận ngân hàng;
10. Điều hành tổ chức chuyển tiền chưa được cấp phép;
11. Vi phạm quy định vận động quyên góp chính trị;
12. Âm mưu quyên góp chính trị bất hợp pháp;
13. Hối lộ các quan chức Trung Quốc;
14. Quyên góp chính trị bất hợp pháp.
Tuy nhiên, sau quá trình đấu tranh pháp lý, luật sư bào chữa cho Sam Bankman-Fried đã thuyết phục thành công tòa án chỉ xét xử 8 tội danh đầu tiên trong phiên tòa vào đầu tháng 10, đúng với thỏa thuận dẫn độ ban đầu giữa chính quyền Mỹ và Bahamas với lý do thân chủ chỉ đồng ý đầu thú với những tội danh ấy.
Xuất hiện lần đầu tại tòa án New York, Sam được cho tại ngoại với giao kèo bảo lãnh trị giá 250 triệu USD và di chuyển về quê nhà ở California trong lúc chờ xét xử. Cựu CEO sau đó khẳng định không liên quan đến các giao dịch chuyển tiền của Alameda, lên tiếng chối bỏ hầu hết tội danh, sẵn sàng đấu tranh pháp lý với Mỹ.
Tính đến ngày 21/01, giới chức liên bang đã phong tỏa 697 triệu USD tài sản của Sam và muốn giành quyền kiểm soát số tiền này. Trong thời gian quản chế, cựu CEO còn bị cấm sử dụng điện thoại thông minh, giới hạn truy cập và phát ngôn trước truyền thông, vì cố tình liên lạc với nhân chứng và vượt rào bằng VPN. Hậu quả, Sam đã quay lại nhà tù vào 12/08 cho đến ngày ra tòa xét xử.
Có lẽ quan hệ mật thiết với Nhà Trắng đã khiến Sam Bankman-Fried thêm phần “ngông nghênh”, khi mãi đến nay vẫn chưa có bất kỳ hình phạt nào được đưa ra. Song hãy chờ đợi phiên tòa đầu tiên xét xử nhân vật tai tiếng này bắt đầu vào ngày 03/10/2023.
Số phận các nhân vật khác ra sao?
Trong diễn biến liên quan, ba thân tín của Sam là Caroline Ellison - cựu CEO Alameda Research, Gary Wang - cựu Giám đốc Công nghệ FTX và Nishad Singh- cựu Giám đốc Kỹ thuật FTX đều đã đầu thú để xin khoan hồng.
Trong bản khai tội được tòa án New York công bố, Caroline Ellison thừa nhận đã bao che cho hành vi sai trái của FTX – Alameda, sử dụng tiền người dùng sai mục đích và lấp liếm sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Một nhân vật khác là cựu luật sư Dan Freiberg của FTX cũng đồng ý hợp tác với chính quyền, song chưa bị buộc bất kỳ tội danh nào. Các nhân vật này khả năng cao sẽ là nhân chứng quan trọng chống lại Bankman-Fried trong phiên tòa sắp đến.
FTX 2.0
SBF từ chức đã nhường lại vị trí cho tân CEO John Ray III. Dù có hơn 40 năm kinh nghiệm về pháp lý và tái cơ cấu, vị giám đốc tạm quyền vẫn chưa từng gặp trường hợp nào nghiêm trọng như FTX và mô tả hậu phá sản là chuỗi “địa ngục trần gian” của sàn. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Sam từng cho biết công ty ông có khi kiếm được tới 1 triệu USD/ngày.
Thống kê đến ngày 31/08/2023, đơn vị đảm nhận công tác phá sản cho FTX đã khôi phục được xấp xỉ 7 tỷ USD tài sản, còn số tiền nợ người dùng là 8,7 tỷ USD. Vậy tức nghĩa cả FTX và FTX.US đều bị thâm hụt tài sản lớn, để đáp ứng yêu cầu hoàn trả cho khách hàng.
Mặt khác, sàn đã chi hơn 120 triệu USD trả phí cố vấn trong 3 tháng đầu năm 2023 và 1,5 triệu USD phí pháp lý mỗi ngày. FTX cũng rục rịch mở cửa trở lại và đã gửi kế hoạch hồi sinh lên tòa án chờ duyệt, đáng chú ý sẽ khai tử hoàn toàn token FTT và không còn phục vụ người dùng Mỹ nữa.
Đối với số tài sản còn lại, đơn vị phá sản tiếp quản FTX muốn thanh lý và quy đổi lượng crypto sàn đang nắm giữ sang tiền mặt. Để tránh làm ảnh hưởng đến thị trường và để thu về tối đa giá trị, FTX muốn ủy quyền bán tài sản cho Galaxy Digital.
FTX còn đang trong quá trình truy thu tài sản đã bị Sam tuồn ra ngoài từ các tổ chức Modulo Capital (460 triệu USD); Genesis (4 tỷ USD); K5 Global (700 triệu USD). Ở chiều ngược lại, BlockFi đang đòi FTX trả cho họ 1 tỷ USD và chính quyền Mỹ thì yêu cầu FTX/Alameda Research đóng thuế 44 tỷ USD.
Đầu tháng 7, FTX đã mở cổng điện tử cho phép người dùng kẹt tiền nộp hồ sơ đòi tài sản, hạn chót là 30/09.
Các token thanh khoản cao mà FTX đang nắm giữ tính đến ngày 31/08/2023
Các token thanh khoản kém mà FTX đang nắm giữ tính đến ngày 31/08/2023
Đến giữa tháng 9, tòa án phá sản Mỹ đã chấp thuận đề xuất thanh lý crypto của FTX, theo đó sàn sẽ dần dần bán đi lượng tiền mã hóa trị giá 3,4 tỷ USD đã được khôi phục trong thời gian qua nhằm chuẩn bị cho quá trình hoàn tiền cho người dùng, dự kiến diễn ra vào Q2/2024.
Chỉ mất đúng 7 ngày để đánh đổ một đế chế trị giá 40 tỷ USD. Liệu cơn thảm họa vừa qua là tiên đoán cho “ngày tàn” của ngành tiền mã hóa hay chỉ là một lý do để chính quyền thế giới siết chặt pháp lý đối với thị trường này?
Không thể phủ nhận biến cố FTX là tác nhân phá hỏng triển vọng tiền số trong mắt các quỹ chuyên nghiệp. Người ta còn rỉ rả rằng, giả thuyết tiền số được gọi "vàng kỹ thuật số" rốt cục chỉ là trò bịp. Thực tế các khoản đầu tư đang chịu tổn thất lớn và cấu trúc thị trường quá rủi ro. Sự sụp đổ của FTX đặt ra câu hỏi về khả năng sinh tồn của hệ sinh thái tiền số.
Giới chuyên gia đánh giá cơn ác mộng vừa qua đã tác động đáng kể đến góc nhìn của công chúng về ngành tiền mã hóa, song để nhấn chìm toàn bộ nền kinh tế số này thì chưa thể. Chủ tịch SEC từng mô tả sự sụp đổ của FTX là “khuôn mẫu”, lật tẩy vết nứt và bất cập của một lĩnh vực non trẻ và thiếu kiểm soát. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen so sánh FTX ngày tận số là “khoảnh khắc Lehman” của crypto, thúc đẩy nỗ lực giám sát lĩnh vực này. Ngay cả Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng kêu gọi tăng cường quy định crypto tại Liên minh châu Âu.
Thực tế cho thấy, thị trường crypto đã tăng trưởng nóng trong vài năm gần đây, nhưng chưa được nhiều quốc gia công nhận và kiểm soát, do không có biên độ khống chế như thị trường truyền thống. Điều này đồng nghĩa nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ khi xảy ra sự cố. Bởi vậy, sự kiện FTX là cảnh báo cho cơ quan quản lý phải can thiệp một cách nghiêm túc hơn.
Loạt scandal tiền số trong năm 2022 như hồi chuông cảnh tỉnh cho cả công chúng về sự cần thiết của chế tài và quy định tài chính rõ ràng. Có vẻ như lập luận về tính minh bạch của tiền kỹ thuật số giờ đây đã không còn đủ sức thuyết phục, khi mọi người trước nay đều tin rằng mọi giao dịch blockchain đều có thể truy vết và không cần các bên trung gian như ngân hàng.
Để thực sự biến kỹ thuật số thành tương lai của lĩnh vực tài chính, cần hơn nữa sự tham gia chủ động của giới quản lý. Đó là viễn cảnh mà tài sản kỹ thuật số đã đăng ký và niêm yết trên các sàn giao dịch được quản lý, tạo ra lớp áo giáp bảo vệ nhà đầu tư vững chắc. Chỉ khi làm được điều này, ngành tiền kỹ thuật số mới thực sự phát triển và được công nhận, thay vì chỉ là một cuộc chơi may rủi. Và dẫu thế nào, ngành tiền mã hóa vẫn phải bước tiếp và học hỏi từ biến cố đã qua.
Tạm kết
Năm 2022 đã khép lại như một trang sử buồn của hệ sinh thái tiền mã hoá. Nếu nhìn theo hướng tích cực, những sự cố đã xảy ra là đòn giáng để thanh lọc và hoàn thiện ngành công nghiệp non trẻ này. Cho dù FTX hay bất kỳ “cá lớn” nào bị đánh gục, toàn bộ thị trường tiền số vẫn tiến lên. Ở một chừng mực nào đó, câu chuyện "giàu nhanh từ tiền số" không sai. Tuy nhiên, sẽ dẫn đến kết cục ê chề nếu thiếu may mắn và kiến thức.
Phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried, nếu không có diễn biến bất ngờ gì thêm, dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 03/10/2023 (giờ Mỹ) và kéo dài trong khoảng 6 tuần.
Rachel
Nguồn: Coin68