Monad, blockchain Layer-1 EVM với tốc độ xử lý lên đến 10.000 TPS trong lần thử nghiệm nội bộ devnet, chính thức bước vào giai đoạn thử nghiệm testnet.
Layer-1 Monad bắt đầu khởi chạy testnet theo từng giai đoạn
Theo nhiều nguồn tin tiết lộ trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter), blockchain layer-1 Monad tương thích với Ethereum đã bắt đầu triển khai testnet theo từng giai đoạn.
"Tôi đã thực hiện một giao dịch, nó rất nhanh" - Jordan Fish, nhà giao dịch crypto nổi tiếng còn được biết đến với tên Cobie, viết trên X. Cobie sau đó xác nhận bài đăng của mình nói về testnet của Monad.
Ảnh chụp màn hình nhận định về tốc độ giao dịch Monad của trader crypto Cobie trên X tối ngày 18/11/2024
Monad là blockchain layer-1 sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake và có khả năng tương thích với EVM, đặt tham vọng đạt tốc độ giao dịch lên đến 10.000/s nhờ tính năng Parallel Execution (thực thi song song), giải quyết các bất cập còn tồn đọng với blockchain smart contract lớn nhất hiện nay là Ethereum.
Công ty đứng sau dự án - Monad Labs - được phát triển bởi các cựu nhân viên quỹ đầu tư Jump Trading của Phố Wall và nhánh đầu tư tiền mã hóa Jump Crypto, từng huy động được 19 triệu USD trong vòng seed vào tháng 02/2023 với sự tham gia của Dragonfly Capital cùng nhiều nhà đầu tư thiên thần có tiếng trong ngành tiền mã hóa.
Vào tháng 4, Monad Labs xác nhận đã hoàn tất vòng tài trợ 225 triệu USD do Paradigm dẫn đầu - nâng định giá của Monad lên 3 tỷ USD, đồng thời trở thành dự án blockchain huy động được nhiều tiền nhất trong năm 2024, cũng như năm 2023 - chỉ đứng sau Wormhole (225 triệu USD), một dự án khác cũng có xuất phát từ Jump Crypto.
Thông tin triển khai Monad testnet được đưa ra sau khi giao thức ra mắt devnet vào tháng 3, với thử nghiệm nội bộ đạt tới 10.000 giao dịch mỗi giây (TPS). "Đây là một cột mốc quan trọng đối với đội ngũ của chúng tôi," Keone Hon, CEO và đồng sáng lập Monad Labs, chia sẻ tại thời điểm đó.
Monad tuyên bố đã tối ưu hóa cách thức hoạt động của Ethereum để cung cấp thông lượng lớn hơn - được thiết kế để đạt tới 10.000 TPS với thời gian khối là một giây. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ là thách thức đối với các nhà vận hành node, vì yêu cầu về phần cứng lớn gấp đôi so với blockchain Ethereum chính.
Thay vì chỉ đơn giản sao chép mã nguồn Ethereum, Monad cho biết họ đang xây dựng một EVM hoàn toàn mới từ đầu, sử dụng cấu trúc ống dẫn (pipelined architecture). Phương pháp tiếp cận này có ưu điểm, thay vì thực hiện từng quy trình liên tiếp lần lượt, chúng cho phép xử lý hiệu quả hơn và đảm bảo sự hoàn tất khối (Block Finality) ngay lập tức. Monad cũng tương thích với bytecode EVM, giúp các nhà phát triển Ethereum dễ dàng chuyển dApps hiện có của họ sang blockchain Monad.
Theo tài liệu kỹ thuật được Monad phát hành vào tháng 09/2023, token của Monad sẽ được sử dụng để thanh toán phí cho các giao dịch được đưa vào trong block và thực thi các giao dịch, được gọi là chi phí vận chuyển (carriage cost). Ban đầu, token này được gọi là "mon", nhưng Monad sau đó đã loại bỏ tên token khỏi tài liệu mà không nêu rõ lý do.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68