10 tháng sau sự sụp đổ của sàn FTX, cựu CEO Sam Bankman-Fried sắp sửa bị mang ra xét xử trước tòa án Mỹ, nơi ông đối mặt với hàng loạt cáo buộc hình sự.
5 điều cần biết trước phiên toà xét xử Sam Bankman-Fried ngày 03/10
Sau gần 2 tháng bị bắt giữ kể từ giữa tháng 8 vì bị phát hiện vi phạm thỏa thuận bảo lãnh, Sam Bankman-Fried (SBF) đã nhiều lần kiến nghị để được tại ngoại nhằm chuẩn bị cho phiên tòa xét xử nhưng đều bị toà án bác bỏ. Giờ đây, cựu CEO của sàn giao dịch đã phá sản FTX sắp phải đối mặt với ít nhất 21 ngày tại phiên tòa hình sự đã được lên lịch diễn ra từ ngày 03/10 - 09/11/2023.
Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn sẽ diễn ra vào ngày 03/10/2023 (giờ Mỹ), trước khi phiên tòa xét xử chính thức bắt đầu vào ngày 04/10/2023. Dưới đây là 5 điều bạn đọc cần biết để có thể nắm bắt được thông tin trước phiên toà xét xử Sam Bankman-Fried, một trong những phiên tòa xét xử liên quan đến cú sập đổ tiền mã hóa lớn nhất trong lịch sử.
Năm 2022 khoảng thời gian tồi tệ nhất của thị trường tiền mã hóa. Khi vẫn chưa kịp định thần từ các khủng hoảng trước đó, giới nhà đầu tư tiếp tục bị đánh gục bởi cú sập kinh hoàng của FTX. Vậy bởi đâu một startup kỳ lân, từng được định giá 32 tỷ USD, từ đỉnh cao lại lao xuống vực thẳm?
FTX, từng được ca ngợi là "biểu tượng" của ngành crypto, được đồng sáng lập vào năm 2019 bởi Sam Bankman-Fried, đã trở thành một cái tên quen thuộc ở Hoa Kỳ nhờ các chiến dịch và tài trợ triệu đô.
Trong vòng 3 năm sau đó, công ty đã thực hiện một loạt các vòng gọi vốn "khủng" và nhiều hợp đồng tài trợ cho các thương hiệu lớn nhằm quảng bá tên tuổi của mình, bao gồm:
“Đế chế Sam Bankman-Fried” tiếp tục chứng minh tiềm lực tài chính dồi dào và vị thế của mình trong lĩnh vực tiền mã hóa khi không chỉ đứng vững trước sự sụp đổ của của đồng stablecoin Terra/LUNA hồi tháng 05/2022, mà còn là đơn vị đưa ra thoả thuận trị giá 250 triệu USD để "cứu trợ" BlockFi - công ty lending bị liên luỵ bởi Terra/LUNA - cũng như xung phong cứu nguy cho Voyager Digital thông qua gói cho vay 485 triệu USD.
Mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ vào tháng 11/2022, với những tin đồn xung quanh mối quan hệ giữa FTX với Alameda Research, và những tin đồn quỹ Alameda "thiếu tiền" ảnh hưởng trực tiếp đến giá FTT, token giao dịch gốc của FTX.
Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi CEO Binance Changpeng Zhao (CZ) tuyên bố sàn giao dịch của ông sẽ bán hết số FTT nắm giữ, đóng vai trò như chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng thanh khoản tại FTX khi giá trị của FTT giảm mạnh.
Cuối cùng đến ngày 11/11/2022, FTX, FTX.US và Alameda Research bắt đầu thủ tục phá sản, với việc Bankman-Fried từ chức CEO. John J. Ray III, người xử lý vụ phá sản khét tiếng của Enron, được bổ nhiệm làm CEO tạm quyền để xem xét và kiếm tiền từ các tài sản còn lại của tập đoàn FTX.
Từ 14 cáo buộc ban đầu, phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried sẽ chỉ xoay quanh 7 tội danh lừa đảo và rửa tiền liên quan đến sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, giảm 1 tội danh so với 8 lệnh truy tố khác nhau của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) về gian lận, rửa tiền và vi phạm tài trợ chiến dịch vào tháng 12/2022, bao gồm:
Tội danh "vi phạm quy định quyên góp tài chính" sau đó đã bị Bộ Tư pháp bác bỏ vào tháng 07/2023, do có thỏa thuận dẫn độ với Bahamas, nơi Bankman-Fried bị trục xuất.
Thẩm phán Kaplan, chủ toạ phiên xét xử SBF vào ngày 03/10 tới đây, cho biết họ sẽ triệu tập một số nhân chứng cho phiên tòa, bao gồm khách hàng cũ của FTX, nhà đầu tư và nhân viên.
Các công tố viên Hoa Kỳ mong đợi sự hiểu biết từ nhân viên của FTX sẽ làm chứng, đồng thời những khách hàng cũng sẽ bày tỏ kỳ vọng đối với khả năng "lấy lại tài sản" còn bị kẹt trên sàn giao dịch.
Bộ Tư pháp hy vọng các nhân chứng sẽ hợp tác để làm chứng về các tương tác của họ với cựu CEO, cũng như về các tuyên bố và hành động mà SBF đã thực hiện dẫn đến vụ phá sản.
Trong số các nhân chứng hợp tác, dự kiến sẽ xuất hiện 3 người thân tín của Sam là Caroline Ellison - cựu CEO Alameda Research, Gary Wang - cựu Giám đốc Công nghệ FTX, và Nishad Singh - cựu Giám đốc Kỹ thuật FTX đều đã đầu thú để xin khoan hồng. Một nhân vật khác trong bộ sậu của SBF là Ryan Salame, người thay Sam Bankman-Fried thực hiện các khoản quyên góp chính trị, cũng đã nhận tội vào đầu tháng 09/2023.
Trước phiên tòa, phía luật sư biện hộ cho Sam Bankman-Fried đã đổ lỗi cho cả cấp dưới lẫn những cố vấn thân cận về những quyết định sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của FTX. Vị cựu CEO vẫn cho rằng mình đã làm hết sức với những thông tin có được, đồng thời không biết về những sai phạm và hành vi bòn rút tiền người dùng FTX do Alameda Research thực hiện, vốn đã để lại khoản thâm hụt lên đến 8 tỷ USD.
Theo Bộ Tư pháp, các tội danh mà Sam Bankman-Fried bị cáo buộc sẽ khiến nhân vật này phải chịu án tù đáng kể.
Do đó, nếu bị kết tội tất cả các tội danh mà chính phủ Hoa Kỳ buộc tội, SBF có thể phải đối mặt với hơn 100 năm tù.
Các chuyên gia pháp lý đã gợi ý rằng phiên tòa xét xử Bankman-Fried có thể là một trong những vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. 8,7 tỷ USD số tiền của người dùng đã biến mất sau sự sụp đổ của FTX, trong khi ước tính FTX đã khôi phục được xấp xỉ 7 tỷ USD tài sản thông qua thủ tục phá sản.
Bankman-Fried cũng tham gia vào chính trường Hoa Kỳ khi vận động hành lang và chi đậm cho các cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2022. Cựu CEO của FTX thậm chí còn được cho là đã cân nhắc trả cho Donald Trump 5 tỷ USD để rút lui khỏi cuộc đua tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Có thể trong phiên toà xét xử tới đây, Bankman-Fried vẫn sẽ giữ lập trường vô tội của mình, vì trong quá khứ, ông đã từng có những hành động tương tự khi đổ lỗi cho luật sư cố vấn vì sự sụp đổ của FTX.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68