Khi nhắc đến phái sinh trong thị trường NFT, người ta thường hay nhớ đến các bộ sưu tập NFT copy từ các bộ sưu tập NFT nổi tiếng như CryptoPunks hay BAYC. Tuy nhiên, bài viết lần này sẽ nhắc đến một “ý nghĩa” khác của Derivatives NFT – đó là các công cụ tài chính phái sinh dành cho NFT.
Xem thêm:
Phái sinh là một dạng hợp đồng được phát hành dựa trên cơ sở những công cụ tài chính đã có. Các công cụ tài chính phái sinh thường được dùng để phòng ngừa các rủi ro tài chính và hơn nữa là một nơi để các trader có thể giao dịch chênh lệch giá và kiếm lời. Phái sinh có thể là một từ ngữ nghe hơi xạ lạ nhưng sản phẩm của nó thì chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với các nhà đầu tư tiền mã hóa. Nếu bạn đã một lần long/short một đồng coin nào đó trên FTX hay Binance thì bạn đã sử dụng một loại công cụ tài chính phái sinh có tên là Futures (hợp đồng tương lai).
Bất kỳ thị trường nào cũng cần có các công cụ tài chính phái sinh và NFT cũng không ngoại lệ. Các công cụ tài chính phái sinh dành cho NFT có thể là hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options),…
Đối với các công cụ tài chính phái sinh, các nhà đầu tư NFT có thể dùng chúng để phòng hộ vị thế của mình.
Ví dụ như thế này:
BAYC sắp ra mắt bộ sưu tập mới và thực hiện airdrop cho người hold BAYC. Nếu bạn mua và hold BAYC để nhận airdrop thì sẽ phải đối mặt với một rủi ro giá BAYC có thể giảm sau khi nhận airdrop xong. Để phòng ngừa rủi ro này, bạn sẽ dùng vị thế short trong futures để phần giảm giá của BAYC sẽ được bù lại từ lợi nhuận của vị thế short.
Nftperp là sàn giao dịch phi tập trung cho phép giao dịch các hợp đồng tương lai vĩnh cửu (future perpeptual). Với nftperp, chúng ta có thể long/short NFT với đòn bẩy lên tới 5x. Cách thức hoạt động của nftperp khá tương đồng với các sàn giao dịch phái sinh phi tập trung như dYdX hay Perpetual Protocol.
Trên nftperp sẽ có 2 mức giá quan trọng: giá thị trường của bộ sưu tập và giá của hợp đồng tương lai vĩnh cửu. Giá thị trường của bộ sưu tập sẽ được tính toán khá phức tạp bao gồm một số bước như sau:
Nói đơn giản thì nftperp sẽ dùng oracle để quan sát, thu thập giá và một số cách tính toán để tính ra mức giá thị trường mà họ cho là đáng tin cậy nhất.
Về giá của hợp đồng tương lai vĩnh cửu, nftperp sử dụng một virtual AMM (AMM ảo) hoạt động theo cơ chế x*y=k (tương tự như cách Uniswap, Sushiswap hay các DEX AMM khác hoạt động). Sở dĩ gọi là AMM ảo vì nó không hề có thanh khoản thật sự được đưa vào pool mà chỉ dùng để xác định mức giá hiện tại của hợp đồng tương lai. Khi bất kỳ có ai mở một lệnh long/short, AMM ảo này sẽ coi đó là một lệnh swap để mua/bán token vào pool và từ đó giá của hợp đồng tương lai sẽ thay đổi theo cơ chế x*y=k. Tuy nhiên, nftperp còn sử dụng mô hình Dynamic Virtual Liquidity để thay đổi tỷ lệ x/y và cả k để hạn chế sự mất cân bằng lớn giữa long/short cũng như trượt giá trong AMM ảo.
Ngoài ra, tương tự các hợp đồng tương lai vĩnh cửu khác, nftperp cũng có một chỉ số dùng để cân bằng lượng long/short được gọi là funding rate. Đây là một chỉ số cần thiết để giúp cho giá của hợp đồng tương lai không đi quá xa so với giá thị trường. Funding rate sẽ được tính toán dựa trên sự chênh lệch của giá hợp đồng tương lai và giá thị trường. Khi funding rate dương thì những người long sẽ trả phần phí funding cho người short và ngược lại.
Mặc dù nftperp đã đưa vào nhiều tiêu chí tính toán để cải thiện tính chính xác của giá thị trường của NFT nhưng do thanh khoản hiện tại của NFT đang phân mảnh nên đầu vào của dữ liệu sẽ không có độ tin cậy cao. Để các nền tảng như nftperp phát triển được thì cần phải dựa vào các giao thức giúp tập trung thanh khoản cho NFT như những gì sudoswap đang làm.
Tribe3 có cơ chế hoạt động giống như nftperp dù dự án vẫn mới ở giai đoạn testnet. Mức đòn bẩy cho phép khi giao dịch trên Tribe3 cũng là 5x, và khi ngưỡng giá trị của tài sản thế chấp (so với vị thế đang được mở) rơi xuống dưới 10% nhưng vẫn trên mức 2%, một phần tài sản thế chấp sẽ bị thanh lý (ở mức 12.5%); nếu ngưỡng giá trị này rơi xuống dưới 2%, 100% tài sản thế chấp sẽ bị thanh lý. Tài sản thế chấp ở đây sẽ là TETH (testing ETH) do Tribe3 chỉ mới hoạt động trên testnet.
Nhìn chung, Nftperp nói riêng và các giao thức về hợp đồng tương lai vĩnh cửu sẽ là một giải pháp để phòng hộ rủi ro cho những NFT holder cũng như mở ra các cơ hội giao dịch chênh lệch giá cho trader mà không đòi hỏi phải có nhiều tiền để mua một NFT nguyên vẹn vốn có giá sàn rất cao – rơi vào từ vài chục tới vài trăm nghìn USD ở thời điểm hiện tại.
Nifty Options là một trong những giao thức đầu tiên cung cấp sản phẩm quyền chọn tài chính cho thị trường NFT. Nói sơ qua về quyền chọn thì đây là một dạng thỏa thuận hợp đồng mang lại cho một bên giao dịch một quyền (không phải nghĩa vụ) trao đổi một tài sản với bên còn lại ở một mức giá xác định.
Hãy tưởng tượng trong một trường hợp thế này, bạn vừa mua một NFT của BAYC, giá sàn hiện tại đang là 60 ETH. Bạn muốn nắm giữ BAYC trong vòng 6 tháng nhưng cũng muốn hạn chế rủi ro giảm giá của NFT này. Bạn sẽ tạo một quyền chọn trên Nifty bằng cách ký quỹ NFT BAYC vào giao thức của Nifty, thiết lập mức giá cho quyền chọn là 60 ETH cùng một khoản phí là 1 ETH, thời hạn của quyền chọn là 6 tháng. Bất kỳ ai cũng có thể khớp lệnh quyền chọn này bằng cách ký quỹ vào Nifty khoản tiền là 60 ETH được khóa trong vòng 6 tháng và nhận về 1 ETH. 6 tháng sau, bạn có toàn quyền quyết định rằng sẽ bán BAYC này ở giá 60 ETH hay không. Nếu giá thị trường đang cao hơn bạn sẽ không thực hiện quyền chọn bán, còn nếu giá thị trường thấp hơn thì bạn sẽ thực hiện quyền chọn này, mất thêm 1 ETH nhưng bù lại tránh được rủi ro mất giá sâu hơn của BAYC.
Trong các thị trường tài chính, quyền chọn sẽ bao gồm 2 loại là quyền chọn mua và quyền chọn bán. Tuy nhiên, hiện tại Nifty Options mới chỉ cung cấp một sản phẩm duy nhất đó là quyền chọn bán.
Khác với giao thức của nftperp, Nifty Options không cần phải có một cơ sở giá tham chiếu vững chắc để tránh rủi ro cho giao thức vì mức giá của hợp đồng hoàn toàn do hai người mua/bán quyết định với nhau. Tuy nhiên, cách thức hoạt động hiện tại của Nifty không mang lại hiệu quả sử dụng vốn cho người dùng vì cả NFT và tiền ký quỹ đều bị khóa trong thời gian mà hợp đồng đang có hiệu lực, không thể sử dụng nó để mang đi cho vay hay làm gì khác.
Một giao thức khác cũng về quyền chọn với NFT là Putty. Trái với Nifty Options, Putty cho phép người dùng tạo lệnh long/short với cả quyền chọn mua (call) hoặc quyền chọn bán (put). Giao thức của Putty cũng hoạt động theo cơ chế peer-to-peer, tức là người dùng sẽ tạo lệnh long/short trên nền tảng của Putty rồi chờ người dùng khác đến khớp lệnh thay vì có một pool thanh khoản chung để giao dịch các quyền chọn put/call.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động cách đây hơn một tháng, tổng khối lượng giao dịch trên Putty hiện tại rơi vào gần 200.000 USD với tổng số lệnh đã khớp là 78 (tại thời điểm viết bài).
Trong tương lai thị trường phái sinh sẽ trở thành một phần quan trọng của thị trường NFT nói chung. Nó không chỉ giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục và phòng hộ rủi ro mà còn giúp các nhà đầu tư tạo ra các chiến lược giao dịch chênh lệch giá. Ngoài ra, thị trường phái sinh còn giúp thúc đẩy quá trình “price discovery” khiến việc định hình giá trị của NFT tốt hơn, cải thiện độ tin cậy về giá.
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm hiện tại của phân khúc này vẫn đang trong quá trình phát triển. Cũng giống như đa phần các sản phẩm tiền mã hóa hiện tại, việc áp dụng một mô hình truyền thống vào blockchain sẽ cần thời gian để thử nghiệm để xác định được đâu là cách thức hoạt động hiệu quả.
Với những tiềm năng nói trên của các sản phẩm tài chính phái sinh, các giao thức NFT derivatives vẫn có khả năng trở thành bước phát triển tiếp theo của thị trường NFT khi dòng tiền chảy vào loại tài sản này nhiều hơn, từ đó cũng đem lại nhiều thanh khoản hơn để các trader có thể triển khai linh hoạt những chiến thuật giao dịch chênh lệch giá hay phòng hộ rủi ro để bảo vệ danh mục đầu tư của mình.
AntiAntiNFTs Club (AANC) là cộng đồng các nhà sưu tập và đầu tư NFT tại Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu đối với NFT AANC luôn muốn lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người thông qua việc xây dựng một cộng đồng chất lượng, một nơi đúng với slogan của tụi mình đó là “Can’t help falling in love with NFTs”.
Xem thêm các bài viết trước của AANC:
Nguồn: Coin68