Đối với từng cá nhân được sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 và 21 thì việc nợ, vay nợ hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính để cải thiện cuộc sống là điều thường xuyên xảy ra. Nhưng nếu thay cụm từ cá nhân bằng quốc gia thì câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào? Hãy cũng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây với một minh chứng vô cùng cụ thể đó chính là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Trần nợ công Mỹ là gì? Tầm ảnh hưởng của trần nợ công Mỹ đối với tài chính thế giới
Trần nợ công là một ngưỡng giới hạn cho phép mà một quốc gia có thể vay mượn trong một khoảng thời gian nhất định. Nó được xác định bởi chính phủ hoặc cơ quan tài chính quốc gia và thường được quy định bằng một số tiền cố định hoặc một tỷ lệ phần trăm của GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Trần nợ công được áp dụng để đảm bảo rằng nợ công không vượt quá mức kiểm soát và giúp duy trì sự ổn định tài chính cho quốc gia.
Như một cá thể con người, một quốc gia cũng tồn tại những nhu cầu cụ thể liên quan đến vay nợ và cho vay. Điểm khác biệt ở chỗ nếu chỉ là một cá nhân, việc vay quá hạn mức có thể chi trả sẽ chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đó. Ở tầm cỡ của quốc gia, việc vay quá hạn mức có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả một đất nước. Vì thế, trần nợ công được đặt ra để kiểm soát mức vay nợ của các cơ quan chính phủ.
Sự gia tăng trần nợ công của Mỹ. Ảnh: Visual Capitalist
Việc áp trần nợ công không chỉ đơn thuần là việc nhắc nhở các cơ quan chính phủ sử dụng tiền một cách khôn ngoan mà còn mang tính đảm bảo cho thị trường tài chính toàn cầu. Như chúng ta đều biết, thị trường tài chính không chỉ được xây dựng bằng tiền mang nó còn dựa trên niềm tin của con người. Và đồng tiền mà toàn thế giới đặt niềm tin nhiều nhất đó chính là USD. Sự tin tưởng này to lớn đến mức dự trữ ngoại hối của rất nhiều quốc gia là đồng đô la Mỹ.
Nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, nền kinh tế của nước này sẽ ngay lập tức tiến đến suy thoái. Điều này không những khiến sản lượng kinh tế suy giảm mà nó còn để lại một hậu quả kinh khủng hơn. Đó chính là việc đồng USD sẽ bị suy yếu nặng nề do nhiều nhà đầu tư sẽ bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ để bảo vệ vốn.
Hơn thế nữa, đối với hai cường quốc khác là Nhật Bản và Trung Quốc, việc Mỹ vỡ nợ cũng sẽ khiên hai nền kinh tế này bị ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Theo các báo cáo mới nhất, 1.970 tỷ USD giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ đang được nắm giữ bới hai cường quốc này dẫn đầu bởi Nhật Bản. Cụ thể, chủ nợ lớn nhất hiện tại của Mỹ đó chính là Nhật khi nước này đang nắm giữ 1.100 tỷ USD giá trị trái phiếu. Đối với Trung Quốc, vị trí đầu bảng đã có thể thuộc về quốc gia này nếu những căng thẳng giữa chính quyền Trump và Tập Cận Bình không diễn ra hồi năm 2019. Hiện cường quốc tại Châu Á này đang nắm giữ 870 tỷ đô Trái phiếu chính phủ Mỹ.
Như chúng ta đều biết đồng USD của Mỹ là một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới, chi phối mọi ngóc ngách của thị trường tài chính. Nếu đồng tiền này suy yếu thì câu chuyện sẽ không còn nằm trong khuôn khổ của nước Mỹ. Như đã đề cập ở trên, hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới là đô la Mỹ, và nếu đồng tiền này mất giá đồng nghĩa với việc dự trữ của nhiều quốc gia cũng sẽ mất giá. Hơn thế nữa, đối với các nền kinh tế đang trên đà đi lên, việc đồng USD suy yếu sẽ làm các khoản vay bằng đồng tiền khác tăng giá, khiến các quốc gia này đi đến bờ vực khủng hoảng nợ.
Báo cáo tài sản dự trữ của Tether tính đến cuối tháng 03/2023
Hãy nhìn vào biểu đồ trên, đây là báo cáo tài sản mới nhất của Tether, công ty nổi tiếng trong thị trường tiền mã hoá với Stablecoin USDT. Theo báo cáo, tổng tài sản của Tether hiện tại là 81 tỷ USD, trong khi đó lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà công ty này nắm giữ là 53 tỷ USD, chiếm hơn một nửa lượng tài sản. Vậy nếu Mỹ thật sự vỡ nợ, một phần hai tài sản của công ty này có thể bốc hơi. Và viễn cảnh USDT mất peg có thể sẽ là kịch bản ít tồi tệ nhất của stablecoin này.
Một điều khá khó hiểu đó chính là tại sao một nền kinh tế được cho là to lớn và hùng mạnh nhất thế giới lại đứng trước nguy cơ vỡ nợ và suy thoái? Câu trả lời có thể được tìm ra thông qua những lý do chính như sau:
Sự gia tăng của thế hệ già: để nuôi nấng một đứa trẻ tại Mỹ, số tiền ước tính từ sơ sinh đến 17 tuổi là xấp xỉ 300 nghìn USD do đó việc không sinh hoặc sinh một con của các gia đình Mỹ là điều khá dễ hiểu. Do đó, chỉ trong 10 năm thế hệ Baby-Boomer tăng rất mạnh từ 40.5 triệu người lên 56.1 triệu người.
Thuế thu không đủ bù chi ngân sách: từ việc dân số ngày càng già đi, số người trong độ tuổi thu thuế không còn đủ nhiều để cân bằng các khoản chi phí. Đơn cử như năm 2022, số tiền mà chính phủ chi tiêu là hơn 6 tỷ USD nhưng khoản thu từ thuế lại chưa đến 5 tỷ USD
Chi phí dịch vụ công tăng mạnh: hơn 12 nghìn USD là số tiền mà Mỹ đã chi trả để một công dân có thể thăm khám sức khỏe đầy đủ. Đây là con số khá lớn so với tình hình kinh tế rối ren của quốc gia này.
Dù việc Mỹ vỡ nợ là điều rất khó xảy ra vì hơn ai cả thượng viện và hạ viện Mỹ đều hiểu được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của việc này lên cục diện của Hoa Kỳ trong hiện tại và tương lai. Tính đến thời điểm viết bài, những biện pháp và các gói cứu trợ có thể đã và đang được áp dụng nhằm cứu vãn tình hình tồi tệ này. Chúng ta chỉ có thể chờ đến ngày 05/06/2023 để biết được kết quả của toàn bộ cục diện kinh tế Mỹ.
Lưu ý: Coincuatui không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn. Chúc các bạn thành công và kiếm được thật nhiều lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này!
Nguồn: Coin68