Uniswap vẫn đang là dự án top 1 về DEX nói riêng, và vẫn là trụ cột trong thị trường crypto nói chung. Nhưng token UNI có đáng để đầu tư, có còn tiềm năng tăng giá về dài hạn hay không? Hãy cùng phân tích trong số Tokenomics Research thứ 14 này nhé!
Tokenomics Research #14: Uniswap (UNI) - Câu chuyện về mâu thuẫn đằng sau một token quản trị
Chắc chắn Uniswap là cái tên quá đỗi quen thuộc với các anh em tham gia thị trường crypto lâu năm, đặc biệt là những anh em chuyên hệ DEX.
Uniswap là một sàn giao dịch phi tập trung (Decentralized Exchange - DEX) được xây dựng bởi Hayden Adams, ra mắt cộng đồng vào năm 2018. Ban đầu, Uniswap được xây dựng trên Ethereum, cho phép người dùng giao dịch bất kỳ token ERC-20 nào một cách phi tập trung.
Hiểu một cách đơn giản, Uniswap là một sàn giao dịch tương tự như Binance, OKX hay HTX (Huobi) mà chúng ta vẫn hay dùng, chỉ khác là nó được xây dựng một cách phi tập trung và hoàn toàn không chịu kiểm soát của bên thứ 3 nào.
Uniswap được xây dựng để giải quyết các vấn đề của các sàn tập trung (CEX) như Binance, OKX, Huobi…, cụ thể:
Trong thị trường tài chính, sàn giao dịch hầu như là thành phần không thể thiếu, bất kể đó là thị trường cổ phiếu, tiền tệ, dầu, hàng hoá, vàng… hay thị trường crypto. Hiện nay, hầu hết chúng ta tham gia đầu tư tiền ma đều có ít nhất 1 tài khoản ở 1 sàn giao dịch tập trung nào đó để có thể mua, bán, lưu trữ token, coin hoặc cash-in/cash-out.
Tuy nhiên, khác với các thị trường tài chính truyền thống, thị trường crypto bản thân nó gắn với công nghệ blockchain, vì vậy, hướng đến tính phi tập trung. Khi Ethereum xuất hiện và phát triển ngày càng mạnh thành một hệ sinh thái tiềm năng, nhu cầu phải xây dựng một sàn giao dịch phi tập trung trên Ethereum ngày càng mạnh mẽ.
Cùng với sự phát triển của thị trường, việc giao dịch, đầu tư không còn gói gọn trong các token/coin được list trên các sàn giao dịch truyền thống mà đã đa dạng hơn, trong đó có rất nhiều token low cap, memecoin… Để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận các loại token mới này, đòi hỏi cần phải có các sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò, vị trí của các sàn CEX trong thị trường. Tuy nhiên, bản thân CEX cũng tồn tại rất nhiều rủi ro. Chắc hẳn anh em chưa quên về vụ sụp đổ của FTX hay một số fud khác liên quan đến các CEX. Rõ ràng, thị trường cần thêm những option khác có thể thay thế cho CEX và bổ sung những thiếu sót của CEX.
Từ 2018 đến nay, Uniswap đã trải qua rất nhiều lần update về công nghệ, giao diện và các thông số liên quan đến chi phí giao dịch, thiết lập pool liquidity…, trong đó lớn nhất là các bản cập nhật từ V1 đến V4.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động cơ bản của Uniswap vẫn là một AMM (Automated Market Maker). Đây là giải pháp thay thế mô hình thanh khoản cũ (sổ lệnh - orderbook) trên các sàn giao dịch tập trung. Uniswap sẽ thiết lập các pool thanh khoản gồm 2 cặp token theo công thức x*y = k (k là hằng số không đổi). Các lệnh mua và bán sẽ được xử lý một cách tự động thông qua đường cong thanh khoản này. Các giao dịch mua/bán sẽ làm thay đổi số lượng token từ đó tác động đến giá cả trong pool một cách tự nhiên theo quy tắc cung - cầu.
Một số điểm nổi bật trong giao thức Uniswap hiện tại:
Thanh khoản trên Uniswap sẽ được phân bổ trong các phạm vi giá, từ đó giúp thanh khoản tập trung tại các vùng giá mà giao dịch xảy ra nhiều nhất, nhờ vậy tối ưu thanh khoản, tăng lợi nhuận cho LPs.
Anh em có thể tìm đọc thêm về thanh khoản tập trung trong bài viết: Chuẩn bị hành trang đón sóng Concentrated Liquidity Phần 1 và Phần 2.
Với việc áp dụng thanh khoản tập trung, cơ chế phí hiện tại trên Uniswap sẽ vận động như sau: khi một giao dịch được thực hiện, phí swap sẽ được tính và phân bổ cho toàn bộ vị thế thanh khoản trong phạm vi giá giao dịch. Nếu giá giao dịch ra khỏi phạm vi của một vị thế, vị thế đó sẽ không nhận được phí swap. Hiện tại, với Uniswap V3, các nhà cung cấp thanh khoản có thể tạo ra các tier cho mức phí, tuỳ vào độ biến động, thanh khoản của các loại tài sản.
Khác với các giao thức khác, bản thân Uniswap V3 đã có oracle riêng biệt để phục vụ cho chính sản phẩm của mình. Tất cả các nhóm Uniswap V3 có thể đóng vai trò là oracle, cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu thanh khoản và giá lịch sử.
Các vị thế thanh khoản có thể tùy chỉnh, cùng với việc cung cấp tài sản một chiều, cho phép tạo ra một kiểu hoán đổi mới với market makers: range orders.
Trong các CEX thông thường, anh em rất dễ đặt các lệnh limit orders (lệnh giới hạn - mua hoặc bán một tài sản ở một mức giá cụ thể được xác định trước, cho phép lệnh được thực hiện vào một thời điểm không xác định trong tương lai). Tuy nhiên, với DEX, điều này trở nên khó khăn hơn rất nhiều, vì vậy, khá nhiều người vẫn không lựa chọn DEX để giao dịch thường xuyên.
Uniswap V3 giúp người dùng có thể đặt một lệnh limit bằng cách cung cấp một tài sản duy nhất dưới dạng thanh khoản trong một phạm vi cụ thể. Giống như các lệnh giới hạn truyền thống, các lệnh phạm vi có thể được đặt với kỳ vọng chúng sẽ thực hiện tại một thời điểm nào đó trong tương lai, với tài sản mục tiêu có sẵn để rút sau khi giá giao ngay đã vượt qua toàn bộ phạm vi của lệnh.
UNI là native token của dự án, được ra mắt thông qua hình thức retroactive và cũng đã tạo ra một tiếng vang rất lớn tại thời điểm đó.
Trong 4 năm đầu tiên, tỷ lệ phân bổ của UNI sẽ như sau:
Nguồn: Uniswap
- Community (60%): 60% lượng token được phân bổ cho cộng đồng, trong đó 15% (so với tổng cung) sẽ là lượng token được airdrop cho những người dùng sớm.
- Team (21,51%): đây là lượng token dành cho đội ngũ xây dựng giao thức, được mở khoá dần trong vòng 04 năm.
- Investors (17,8%): là lượng token dành cho các nhà đầu tư sớm, được mở khoá dần trong vòng 04 năm.
- Advisors (0,69%): là lượng token dành cho đội ngũ cố vấn, được mở khoá trong 04 năm.
Lịch trình mở khoá của UNI. Nguồn: Uniswap
Sau 4 năm, tokenomics của UNI sẽ có thay đổi khi mà UNI sẽ lạm phát theo tỷ lệ 2% mỗi năm, từ đó khiến tổng cung và allocation có sự thay đổi (sự lạm phát này chủ yếu dành cho phần community).
UNI hiện tại chỉ có một use-case quan trọng nhất là quản trị. Bên cạnh đó, UNI cũng được dùng như là một phần thưởng cung cấp thanh khoản.
Về cơ bản, use-case của UNI tương tự như LDO hoặc JTO mà chúng ta vừa phân tích gần đây.
Tóm lại, từ những thông tin về tokenomics của UNI, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Use case của UNI không có gì quá đặc biệt so với các dự án DeFi khác, thậm chí là còn tỏ ra thua sút hơn các dự án phát triển sau này như GMX, PancakeSwap. Vì vậy, nếu không có gì thay đổi, UNI chỉ có thể tăng trở lại khi Uniswap có những thay đổi đủ lớn về “chất” của dự án (thay đổi tokenomics, cải tiến sản phẩm ở cấp độ lớn, hợp tác với các đối tác lớn…).
Vì đã ra mắt từ khá lâu, hiện tại, lịch trình mở khoá UNI đang đi đến giai đoạn cuối (sẽ trả full vào khoảng Quý 3 2024). Đây sẽ là thời điểm quan trọng để chúng ta đánh giá lại dự án nói chung và việc các quỹ đầu tư đang làm gì với token UNI của họ nói riêng. Mốc thời gian Quý 3 2024 có thêm một sự “trùng hợp” thú vị mà mình sẽ phân tích trong phần sau.
Để anh em có cái nhìn chi tiết hơn, mình sẽ phân tích sâu hơn về tình hình hoạt động và những cập nhật quan trọng của Uniswap trong thời gian qua.
Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về tốc độ tăng trưởng của Total Value Locked (TVL) trên giao thức.
Thay đổi TVL trên Uniswap. Nguồn: DeFiLlama, 06/02/2024
Kể từ sau mùa hè DeFi bùng nổ và Uniswap đạt ATH TVL với giá trị khoảng 9,7 tỷ USD vào tháng 04/2021, chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn tương đối khó khăn sau đó khi TVL giảm dần về mốc quanh mốc khoảng 4 - 5 tỷ USD và vẫn đang đi ngang quanh mức này.
Lý giải về sự sụt giảm nói trên, có thể kể đến những nguyên nhân chính như sau:
Thị trường rypto đã chứng kiến đợt sụt giảm lớn của BTC và hầu như là tất cả các đồng altcoin, khiến cho dòng tiền rút ra ngoài ồ ạt và vì vậy, Uniswap cũng chịu ảnh hưởng khá lớn.
Với sự xuất hiện của xu hướng multi-chain cùng vô số DEX trên đó, Uniswap vấp phải sự cạnh tranh ngày một lớn.
Mặc dù trong xuyên suốt từ 2022 đến nay, thị trường vẫn có một vài giai đoạn bùng nổ trở lại, tuy nhiên DeFi nói chung vẫn chưa thể thực sự quay trở lại mạnh mẽ, gặp phải khó khăn lớn trong việc thu hút dòng tiền mới. Uniswap cũng chịu chung “số phận” này.
Thêm một chi tiết thú vị mà mình muốn đề cập ở đây, đó là TVL của Uniswap đều có những cột mốc ấn tượng khi họ ra mắt các phiên bản mới cho sản phẩm của mình. Cụ thể, Uniswap V2 đã giúp cho TVL của Uniswap tăng trưởng ấn tượng từ chưa đến 100 triệu USD đạt đến vài tỷ USD. Tiếp đó, update Uniswap V3 cũng giúp TVL của dự án lập đỉnh. Như vậy, có thể thấy rằng những cập nhật sản phẩm lớn qua từng phiên bản của Uniswap là nhân tố quan trọng tác động đến dòng tiền, sự tăng trưởng của dự án. Vì vậy, với lộ trình ra mắt Uniswap V4 trong Quý 3 2024, Uniswap có thể một lần nữa giúp dự án lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Không chịu thua kém các đối thủ khác, tháng 6/2022, Uniswap đã chính thức mua lại nền tảng Genie, tích hợp với chính dự án của mình, cho phép người dùng giao dịch các NFT trên Uniswap. Đây là nỗ lực để Uniswap mở rộng sản phẩm theo chiều ngang, giúp người dùng có một DEX vừa có thể giao dịch token truyền thống, vừa có thể mua bán NFT một cách dễ dàng hơn.
Tháng 10/2022, Uniswap gọi vốn thành công vòng Serise B với giá trị 165 triệu USD, nâng định giá công ty lên mức 1,66 tỷ USD. Vòng gọi vốn có sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng như Polychain, a16z, Paradigm.
Tháng 12/2022, Uniswap tiếp tục cho thấy tham vọng kết nối DeFi và CeFi một cách gần hơn, bằng việc cho phép người dùng có thể mua/bán một số loại crypto thông qua các loại thẻ visa hoặc tài khoản ngân hàng.
Để có thể hỗ trợ tốt hơn cho trải nghiệm người dùng, đặc biệt là trên các thiết bị smartphone, Uniswap đã ra mắt app Uniswap Wallet vào tháng 03/2023. Đây sẽ là một ví non-custodial tương tự Metamask, kết nối trực tiếp đến Uniswap.
Trước sự phát triển nhanh chóng của các Layer-1, Layer-2, Uniswap cũng không thể đứng ngoài cuộc đua multi-chain. Họ nhanh chóng đưa dự án lên các hệ sinh thái mới như Arbitrum, Optimism, BNB Chain, Polygon zkEVM, Base… để mở rộng thị phần, thu hút người dùng.
Như mình có nhắc đến ở trên, 2024 dự kiến sẽ là năm quan trọng với Uniswap khi họ giới thiệu và lên kế hoạch chính thức triển khai V4. Trong V4, Uniswap sẽ có nhiều thay đổi quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là khái niệm "Hooks". Đây là cơ chế cho phép lập trình viên có thể tuỳ chỉnh các pool thanh khoản, điều chỉnh phí giao dịch linh hoạt, đồng thời hỗ trợ các kiểu lệnh giao dịch mới.
Anh em có thể tìm hiểu thêm về Uniswap V4 tại bài viết chi tiết này.
Nhận xét: có thể nói rằng Uniswap đang làm khá tốt và kiên định với con đường phát triển của mình, cụ thể:
Đội ngũ dự án vẫn kiên định với việc xây dựng, phát triển Uniswap thành một DEX tốt nhất thị trường. Mọi thay đổi đều xoay quanh và tập trung phục vụ cho mục đích này. Khác với nhiều dự án “đem con bỏ chợ”, “đẽo cày giữa đường”, Uniswap vẫn đặt trọng tâm phát triển sản phẩm cốt lõi, thay vì chạy theo các trend khác trên thị trường.
Những thay đổi, cập nhật của Uniswap tuy không phải quá nhiều, nhưng đều đang cố gắng cải thiện trải nghiệm người dùng, kết nối DeFi và CeFi, nhờ vậy thu hút người dùng, thu hút dòng tiền (điều quan trọng nhất đối với một sàn giao dịch).
Việc triển khai multi-chain theo mình là kịp thời và hiệu quả, trong bối cảnh Ethereum vẫn đang khá chậm và đắt đỏ.
Uniswap V4 mang lại nhiều thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là cơ chế Hooks, có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các dự án để thu hút thanh khoản.
Với rất nhiều thay đổi, cập nhật và định hướng phát triển. Chúng ta tiếp tục so sánh Uniswap với một số top DEX khác trên thị trường hiện nay:
So sánh Uniswap với một số top DEX khác. Nguồn: DeFiLlama, Token Terminal (19/02/2024)
Anh anh em có thể thấy trong 4 tiêu chí mà mình liệt kê, Uniswap hiện tại đang là top 1 trong cả 3/4 tiêu chí.
- Hiện tại, sàn giao dịch này vẫn đang có lượng TVL lớn nhất, và gần như gấp 2,5 lần so với đối thủ top 2 là Curve.
- Về khối lượng giao dịch, 7 ngày gần nhất, Uniswap đạt 7,4 tỷ USD volume và chiếm 29% thị phần DEX (gần ⅓).
- Uniswap chỉ thua kém doanh thu (7 ngày) khi so sánh với PancakeSwap. Tuy nhiên, anh em đừng quên PancakeSwap hiện tại không chỉ đơn thuần là một DEX, mà còn bao gồm trong nó các sản phẩm như IFO, Lottery, Perpetual Trade (giao dịch phái sinh) và cả NFT Marketplace.
Vì vậy, việc chiếm ưu thế so với Uniswap khi so sánh về doanh thu là điều khá dễ hiểu. Mình tin rằng nếu chỉ so sánh về mảng DEX, Uniswap vẫn sẽ là top 1 về doanh thu.
Như vậy, mặc dù thị trường gặp khó khăn, nhưng với những thay đổi cần thiết và kịp thời, Uniswap vẫn duy trì vị thế top 1 DEX hiện tại.
Bên cạnh những mặt tích cực về việc cải thiện sản phẩm, Uniswap vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong hoạt động của DAO, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân token UNI.
Đầu tiên, vấn đề thao túng quyền quản trị DAO vẫn xảy ra. Nếu anh em còn nhớ, tại thời điểm Uniswap biểu quyết nhằm kiểm định, lựa chọn giải pháp cross-chain cho dự án này trên BNB Chain, a16z đã dùng toàn bộ UNI họ nắm giữ để can thiệp vào việc biểu quyết, khiến kết quả thay đổi theo ý muốn của họ.
Mặc dù nhiều người vẫn cho rằng đơn giản a16z đang thực hiện quyền biểu quyết của họ, tuy nhiên cộng đồng cũng lo ngại về việc một dự án DeFi đang bị tập trung hoá quá mức.
Trên thực tế, đây là một lo lắng có cơ sở, nhất là khi gần đây, cuộc bỏ phiếu sơ bộ về đề xuất chia phí giao thức cho những người nắm giữ UNI tiếp tục tạo ra một vài tranh cãi. Cộng đồng Uniswap đã thể hiện sự chia rẽ trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ về đề xuất phân bổ phí giao dịch Uniswap v3 cho người nắm giữ UNI.
Cụ thể, đã có đến hơn 40 triệu UNI được sử dụng để bỏ phiếu, với 45,32% lựa chọn phương án “Phản đối”, trong khi 54,68% còn lại lựa chọn “Ủng hộ” nhưng lại bị chia mảnh cho các mức phí khác nhau, như là 1/5, 1/6 và 1/10.
Vì phương án được lựa chọn nhiều nhất là “Phản đối”, vì thế có thể xem cuộc bỏ phiếu sơ bộ đã thất bại trong việc kêu gọi cộng đồng ủng hộ việc phân bổ phí cho người nắm giữ UNI.
Nhận xét: Hiện tại, UNI chỉ có duy nhất một use-case là quản trị, tuy nhiên, vấn đề về việc điều hoà giữa quyền quản trị và lợi ích cộng đồng vẫn là một vấn đề mà dự án đang phải đối mặt. Điều này khiến cho nhiều retail không còn mặn mà với việc nắm giữ UNI.
Từ những phân tích nói trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận như sau:
(1) Uniswap vẫn đang là dự án top 1 về DEX nói riêng, và vẫn là trụ cột trong thị trường crypto nói chung. Việc tin tưởng và đầu tư vào Uniswap trong trung hạn và dài hạn vẫn khá an toàn cho nhiều người. Các quỹ đầu tư lớn đã thể hiện rõ ràng sự tin tưởng vào dự án khi tiếp tục “rót tiền” cho Uniswap ở vòng Series B.
(2) Token UNI được thiết kế khá nhàm chán. Vì vậy, UNI chỉ có thể bùng nổ trở lại khi và chỉ khi Uniswap thay đổi về chất và tạo ra cú hích cho chính dự án cũng như cả thị trường DeFi. Cú hích này có thể đến từ Uniswap V4. Cập nhật “Hooks” khiến cho các dự án có thể cạnh tranh thanh khoản một cách sòng phẳng hơn, thu hút LPs và thu hút volume giao dịch, từ đó mở ra một cơ chế ve-tokenomics mới cho UNI.
(3) Trong V4, Uniswap sẽ hỗ trợ thêm nhiều chế độ lệnh mới. Đây là cập nhật sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng rất nhiều, đưa trải nghiệm trên Uniswap gần với 1 CEX thông thường hơn, đồng thời mở ra dư địa phát triển thêm mảng Perpetual Trading (tương tự như DYDX, GMX…), từ đó giúp Uniswap cạnh tranh sòng phẳng hơn với các CEX.
(4) Với nhiều dư địa phát triển, lượng phí thu được trên Uniswap sẽ là rất lớn. Điều này sẽ khiến mâu thuẫn giữa team, các quỹ đầu tư nắm giữ lượng lớn UNI và lợi ích của nhà đầu tư càng trở nên gay gắt. Uniswap sẽ phải lựa chọn giữa việc cố gắng thu tối đa lượng phí về cho mình hay cân bằng giữa lợi ích của tổ chức với lợi ích của cộng đồng. UNI có bùng nổ hay không cũng phụ thuộc khá nhiều vào sự lựa chọn này.
(5) Với việc tokenomics unlock hết vào Quý 3 năm 2024, đồng thời là thời điểm ra mắt Uniswap V4, sự trùng hợp này khiến chúng ta nghĩ đến một thời điểm mà TVL và token UNI có thể đồng thời bùng nổ. Điều này càng có cơ sở hơn khi dự án đã gọi vốn thành công vào tháng 10/2022 với giá trị lên đến 165 triệu USD.
Anh em có đặt cược vào UNI trong dài hạn? Để lại bình luận để thảo luận cùng mình nhé. Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.
Poseidon
Nguồn: Coin68