Sắc xanh ngập tràn thị trường chứng khoán và tiền mã hóa mặc cho Fed vừa nâng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp trong năm 2022.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã có 4 lần liên tiếp nâng lãi suất vào các tháng 3, tháng 5, tháng 6 và tháng 7, với mức điều chỉnh lần lượt là 0,25%, 0,5%, 0,75% và 0,75%. Mục tiêu của Fed sẽ là đưa lãi suất lên vùng từ 3%-3,5% vào cuối năm nay qua các đợt điều chỉnh còn lại vào các tháng 9, tháng 11 và tháng 12.
Đây là động thái điều tiết thị trường của Fed trong bối cảnh cơ quan này kể thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vào giữa năm 2020 tại Mỹ đã liên tục bơm tiền ra thị trường để trợ cấp cho người dân lẫn các doanh nghiệp, để lại hậu quả là tình hình lạm phát có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát.
Lạm phát Mỹ, phản ánh qua chỉ số giá tiêu dùng CPI, vào tháng 6 đã cán mốc 9,1% – ngưỡng cao nhất 4 thập niên qua và vượt mọi dự đoán của giới chuyên gia. Tuy nhiên, tình hình hiện tại không đơn thuần là xuất phát từ Fed, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố vĩ mô khác như cuộc khủng hoảng năng lượng và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và tình hình COVID tại Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo cũng vào rạng sáng nay, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cung cấp thêm một số thông tin về nhận định của ngân hàng trung ương Mỹ, gồm:
– Lạm phát hiện đang ở mức quá cao, Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh nguồn cung tiền tệ để đối phó.
– Báo cáo lạm phát tháng 6 cho thấy kết quả tệ hơn dự đoán.
– Lần tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 9 có thể sẽ chứng kiến mức điều chỉnh cao bất thường.
– Mức lãi suất mục tiêu của Fed vào cuối năm nay sẽ là từ 3-3,5%.
– Fed đang theo dõi các tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể bị chững lại, song không nghĩ suy thoái đã bắt đầu.
Một thông tin vĩ mô khác mà thị trường sẽ phải quan sát trong những giờ tới là việc Mỹ sẽ công bố báo cáo GDP vào tối 28/07, chỉ báo cho thấy liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có đang lâm vào suy thoái hay không khi GDP quý 1 đã giảm 1,6%. Theo Bloomberg, các nhà quan sát dự báo GDP Mỹ quý 2 sẽ tăng nhẹ 0,4%.
Dù thông tin Fed nâng lãi suất thường được xem là một tín hiệu tiêu cực, nhưng có thể vì đã chuẩn bị cho kịch bản nâng 0,75% từ trước, thế nên cả thị trường chứng khoán Mỹ lẫn thị trường tiền mã hóa đều đón nhận thông tin trên một cách tích cực.
Ngay khi thông tin tăng 0,75% được Fed xác nhận, Bitcoin (BTC) thậm chí đã lấy lại đà tăng từ vùng 21.900 USD và thậm chí còn dâng lên mốc 23.100 USD. Sau đó, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang ổn định quanh vùng 22.700 – 23.000 USD. Trước đó, vì những lo ngại rằng Fed có thể mạnh tay, BTC đã có lúc giảm về tận 20.706 vào hôm 26/07.
Tương tự, đồng tiền đứng thứ 2 là Ethereum (ETH) trở lại mạnh mẽ với mức tăng hơn 12% trong 24h qua lên mức 1.644 USD. ETH đang áp sát mức đỉnh của tháng 7 ở 1.664 USD, đạt được nhờ động lực tăng trưởng nhờ tin tức The Merge sắp diễn ra vào tháng 9.
Một cái tên khác cũng được hưởng lợi từ The Merge là Ethereum Classic (ETC), tăng mạnh hơn 30% lên mốc 33.77 USD. Nguyên nhân là bởi không ít người hy vọng rằng sau khi Ethereum chuyển sang dùng Proof-of-Stake, thợ đào ETH sẽ chuyển sang Ethereum Classic vì mạng lưới này là bản sao giống với Ethereum nhất mà vẫn sử dụng Proof-of-Work.
Tăng mạnh nhất thị trường trong 12h qua là Lido (LDO) với mức dâng trào đến gần 45% nhờ tin tức đội ngũ quản trị dự án đã cập nhật lại đề xuất bán 1% tổng cung LDO cho quỹ đầu tư Dragonfly Capital với giá thị trường trong khoảng từ 1.45 USD đến 2.45 USD, cũng như áp đặt yêu cầu khóa token trong vòng 1 năm – nguyên nhân khiến đề xuất cũ thất bại. Do vậy, không ít người đang đẩy giá LDO lên nhằm khiến Dragonfly phải bỏ ra số tiền lớn hơn.
Các đồng tiền mã hóa lớn khác trong top 20 lúc này cũng đang trả về mức tăng từ 6-20%. Vốn hóa thị trường đang ổn định quanh mốc 1.045 tỷ USD.
Trong 12h gần nhất, đã có hơn 270 triệu USD lệnh phái sinh trên thị trường bị thanh lý, dẫn đầu là 3 đồng ETH, BTC và ETC. Tỷ lệ lệnh short bị cháy chiếm đến 78,7%.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68