Trong thế giới tiền mã hoá, Proof of Work (PoW), Proof of Stake (PoS) và node là 3 khái niệm luôn đi liền với nhau trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Sự ràng buộc này không chỉ đến từ việc chúng là những thành tố không thể thiếu của một blockchain mà nó còn là vấn đề của lợi nhuận và kinh tế. Vậy node là gì và trong những cơ chế đồng thuận khác nhau thì node sẽ đóng vai trò như thế nào? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Node là gì? Những điểm khác biệt giữa node PoS và PoW
Node là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong cấu trúc của một blockchain, node là tất cả những thiết bị tương tác và thực hiện một nhiệm vụ nhất định trong việc duy trì mạng lưới blockchain, từ những việc như xác thực kết quả đến việc lưu trữ và quản lý trạng thái của các giao dịch. Không những thế, node còn mang một nhiệm vụ khác đó chính là bảo toàn sự liền lạc của thông tin bằng cách truyền tin giữa các thành tố với nhau.
Bên cạnh đó, nhờ có node, tính phi tập trung của blockchain được bảo toàn bởi tính liên kết chặt chẽ giữa các node. Các thông tin tồn tại trong blockchain đều được lưu trữ ở các node và sẽ được ghi vào block thay vì một máy chủ trung tâm tập trung tất cả các thông tin. Các node cũng nắm giữ vai trò đảm bảo tính liên tục của blockchain nhờ vào việc luôn trao đổi và thống nhất với nhau về mặt dữ liệu.
Proof of Work (PoW) là cơ chế đồng thuận cổ xưa nhất thị trường tiền mã hoá, nó được giới thiệu gần như cùng lúc với Bitcoin bởi Satoshi Nakamoto. Khi người dùng phát sinh giao dịch trên một blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận PoW, hệ thống của blockchain này sẽ sử dụng một sổ cái phân quyền để đưa các giao dịch vào một block cụ thể. Nhưng quá trình này đòi hỏi một yếu tố khác đó chính là các node.
Proof of Work (PoW)
Các miner chính là các node thuộc một mạng lưới các máy tính phân tán, mang trách nhiệm là kiểm định và chấp nhận các lô giao dịch từ các node khác. Bên cạnh đó, các miner đều có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận những khối được tạo mới trong toàn bộ mạng lưới.
Các miner sẽ nhận được phần thưởng khi họ tìm được các giá trị dưới ngưỡng được đặt ra bởi mạng lưới. Khi phát hiện được hash này, miner sẽ thông báo điều này cho toàn bộ mạng lưới và tích hợp các bản sao vào blockchain để đề phòng các trường hợp gian lận.
Proof of Stake (PoS) là cơ chế đồng thuận được tạo ra nhằm giải quyết các bài toán tồn đọng của Proof of Work (PoW). Trong quá trình khai thác và xác thực giao dịch, PoW mang đến cho người dùng một bất cập vô cùng lớn đó chính là cơ chế này tiêu tốn rất nhiều điện năng và tài nguyên phần cứng. Một máy đào cơ bản hiện nay đã có giá hơn 1000 USD và tiêu tốn điện năng rất nhiều.
Đối với Proof of Stake,người xác thực không còn gọi là miner mà thay vào đó họ sẽ được gọi là validator. Và yêu cầu của các dự án đặt ra khi người dùng muốn trở thành validator chỉ đơn giản là stake một số tiền mã hoá nhất định.
Về phía dự án, điều này sẽ giúp giảm thiểu các tác động đến môi trường và tạo ra hiệu quả cũng như đảm bảo tính bảo mật trong việc validate các giao dịch. Bên cạnh đó, Proof of Stake còn mang đến một tính năng bảo mật “ẩn" dành cho an ninh của mạng. Cụ thể, lợi nhuận khi tấn công sẽ trở nên ít hơn rất nhiều so với các cơ chế đồng thuận khác.
Hơn thế nữa, nếu hacker muốn chiếm quyền kiểm soát blockchain thì họ phải nắm hơn 50% cung lưu hành của đồng coin trên thị trường trong khi nếu một cá nhân cầm từ 10% trở lên thì đã bị phát hiện và tầm soát hoạt động từ sớm.
Một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa các miner trong cơ chế đồng thuận Proof of Work và các validator trong cơ chế đồng thuận Proof of Stake đó chính là cách chọn một cá nhân cụ thể để đề xuất các khối mới và nhận thưởng khối.
Cụ thể, trong PoW, miner không được chọn mà thay vào đó, họ cạnh tranh để giải quyết các bài toán học phức tạp bằng cách sử dụng công suất tính toán. Người đầu tiên giải quyết câu đố được thêm vào khối mới vào blockchain và được thưởng cho sự cố gắng của họ.
Ngược lại, trong PoS, validator được chọn dựa trên số lượng tiền mã hoá mà họ nắm giữ và sẵn sàng đặt cọc chúng như một tài sản thế chấp. Đôi khi, các yếu tố khác như quá trình chọn ngẫu nhiên hoặc thời gian nắm giữ tiền mã hoá cũng có thể ảnh hưởng đến việc chọn validator. Khác với PoW, nơi sức mạnh tính toán càng nhiều thì cơ hội thêm vào một khối càng lớn, PoS cho phép quá trình chọn lựa người xác minh và thêm vào khối mới trên blockchain một cách hiệu quả năng lượng hơn.
Về bản chất, PoW dựa trên công suất tính toán và sự cạnh tranh giữa người đào, trong khi PoS phụ thuộc vào lượng tiền mã hoá đặt cọc và quá trình lựa chọn người xác minh.
Một sự khác biệt rõ ràng khác giữa miner và validator nằm ở lượng năng lượng tiêu thụ. Việc mining trong PoW nổi tiếng với việc tiêu thụ nhiều năng lượng, trong khi việc validating PoS tiêu tốn ít điện năng hơn rất nhiều.
Yêu cầu để có thể trở thành một miner là rất cao do yêu cầu một phần cứng mạnh mẽ và đắt tiền. Ngược lại, việc trở thành validator của PoS thì dễ dàng hơn một chút, tuy nhiên có thể đòi hỏi nắm giữ một lượng lớn tiền mã hoá.
Bên trên là những thông tin về hai cơ chế đồng thuận PoW và PoS cũng như node và những điểm khác biệt giữa miner và validator. Thông qua bài viết, hy vọng Coincuatui đã mang đến cho người đọc những góc nhìn tổng quan nhất về miner và validator, những thành phần quan trọng nhất của một blockchain nói riêng cũng như thị trường tiền mã hoá nói chung.
Nguồn: Coin68