Fibonacci Retracement (Fibonacci thoái lui) là một trong những công cụ phổ biến và được nhiều trader sử dụng vì tính hiệu quả của nó. Trong bài viết hôm nay, anh em cùng mình tìm hiểu về công cụ này và cách sử dụng nó một cách hiệu quả nhất nhé!
Lớp giao dịch 101: Price Action Trading (Phần 20) – Bắt xu hướng với Fibonacci Retracement
Xem thêm các bài viết trong chuỗi Price Action Trading:
Dãy số Fibonacci được lấy tên theo nhà toán học Leonardo Fibonacci – người phát hiện ra dãy số đầu tiên. Dãy Fibonacci đơn giản là dãy số mà số hạng liền sau bằng tổng của hai số hạng liền trước: 1 1 2 3 5 8 13 21 34…
Một điều thú vị là nếu lấy số hạng liền sau chia cho số hạng liền trước sẽ ra tỷ lệ 1.618 hay nghịch đảo là 0.618. Nếu lấy số trong dãy số chia cho số trước đó 2 số hạng sẽ ra tỷ lệ 2.618 hay nghịch đảo là 0.382. Từ đó chúng ta có các tỷ lệ Fibonacci phổ biến trong phân tích kỹ thuật là 38.2%, 61.8%, 161.8% và 261.8%.
Fibonacci Retracement còn được gọi là "Fibo Quy hồi "hay "Fibo thoái lui ", là công cụ gợi ý cho trader các điểm điều chỉnh hay hồi phục của giá (Pull Back) trước khi giá tiếp tục đi theo xu hướng ban đầu.
Anh em nếu chưa hiểu rõ về xu hướng có thể đọc lại bài viết về cách xác định xu hướng của Lớp giao dịch 101 nhé!
Tóm lại: Fibonacci Retracement là công cụ được dùng để xác định các điểm vào lệnh, giúp trader có thể bắt được con sóng hồi và trade theo xu hướng chính.
Nếu anh em đang xài TradingView, công cụ này sẽ được mở như sau:
Bước 1: Anh em tìm kiếm trên thanh công cụ phía tay trái màn hình và click vào biểu tượng như hình dưới.
Bước 2: Anh em chọn công cụ “Fibonacci thoái lui” (Fibonacci Retracement).
Bước 3: Tùy chỉnh theo ý muốn. Anh em có thể thấy công cụ Fibonacci Retracement của anh em sẽ ở dạng mặc định và khác một chút so với của mình (hình dưới). anh em có thể click chuột phải vào công cụ và chọn “Cài đặt” để thiết lập màu sắc, thông số… theo sở thích nhé.
Như mình đã nói, công cụ này sẽ giúp trader xác định các vùng giá điều chỉnh để trade theo xu hướng chính.
Chúng ta sẽ phải xác định các đáy/đỉnh và kéo Fibo từ đáy tới đỉnh (với xu hướng tăng) và đỉnh xuống đáy (xu hướng giảm).
Các mốc chúng ta cần chú ý sẽ là 0.382, 0.5 và 0.618. Trong đó, chúng ta sẽ kỳ vọng giá điều chỉnh tốt nhất ở 2 mốc đầu tiên.
Ví dụ:
Khung 30m BTC có một xu hướng tăng từ 21.300 – 22.300. Trong trường hợp này, mình sẽ dùng Fibonacci kéo từ đáy (21.300) đến đỉnh (22.300) của sóng tăng và tìm ra các vùng có khả năng giá sẽ điều chỉnh về để long lên. Anh em có thể thấy giá đã quay về mốc 0.382 và bật lên.
Tiếp theo, BTC bật tăng sóng từ 21.800 – 25.200 và mình có thể sử dụng Fibonacci để tìm điểm giá hồi về. Anh em có thể thấy giá hồi về ngay mốc 0.5 và tạo mô hình 2 đáy, sau đó bật lên khá tốt.
Như vậy, thông thường chúng ta thường kỳ vọng giá sẽ chỉnh khoảng 30% – 50% (tương đương với các mốc 0.382 – 0.5). Nếu giá chỉnh quá sâu (về mốc 0.618), thông thường xu hướng vẫn có thể tiếp diễn nhưng lại có rủi ro vì lực bán ngược xu hướng quá lớn.
Với xu hướng giảm, chúng ta sẽ làm ngược lại, kéo từ đỉnh xuống đáy:
Anh em có thể thấy khung 30m của DOT có xu hướng giảm khá rõ và chúng ta mong muốn tìm ra một entry để đi theo xu hướng. Khi đó, chúng ta sẽ kéo Fibo từ đỉnh trước (6,232) về đáy mới (5.949). Giá đã hồi về ngay mốc 0.5 và giảm thêm một nhịp.
Lưu ý 1: Hai mốc 0.382 và 0.618 đối xứng nhau, vì vậy anh em nếu không thích “công thức sách giáo khao” mà muốn kéo từ đáy/đỉnh hay đỉnh/đáy đều được thì vẫn ổn, chỉ cần lưu ý chúng ta nên trade nếu giá điều chỉnh ở 2 mốc ~30% – 50%.
Lưu ý 2: Không phải lúc nào giá cũng sẽ hồi đẹp như những ví dụ mình vẽ. Trong nhiều trường hợp, giá có thể không hồi về (sideway nhẹ rồi tăng/giảm tiếp) hoặc đâm sâu qua các mốc rồi mới lên theo xu hướng cũ. Vì vậy, anh em không nên “thần thánh hoá” công cụ này mà chỉ kết hợp nó với các phương pháp khác để tăng xác suất thắng.
Lưu ý 3: Cá nhân mình sẽ sử dụng cả các vùng râu nến. Một số người thì chỉ dùng Fibo ở vùng giá đóng cửa của nến. Điều này hoàn toàn là tuỳ sở thích của các bạn
Thông thường, mình sẽ không sử dụng đơn lẻ Fibonacci Retracement mà kết hợp nó với các phương pháp khác như hỗ trợ, kháng cự và các mô hình giá.
Để tăng độ mạnh của tín hiệu, anh em có thể xem xét các mốc của Fibo có hợp lưu với hỗ trợ và kháng cự quan trọng không rồi mới vào lệnh.
Anh em có thể thấy 1H DYDX đang cho xu hướng giảm khá rõ ràng. Giá sideway tạo đáy mới sau đó hồi lên. Theo tư duy thông thường về giao dịch theo xu hướng, chúng ta có thể tìm entry short. Lúc này, anh em kẻ Fibo từ đỉnh mới (3,010) về đáy mới (2,371). Anh em có thể thấy giá đã hồi về vùng 0.5 (2,690). Đây cũng đồng thời là kháng cự mạnh (giá tôn trọng 2 lần trước đó, bị phá vỡ trở thành kháng cự).
=> Canh setup short ở vùng giá này. Thực tế, giá đã giảm mạnh tiếp sau đó.
Ngoài các vùng hỗ trợ/kháng cự cứng, anh em cũng có thể kết hợp với hỗ trợ và kháng cự động (EMA, SMA…)
Khung D của ENS có một sóng tăng rất mạnh từ 10.4 – 17. Chúng ta vẽ Fibo từ đáy tới đỉnh và xác định được vùng 0.5 (13,75). Anh em thấy giá về đây sẽ đồng thời hợp lưu với hỗ trợ cứng trước đó + hỗ trợ động là EMA (89) (đường màu xanh).
Nếu anh em muốn tăng xác suất thắng, anh em có thể kiên nhẫn đợi giá hình thành mô hình giá đẹp. Chúng ta dễ dàng thấy khung thời gian 12H có mô hình hai đáy:
Như vậy, để nâng cao hiệu quả dùng Fibonacci thoái lui, anh em cần kết hợp thêm các công cụ khác để tạo ra hợp lưu vào lệnh. Và đừng bao giờ quên là luôn đi theo xu hướng.
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon:
Nguồn: Coin68