Như đã được đồn đoán từ tháng 1, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ ra một mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính quyền gia tăng động thái quản lý tiền mã hóa.
Yahoo! Finance ngày 17/02 dẫn lời nguồn tin trong cuộc cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp sửa đưa ra một mệnh lệnh hành pháp sớm nhất là vào tuần tới, chỉ đạo các cơ quan liên bang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu các khía cạnh của lĩnh vực tiền mã hóa với mục tiêu cuối cùng là xây dựng một bộ khung quản lý.
Mệnh lệnh từ ông Biden sẽ còn yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp nghiên cứu mức độ khả thi cho việc phát hành một đồng tiền đô la Mỹ kỹ thuật số. Văn phòng Chính sách Công nghệ và Khoa học thuộc Nhà Trắng thì sẽ đánh giá những yêu cầu về cơ sở hạ tầng để hỗ trợ đồng tiền này. Văn phòng sẽ phải trình lên cho Tổng thống báo cáo về công nghệ blockchain trong vòng 180 ngày và tác động lên môi trường trong vòng 545 ngày.
Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) sẽ cân nhắc những rủi ro về ổn định tài chính trong trường hợp nước Mỹ đi đến chấp nhận tiền mã hóa.
Cục Bảo vệ Người tiêu dùng, Ủy ban Thương mại Liên bang và Văn phòng Tổng chưởng lý sẽ nghiên cứu tác động của tài sản kỹ thuật số lên khía cạnh công bằng trên thị trường.
Các cơ quan lớn khác như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Ủy ban Giao dịch Tài sản Tương lai (CFTC), Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ sẽ xây dựng các chế tài để bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng, báo cáo lên Tổng thống về các cách thức để hạn chế rủi ro tiền mã hóa.
Tổng lại, mục đích của Mệnh lệnh Hành pháp thứ 81 sắp được Tổng thống Biden ký sẽ là thu thập dữ liệu cho việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh cho tài sản tiền mã hóa tại Mỹ.
Hai đời Tổng thống trước ông Biden đều từng ban hành các mệnh lệnh về tiền mã hóa. Hồi tháng 03/2018, cựu Tổng thống Trump đã ký mệnh lệnh hành pháp nghiêm cấm công dân và các công ty Mỹ tham gia giao dịch với Petro – đồng tiền mã hóa bảo chứng bằng dầu mỏ được Venezuela, quốc gia bị Mỹ cấm vận tài chính, phát hành.
Còn vào năm 2015, cựu Tổng thống Obama đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng tịch thu các tài sản tiền mã hóa có liên hệ đến hoạt động tội phạm mạng. Ông Biden vào tháng 03/2021 đã gia hạn cho mệnh lệnh này đến tháng 04/2022.
Mảng pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trong thời gian qua. Giữa khoảng thời gian Nhóm cố vấn Tài chính đăng tải báo cáo vế stablecoin và lưỡng viện Quốc hội tổ chức điều trần về crypto trong tháng 12/2021, Tổng thống Biden đã ký ban hành một đạo luật có điều khoản đánh thuế tiền mã hóa và giao cho Bộ Tài chính phải định nghĩa thế nào là “nhà môi giới tiền mã hóa” – khái niệm mơ hồ khiến điều khoản đó bị chỉ trích dữ dội. Đến tháng 02/2022, Bộ Tài chính Mỹ cuối cùng cũng đưa ra lập trường chính thức về khái niệm này, tạm thời xoa dịu dư luận quan tâm.
Tiếp đến, một cơ quan chính sách của Mỹ là Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) khẳng định sẽ tự chủ động hạn chế rủi ro từ stablecoin trong trường hợp Quốc hội chần chừ quá lâu trước vấn đề đó.
Sang đến năm 2022, nhiều nghị sĩ Mỹ đã công bố đề xuất luật của họ để quản lý tiền mã hóa toàn diện, hay chỉ làm rõ pháp lý liên quan đến stablecoin và ví tiền mã hóa. Sở Thuế vụ (IRS) thì mong muốn có thể đánh thuế thu nhập từ hoạt động đầu cơ NFT của nhà đầu tư tiền mã hóa. Còn Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã “hồi sinh” một quy định quản lý ví tiền mã hóa gây tranh cãi và được cho là có thể “bóp chết” ngành crypto tại Mỹ.
Tiếp đó, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào giữa tháng 2 đã tổ chức điều trần về vấn đề stablecoin.
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều ứng viên cho các vị trí trong chính quyền lại đang sử dụng quân bài “tiếp nhận tiền mã hóa” như là lợi thế thu hút cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay. Một số chính quyền cấp bang như Colorado thậm chí còn thông báo cho phép người dân đóng thuế bằng Bitcoin.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68