Vào tối ngày 08/12, Hạ viện Hoa Kỳ đã có phiên điều trần rất được mong đợi với các nhà lãnh đạo cấp cao của 6 công ty tiền mã hóa hàng đầu.
Như đã được Coincuatui đưa tin, Ủy ban Tài chính Hạ viện thuộc Quốc hội Mỹ cho biết sẽ tổ chức một phiên điều trần mang tên “Tài sản Mã hóa và Tương lai của Tài chính: Thấu hiểu những Thách thức và Lợi ích của Tiến bộ Tài chính đối với Hoa Kỳ” vào ngày 08/12.
Phiên điều trần sẽ có sự tham gia của 6 vị quản lý cấp cao đến từ các công ty crypto hàng đầu tại xứ cờ hoa, gồm:
Sự quan tâm của dư luận dành cho buổi điều trần này là rất lớn, thể hiện qua việc video livestream của Ủy ban Tài chính Hạ viện trên YouTube đã có lúc cán mốc chục nghìn người xem. Tuy nhiêu, sau quãng thời gian điều trần kéo dài đến gần 5 giờ đồng hồ, số lượng người theo dõi đã giảm đáng kể.
Stablecoin tiếp tục trở thành vấn đề trọng tâm được mang ra thảo luận tại phiên điều trần, chủ yếu về vấn đề giám sát các công ty stablecoin mà đang có tốc độ phát triển chóng mặt nhưng lại không có cơ chế giám sát bảo chứng đằng sau đó. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, bà Maxine Waters, nói: “Hiện tại, thị trường tiền mã hóa không có bất kỳ khung quản lý tập trung nào cả.”
CEO hai công ty stablecoin có mặt tại phiên điều trần là Jeremy Allaire của Circle và Charles Cascarilla của Paxos đồng tình với thực trạng trên. Ông Allaire ủng hộ Quốc hội Mỹ nên xây dựng luật “cấp phép và giám sát trên quy mô liên bang” đối với các công ty stablecoin. Tương tự, ông Cascarilla cho rằng hệ thống tài chính của Mỹ ở thời điểm hiện tại không đủ tiến bộ để hợp với các lĩnh vực mới nổi như là tiền kỹ thuật số và blockchain.
Bên cạnh đó, hai vị CEO còn được đặt câu hỏi về việc liệu tài sản bảo chứng stablecoin của họ có đang nằm dưới dạng tiền mặt hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ hay không mà lại yêu cầu chính quyền liên bang quản lý. Cả hai đều đưa ra lời xác nhận.
Phiên điều trần đã không có sự góp mặt của Tether, đơn vị phát hành stablecoin lớn nhất hiện nay và cũng là tâm điểm của nhiều chỉ trích nhắm vào mảng này. Theo đó, Tether từ lâu đã không công bố chi tiết quỹ tiền bảo chứng cho stablecoin, thậm chí còn đưa tỷ lệ dự trữ tiền mặt xuống mức thấp và thay vào đó là các trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro.
Vào đầu tháng 11, Nhóm Cố vấn Tài chính của Tổng thống Biden đã công bố một báo cáo về stablecoin, tiếp tục phản ánh quan điểm trước đó của giới chức Mỹ, đó là cho rằng lĩnh vực stablecoin cần phải sớm được quản lý để hạn chế những rủi ro đối với người sử dụng và sự ổn định của nền tài chính. Trước đó, có thông tin Nhà Trắng đang hối thúc Quốc hội xây dựng luật để quản lý các đơn vị phát hành stablecoin với tư cách là ngân hàng.
Sự mập mờ về pháp lý về tiền mã hóa tại Mỹ cũng đang là bất cập khiến nhiều công ty muốn đón đầu tiến bộ phải xây dựng giải pháp tại những quốc gia khác. CEO Brian Brooks của Bitfury, người từng là Giám đốc Văn phòng Quản lý Tiền tệ (OCC) dưới thời Tổng thống Trump và từng có quãng thời gian ngắn làm CEO của Binance.US, phát biểu:
“Có lý do khiến nhân tài trong lĩnh vực tiền mã hóa không còn tập trung ở Silicon Valley, cái nôi của Internet. Đúng là một số đã chuyển từ Silicon Vally sang Miami, nhưng nhiều hơn thế nữa đang tìm kiếm cơ hội tại Bồ Đào Nha, Dubai, Abu Dhabi, Singapore và các quốc gia khác mà dù cũng chưa có luật về tiền mã hóa nhưng lại có thái độ cởi mở hơn với tiến bộ.”
Bình luận trên của ông Brooks nhằm nhắm thẳng đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), cơ quan mà đến nay vẫn khá bảo thủ trong vấn đề quản lý các dự án tiền mã hóa. Ông Brooks còn nói rằng đến cả Fidelity, một trong những tập đoàn quản lý đầu tư lâu đời và lớn nhất của Mỹ, cũng phải sang Canada để phát triển ETF Bitcoin nhằm tránh rắc rối với SEC, đã phần nào nói lên vấn đề pháp lý của Mỹ.
Ông Brooks tiếp tục bày tỏ sự bất lực trước SEC:
“Ở vị trí cũ của tôi tại OCC, khi có một ngân hàng nào tìm đến với một sản phẩm mới, chúng tôi đều sẽ bày tỏ quan điểm của mình về nó, hoặc là tán thành hoặc là từ chối. Còn khi bạn có một dự án crypto mới, bạn đến SEC, bạn trình bày nó hết sức chi tiết với họ và xin hướng dẫn, SEC sẽ bảo với bạn là chúng tôi không thể cung cấp thông tin cho bạn và bạn phải tự chịu mọi rủi ro nếu tiếp tục thực hiện dự án.”
Trả lời các câu hỏi chất vấn từ phía Ủy ban Tài chính Hạ Viện, CEO Sam Bankman-Fried của sàn FTX và CFO Alesia Haas của Coinbase – hai trong số những nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ – cũng mong muốn chính phủ sớm có khung pháp lý cụ thể, thậm chí còn sẵn sàng tuân thủ chúng và ủng hộ các quy định tiêu chuẩn hóa giữa các sàn.
Vào tuần tới, Thượng viện Mỹ cũng sẽ có một phiên điều trần về chủ đề stablecoin, song nội dung cũng như khách mời thì vẫn chưa được công bố.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68