Thị trường tiền mã hóa kể từ cuối tuần trước đến nay đã phục hồi đáng kinh ngạc nhờ động lực đến từ “đầu tàu” Ethereum.
Khoảng thời gian 7 ngày qua vẽ nên hai bộ mặt trái ngược của thị trường tiền mã hóa.
Giờ này tuần trước, cả thị trường vẫn đang thấp thỏm chờ đón trong sự lo sợ thông tin chỉ số CPI tháng 6 của Mỹ, khiến nhiều đồng coin tràn ngập màu đỏ. Và điều gì đến cũng đã đến, tối ngày 13/07, CPI Mỹ đạt mốc cao nhất 4 thập niên ở 9,1%, cao hơn cả dự báo của giới chuyên gia tài chính và làm thị trường crypto bị dump mạnh.
Tuy nhiên, sau khi “cơn bão” qua đi cũng là lúc màu xanh trở lại mạnh mẽ với lĩnh vực crypto. Không còn áp lực vĩ mô từ thị trường chứng khoán đè nặng, các đồng coin lớn bắt đầu phục hồi rõ nét. Động lực đi lên càng được củng cố và dẫn dắt bởi Ethereum (ETH) khi đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới chào đón thông tin sự kiện The Merge một lần nữa được “chốt lịch”, dự kiến lên mainnet vào ngày 19-20/09 nếu không gặp trở ngại. Áp lực bán tháo vì các thông tin tiêu cực từ cuộc “khủng hoảng thanh khoản” cũng dịu lại, tạo điều kiện để thị trường phục hồi.
Ether cũng là đồng big cap tăng bật mạnh mẽ nhất trong 1 tuần qua. Cụ thể, từ mức thấp là 1.006 USD vào ngày 13/07, ETH vào sáng 19/07 đã “dựng cột” lên mốc 1.631 USD – tương đương với mức tăng 62,1%.
Trong cùng khung thời gian đó, Bitcoin (BTC) thì chỉ có thể phục hồi từ 18.910 USD lên 22.961 USD, tức tăng 21,4%.
Một cái tên tăng trưởng ấn tượng khác là Ethereum Classic (ETC) thì thậm chí còn gấp đôi giá trị trong 7 ngày qua, đi lên từ mốc 13.34 USD và lập đỉnh 27.77 USD vào sáng 19/07. Nguyên nhân ETC có thể dâng trào đến như vậy xuất phát từ tâm lý cho rằng một khi Ethereum thực hiện The Merge, tức là chuyển từ Proof-of-Work sang Proof-of-Stake và loại bỏ hoạt động đào tiền, thợ đào ETH hiện tại sẽ phải chuyển dịch sang Ethereum Classic, vốn là phiên bản giống nhất với ETH mà vẫn cho phép đào tiền.
Nhiều altcoin dạng layer-1 khác như BNB, SOL, AVAX, MATIC cũng ghi nhận mức phục hồi từ 20-40% trong 7 ngày qua. Nhờ đó, vốn hóa của tổng thị trường đã trở lại ngưỡng 1045 tỷ USD, tăng gần 200 tỷ USD so với mốc 851 tỷ USD cách đây 1 tuần.
Theo dữ liệu từ Coinglass, trong 24h gần nhất, đã có đến gần 851 triệu USD lệnh phái sinh crypto bị thanh lý, với tỷ lệ lệnh short bị cháy chiếm 57%. Đồng tiền ghi nhận mức thanh lý cao nhất là ETH với 543 triệu USD, cao gấp 4 lần con số 165 triệu USD của BTC, điều ít khi xảy ra mỗi khi thị trường có biến động.
Nói đi thì cũng nói lại, dù là biến động tăng trưởng tích cực, song triển vọng The Merge tháng 9 vẫn là chưa chắc chắn khi các nhà phát triển Ethereum vẫn có thể toàn quyền dời mốc thời gian triển khai nếu ghi nhận sự cố, bởi đây là nâng cấp quan trọng nhất lịch sử đồng coin này.
Ngoài ra, áp lực vĩ mô sẽ sớm trở lại trong tuần sau với mốc thời gian 26-28/07, thời điểm các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ có phiên họp tiếp theo. Với tình hình lạm phát Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kịch bản dự báo Fed sẽ công bố mức nâng lãi suất mới lên đến 1% đang trở nên khả thi hơn. Trong 3 lần điều chỉnh lãi suất vào tháng 3, tháng 5 và tháng 6., mức tăng của Fed lần lượt là 0,25%, 0,5% và 0,75%, đi kèm với những lần biến động dữ dội của giá Bitcoin.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68