Vào ngày 8/3/2022, cộng đồng tài chính nói chung và tiền mã hóa nói riêng đều vô cùng bất ngờ khi xuất hiện thông tin ngân hàng Silvergate phải tuyên bố đóng cửa và tiến hành thanh lý tài sản. Nhiều công ty crypto như Coinbase, Paxos, Galaxy Digital, BitStamp và Gemini đều lần lượt công bố thông tin họ sẽ cắt đứt liên hệ với Silvergate khi ngân hàng này bị ảnh hưởng nặng nề từ sự sụp đổ của FTX. Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu về Silvergate và ảnh hưởng của ngân hàng này đối với thị trường crypto qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn có thể quan tâm:
Cuộc “khủng hoảng thanh khoản” ngành crypto lan đến ngân hàng Silvergate Bank
Ngân hàng Silvergate dừng mạng lưới chuyển tiền lên các sàn crypto
Silvergate là một ngân hàng thương mại được thành lập vào năm 1988 và có trụ sở tại San Diego, California, Hoa Kỳ. Đây được xem là ngân hàng chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho các công ty và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực crypto và blockchain.
Ngân hàng Silvergate
Silvergate nhận được sự chú ý từ cộng đồng crypto khi là ngân hàng tiên phong trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tài chính để hỗ trợ cho thị trường crypto. Vào năm 2019, Silvergate Bank ra mắt Silvergate Exchange Network (SEN) hỗ trợ các công ty và cá nhân trong thị trường tiền mã hoá có thể chuyển tài sản cho nhau một cách nhanh chóng và an toàn.
Dưới đây là một số cột mốc trong quá trình hình thành và phát triển của Silvergate:
Năm 1988: Ngân hàng Silvergate được thành lập tại San Diego, California.
Năm 1995: Silvergate bắt đầu cung cấp các dịch vụ dành cho thị trường bất động sản.
Năm 2016: Silvergate bắt đầu phục vụ những khách hàng đầu tiên trong thị trường tiền mã hoá.
Năm 2017: Silvergate nắm giữ giá trị tài sản 1,9 tỷ USD tiền mã hoá từ 250 khách hàng.
Năm 2019: Silvergate niêm yết trên NYSE với mã chứng khoán SI và ra mắt Silvergate Exchange Network (SEN).
Năm 2021: Cổ phiếu của Silvergate đạt đỉnh với giá cao nhất là 219.75 USD/cổ phiếu vào tháng 11.
Năm 2022: Silvergate mua lại những tài sản trí tuệ và công nghệ của Diem với giá trị 200 triệu USD.
Năm 2023: Silvergate tuyên bố đóng cửa và tiến hành thanh lý tài sản sau khi bị ảnh hưởng nặng nề từ sự sụp đổ của FTX.
Silvergate Exchange Network (SEN) là một mạng lưới thanh toán tài chính trên blockchain được tạo ra bởi Silvergate Bank vào năm 2019. SEN cho phép các sàn giao dịch tiền mã hoá, công ty hoặc cá nhân trao đổi tài sản một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bằng cách sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng 24/7 của Silvergate Bank.
Silvergate Exchange Network (SEN)
Bên cạnh đó, SEN còn cung cấp một bộ API hiệu quả và an toàn dành cho người dùng để đảm bảo việc chuyển tài sản suôn sẻ quả trong thời gian thực. Điều này rất quan trọng đối với các sàn giao dịch và nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tiền mã hoá biến động liên tục.
Silvergate có hai loại dịch vụ chính là on-ramp và off-ramp dựa trên Silvergate Exchange Network (SEN). Đây là những hoạt động giúp người dùng có thể chuyển đổi, mua bán giữa tiền pháp định với tiền mã hóa và ngược lại. Các sàn giao dịch tiền mã hoá và các công ty stablecoin có thể chuyển đổi tiền pháp định sang tiền mã hoá và ngược lại thông qua SEN một cách dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Lấy ví dụ về mô hình hoạt động của Silvergate khi người dùng mua bán stablecoin thông qua sàn Coinbase:
Người dùng truy cập vào tài khoản Coinbase và chọn mua stablecoin trên trang giao dịch. Sau đó, họ sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng để thanh toán. Coinbase sẽ chuyển USD của người dùng đến tài khoản ngân hàng của đối tác thanh toán là Silvergate Bank. Từ đây, Silvergate Bank sẽ xác minh và xử lý thanh toán, sau đó liên kết với Circle chuyển đổi USD thành USDC. Cuối cùng, Coinbase sẽ chuyển USDC vào ví của người dùng trên sàn giao dịch.
Ngược lại, nếu người dùng bán stablecoin, Coinbase sẽ chuyển USDC từ tài khoản của người dùng trên sàn giao dịch đến Silvergate Bank. Sau đó, ngân hàng này sẽ chuyển USD tương ứng đến tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của người dùng.
Một số đối tác nổi tiếng trong thị trường crypto có thể kể đến như:
Coinbase: đây là đối tác chiến lược lớn nhất của Silvergate khi đây là một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới. Khách hàng của Coinbase có thể sử dụng mạng lưới thanh toán Silvergate Exchange Network (SEN) để tăng tốc độ xử lý thanh toán đồng thời giảm chi phí giao dịch đáng kể.
Circle: đây là đối tác thanh toán của Silvergate đồng thời là đơn vị phát hành stablecoin USD Coin (USDC) và được đảm bảo giá trị 1:1 với đồng USD.
Paxos: đây là đối tác cung cấp giải pháp thanh toán và tài chính cho Silvergate. Paxos là đơn vị phát hành stablecoin Paxos Standard (USDP) và được đảm bảo giá trị 1:1 với đồng USD.
Ngoài ra, Silvergate còn là đối tác của một số sàn giao dịch tiền mã hoá khác như Gemini, Bitstamp và Bitso. Những đối tác của Silvergate vô cùng chất lượng cho thấy tầm quan trọng của ngân hàng này trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính và phát hành stablecoin cho các công ty tiền mã hoá.
Vào giai đoạn cuối năm 2022, một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá hàng đầu thế giới khi đó là FTX đột ngột sụp đổ và kéo theo hệ lụy là ảnh hưởng đến các đối tác liên quan trong đó có Silvergate. Từ đây, khách hàng của Silvergate đã rút tiền liên tục và ngân hàng này cho biết số tiền rút lên đến hơn 8 tỷ USD trong giai đoạn tháng 10-12/2022.
Silvergate đã phải bán tháo rất nhiều loại tài sản để đền bù thiệt hại lên đến 8 tỷ USD, trong đó có cả trái phiếu chính phủ Mỹ. Có thể thấy Silvergate buộc phải bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ và thu hồi lại các khoản tiền gửi của họ ở nơi khác để bù đắp khoản thiệt hại. Điều này dẫn đến việc Silvergate không thể nộp báo cáo hàng năm đúng hạn cho SEC do vị thế của họ đang ngày càng giảm sút và báo cáo thu nhập quý 4/2022 vô cùng tồi tệ.
Trong trường hợp Silvergate phải đóng cửa, thị trường tiền mã hoá sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề đặc biệt là các công ty stablecoin và sàn giao dịch tiền mã hoá. Đối với các công ty stablecoin sẽ mất đi một đối tác ngân hàng uy tín để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc gửi và rút tiền. Điều đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tin tưởng của khách hàng trong thị trường crypto.
Đối với các sàn giao dịch tiền mã hoá, Silvergate là một trong những đối tác ngân hàng quan trọng nhất để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc rút và gửi tiền. Trong trường hợp Silvergate đóng cửa, các sàn giao dịch tiền điện tử sẽ phải tìm kiếm các đối tác ngân hàng khác để thay thế. Điều này có thể mất nhiều thời gian để các sàn giao dịch có thể tìm ra được một đối tác ngân hàng ưng ý.
Silvergate là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho các công ty, tổ chức và cá nhân trong thị trường crypto. Tuy nhiên, với việc ngừng hoạt động do sự sụp đổ của FTX, những đối tác của Silvergate phải loay hoay tìm kiếm một ngân hàng mới để chấp nhận làm việc với họ.
Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin liên quan đến ngân hàng Silvergate. Coincuatui chúc các bạn thành công và kiếm được thật nhiều lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này.
Nguồn: Coin68