Ethereum với tư cách là đồng coin có vốn hóa top 2 thị trường, đồng thời là dự án hệ sinh thái lớn nhất, luôn là nơi để rất nhiều quỹ lớn và nhà đầu tư đặt niềm tin. Trong bối cảnh thị trường suy giảm, liệu rằng Ethereum có đang hoạt động hiệu quả và xứng đáng để chúng ta “buy the dip”? Cùng mình phân tích ngay trong bài viết này nhé!
Lưu ý: Bài viết có thể hiện quan điểm và nhận định cá nhân của tác giả. Không nên được xem làm lời khuyên đầu tư.
Để xác định tính hiệu quả trong hoạt động của các Ethereum, mình sẽ dựa trên một số tiêu chí như sau:
1. Số lượng người dùng: đây là con số phản ánh khá chính xác về hiệu quả của một Layer-1. Nếu dự án làm tốt và trở thành một “nhu cầu không thể thiếu” cho người dùng, kể cả khi thị trường gặp khó khăn, người dùng hoạt động trên Layer-1 vẫn sẽ giữ ở mức tốt.
2. Tổng tài sản được khóa trên Layer-1 (Total Value Locked): trong thời điểm khó khăn, dòng tiền sẽ rút ra trạng thái “phòng thủ”, vì vậy, việc suy giảm TVL là điều tất yếu. Tuy nhiên, Layer-1 nào có các “game” để giữ chân dòng tiền, Layer-1 đó sẽ chiến thắng.
3. Doanh thu (Revenue): Để có thể sống sót qua thời kỳ khó khăn của thị trường, bản thân Layer-1 cần tạo ra lợi nhuận để duy trì và phát triển dự án. Chúng ta sẽ phân tích và đánh giá lợi nhuận để tìm ra Layer-1 nào có khả năng “tồn tại”.
Thị trường thời gian qua gặp phải nhiều khó khăn khi mà lần lượt các dự án lớn (như LUNA, Celsius,…) đến quỹ đầu tư lớn (như Three Arrows Capital) gặp phải các vấn đề nghiêm trọng (FUD). vì vậy, thị trường phản ứng rất tiêu cực. Bên cạnh đó, việc FED liên tục tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát gia tăng dẫn đến dòng tiền cũng rút dần khỏi thị trường để về trạng thái phòng thủ. Tổng hợp những nguyên nhân nói trên khiến thị trường Crypto rơi vào tình cảnh khó khăn, hầu như các đồng coin đều giảm mạnh.
Tính đến đầu tháng 7, Ethereum đang triển khai testnet The Merge – sự kiện hợp nhất blockchain Ethereum 1.0 (sử dụng Proof-of-Work, đào ETH) với Ethereum 2.0 (sử dụng Proof-of-Stake, staking ETH). Sau khi thành công trên Ropsten, hiện The Merge đang được triển khai trên mạng Sepolia. Sau khi sáp nhập với Beacon Chain, testnet Sepolia sẽ bắt đầu đạt được sự đồng thuận thông qua cơ chế Proof-of-Stake (PoS).
Việc đưa The Merge lên Sepolia là hoạt động cần thiết để đảm bảo nâng cấp hoạt động hiệu quả trên tất cả các testnet trước khi đưa lên mainnet vào đầu tháng 8, nếu mọi thứ được diễn ra đúng tiến độ. Mặc du vậy, việc cơ chế “bom độ khó” bị trì hoãn về cuối tháng 9 đang làm dấy lên lo ngại rằng The Merge sẽ lại trễ hẹn.
Cùng với sự kiện testnet, trong thời gian tháng 06/2022, Ethereum cũng vướng phải những tin tức xấu khi stETH (tài sản đại diện cho ETH staking trong Lido Finance) mất peg, kéo theo nguy cơ thanh lý của các quỹ và tổ chức lớn, trong đó có Celsius và 3AC.
Như vậy, có thể thấy dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện một trong những giai đoạn quan trọng để chuyển sang ETH 2.0. The Merge hiện mới chỉ triển khai testnet, vì vậy, nó chưa thực sự tác động tích cực đến giá cả của ETH. Tuy nhiên, đây là cơ sở để chúng ta có thể hy vọng đến mainnet thành công.
Có thể thấy, tuy rằng có sự sụt giảm trong số lượng ví hoạt động hàng ngày, tuy nhiên nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, sự thay đổi về số lượng ví hoạt động hằng ngày trên Ethereum không quá biến động (nếu so sánh tương quan với sự biến động về giá của ETH).
Tại thời điểm viết bài (ngày 03/7/2022), số lượng ví hoạt động trên Ethereum ghi nhận trong ngày là 515.414 ví. Theo mình, đây là một con số khá lớn.
Nếu như số lượng ví hoạt động chưa đủ thuyết phục anh em, mình sẽ dẫn chứng thêm một số liệu nữa là số transaction (tác vụ) được thực hiện mỗi ngày trên Ethereum trong nửa năm đầu 2022.
Từ biểu đồ trên, anh em có thể thấy không chỉ số lượng ví hoạt động được duy trì ổn định mà số transaction được thực hiện cũng khá ổn định, bất chấp thị trường hiện tại rất xấu.
Theo cá nhân mình, nguyên nhân mà Ethereum duy trì được số lượng người dùng ổn định bất chấp điều kiện thị trường khó khăn đến từ:
– DeFi trên Ethereum vẫn duy trì hoạt động: Khác với các dự án trên các hệ sinh thái mới, hầu như các dự án DeFi trên Ethereum đều là dự án lâu đời và có lượng người dùng đông đảo, ví dụ như: Uniswap, Aave, MakerDAO, Sushi… Vì vậy, mặc dù thị trường suy thoái, nhưng khi có nhu cầu thực hiện việc mua/bán, vay/cho vay…, người dùng vẫn chủ yếu sử dụng các dự án này.
– Nhu cầu làm Retroactive: Với việc ra mắt retroactive của Optimism, các Layer-2 chưa có token đang rất được chú ý. Người dùng đang tạo khá nhiều ví và tương tác với các Layer-2 để có cơ hội nhận retroactive trong tương lai.
– Làn sóng NFT: NFT có thể nói là một trong những hot trending trong cuối 2021, đầu 2022. Hầu như các dự án NFT chất lượng như Bored Ape, Crypto Punks… đều tập trung trên Ethereum. Vì vậy, rất nhiều người dùng vẫn sử dụng Ethereum để mua, bán NFT.
– Kỳ vọng The Merge: Có thể nói rằng The Merge là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Ethereum trong năm 2022. Với việc tin tưởng vào sự thành công của dự án, việc người dùng tiếp tục ủng hộ Ethereum là điều hiển nhiên, đặc biệt trong bối cảnh thị trường suy thoái và rất nhiều dự án đã ngưng hoạt động.
Theo số liệu tại DefiLlama, TVL trên Ethereum ghi nhận ngày 01/01/2022 là 146,9 tỷ USD. Đến thời điểm viết bài, TVL trên Ethereum chỉ còn đạt khoảng 45.8 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm 2022, nếu xét theo giá trị USD, anh em có thể thấy TVL trên Ethereum đã giảm đến 68,7%. Vậy, liệu có phải dòng tiền đã rời bỏ Ethereum?
Chúng ta sẽ thử một góc nhìn khác: xem xét TVL trên Ethereum tính theo số lượng ETH.
Ở góc nhìn này, anh em có thể thấy “sự thật” của câu chuyện. Hầu như TVL tính bằng ETH trên Ethereum không những không giảm mà còn duy trì ổn định và tăng nhẹ. Đầu năm 2022, TVL là 39,85 triệu ETH, trong khi đó thời điểm mình viết bài thì con số này là 42,85 triệu ETH.
Như vậy, có thể rút ra kết luận: TVL trên Ethereum đã giữ được mức ổn định bất chấp sự sụt giảm của thị trường trong nhiều tháng qua. Việc chúng ta ghi nhận mức sụt giảm TVL theo giá trị USD chỉ đơn giản là kết quả của việc giá đồng coin ETH sụt giảm.
Trong quá trình tìm kiếm data để hoàn thành bài viết, vô hình chung mình chưa có dữ liệu chính xác về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của dự án Ethereum. Là một Layer-1, Ethereum chủ yếu tạo ra doanh thu từ gas fee, chính vì vậy, mình sẽ dùng số liệu này để thay thế.
Để kiểm tra dữ liệu tổng fee trên Ethereum, mình sử dụng website Messari.
Anh em có thể thấy, đường line màu trắng thể hiện giá của ETH, trong khi đó line màu xanh sẽ thể hiện ETH total fees (tính theo giá USD). Cột màu xanh dựng đứng lên chính là sự kiện mở bán NFT Otherside của Bored Ape vào ngày 01/05, làm mạng Ethereum tắc nghẽn đến nỗi Etherscan cũng “giật lag”.
Trong suốt nửa năm đầu 2022, giá của ETH liên tục giảm mạnh, trong khi đó, ETH total fee nhìn chung là đi ngang (tức tương đối ổn định). Xét một cách tương quan, tỷ lệ giảm giá ETH rất lớn, tuy vậy mức fee trên ETH (tính theo giá USD) lại chỉ giảm nhẹ, cho thấy người dùng vẫn hoạt động rất nhiều trên Ethereum và tạo ra lượng fee đủ lớn để bù lại sự giảm giá của ETH.
Từ những phân tích trên, rất dễ dàng để chúng ta đưa ra kết luận: Ethereum vẫn đang hoạt động ổn định và có thể nói là hiệu quả trong bối cảnh mà thị trường rất tiêu cực như hiện tại. Đây là cơ sở để chúng ta có thể tiếp tục tin tưởng và đồng hành cùng dự án, từ đó nhìn nhận những cơ hội mua và sở hữu ETH ở mức giá tốt.
Ý kiến của anh em thế nào? Để lại comment để thảo luận cùng tụi mình nhé! Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo!
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon:
Nguồn: Coin68