Chính quyền Mỹ đã đưa ra những động thái pháp lý mới nhắm vào Tornado Cash, cáo buộc giao thức này giúp đỡ hacker rửa tiền từ các vụ tấn công crypto.
Mỹ bắt giữ đồng sáng lập Tornado Cash. Ảnh: Bloomberg
Tối ngày 23/08 (giờ Việt Nam), hàng loạt cơ quan cấp cao của chính quyền Mỹ đã đưa ra những hành động trấn áp mới nhất đối với Tornado Cash, giao thức trộn lẫn giao dịch trên Ethereum.
Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ ra cáo trạng đối với hai đồng sáng lập của Tornado Cash là Roman Semanov (49 tuổi, người Nga) và Roman Storm (34 tuổi, người Mỹ), với tội danh rửa tiền lên đến 1 tỷ USD, vi phạm quy định cấm vận và điều hành hoạt động chuyển tiền không giấy phép. Mức án tù tối đa cho những tội danh trên lên đến 45 năm.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã bắt giữ Roman Storm, trong khi ông Roman Semanov thì vẫn đang bị truy lùng.
Văn phòng Quản lý Tài sản Ngoại quốc (OFAC) thuộc bộ Tài chính Mỹ vào cũng đưa một đồng sáng lập còn lại là Roman Semanov vào danh sách các cá nhân bị Mỹ cấm vận.
Các cơ quan liên bang Mỹ cho rằng Tornado Cash đã là công cụ được nhiều nhóm hacker, đặc biệt là Lazarus Group có liên hệ với Triều Tiên, rửa hàng trăm triệu USD tiền mã hóa lấy cắp từ các vụ tấn công crypto trong nhiều năm qua. Phía Mỹ còn cho rằng hai nhà sáng lập Tornado Cash biết sản phẩm của mình đang tiếp tay cho tội phạm, nhưng vẫn không có hành động gì để ngăn chặn - ví dụ như có thể áp đặt quy trình KYC, AML hay tuân thủ pháp luật.
Chưa hết, cáo trạng đề cập đến token TORN của Tornado Cash, khẳng định các nhà sáng lập đã cố tình “làm giá” để thu hút sự chú ý dành cho TORN. Ông Storm được cho là đã chuyển 5,2 triệu USD cho các nhà sáng lập khác của Tornado Cash sau khi giao thức bị Mỹ trừng phạt lần đầu.
Luật sư của ông Storm thì cho rằng việc Mỹ buộc tội nhà phát minh của một phần mềm phổ thông là không chính đáng, bởi không thể biết người khác sẽ sử dụng nó với mục đích gì. Vị luật sư bình luận vụ việc có thể sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm về sau.
Vào tháng 08/2022, Mỹ đã đưa website Tornado Cash vào danh sách bị trừng phạt với cáo buộc rửa hơn 7 tỷ USD tiền mã hóa. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng crypto phương Tây vì cho rằng nó vi phạm đến quyền riêng tư và tính trung lập của phần mềm Internet. Sàn Coinbase thậm chí còn mở một chiến dịch pháp lý nhằm kháng cáo phán quyết của Mỹ, nhưng chưa đạt được nhiều thành công.
Hà Lan ngay sau đó còn bắt giữ một lập trình viên của Tornado Cash có tên Alexey Pertsev và giam giữ người này suốt nhiều tháng mà không đưa ra xét xử. Mãi đến tháng 04/2023, người này mới được tại ngoại và đang chờ đến phiên tòa xét xử mình.
Dù đã bị Mỹ chặn website, thế nhưng vì bản chất là một giao thức DeFi phi tập trung, smart contract của Tornado Cash vẫn hoạt động bình thường trên blockchain Ethereum và tiếp tục được nhiều người sử dụng với mục đích che vết giao dịch nhằm gia tăng tính riêng tư. Tuy vậy, để tránh rắc rối pháp lý với Mỹ, nhiều dự án hạ tầng blockchain có gốc gác ở xứ cờ hoa như Alchemy, Infura hay giao thức DeFi như Uniswap, Balancer,… buộc phải chặn không cho người sử dụng tương tác với Tornado Cash.
Lazarus Group là nhóm tin tặc khét tiếng toàn cầu, bị Mỹ cáo buộc có liên hệ với Triều Tiên và đứng sau nhiều vụ tấn công an ninh mạng lớn trên khắp thế giới. Với sự nổi lên của crypto trong những năm trở lại đây, Lazarus Group được cho là thủ phạm của các vụ hack có giá trị rất lớn trong ngành, tiêu biểu là Ronin (624 triệu USD), cầu nối Harmony (100 triệu USD), ví Atomic Wallet (~100 triệu USD), ví Alphapo (60 triệu USD),…
FBI vào hôm 23/08 cũng phát cảnh báo về việc các ví crypto có liên hệ với hacker Triều Tiên đang nắm giữ 1.580 BTC (khoảng 60 triệu USD) và có thể xả số tiền này ở bất kỳ lúc nào.
Nguồn: Coin68