Chỉ trong ít ngày qua, thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến hàng loạt biến động lớn liên quan đến phân khúc stablecoin. Cùng Coincuatui cập nhật những diễn biến mới nhất về cuộc chiến stablecoin.
Một số cập nhật về các stablecoin USDT - USDC - DAI - FDUSD - PYUSD
Lưu ý: Ngoài các tuyên bố chính thức được đại diện dự án đưa ra, các thông tin và nhận định còn lại thì chưa được kiểm chứng và chỉ có mục đích tham khảo.
Cùng bắt đầu với Tether (USDT). Như đã được Coincuatui đưa tin, sau biến cố với Curve, USDT đã bắt đầu depeg vào cuối tuần trước khi một lượng lớn stablecoin bị xả vào các pool thanh khoản trên Curve và Uniswap.
Đây không phải là lần đầu tiên USDT depeg trong năm 2023. Hồi tháng 6, đồng stablecoin lớn nhất thị trường tiền mã hóa cũng bị depeg 0.9959 USD vì những thông tin tiêu cực xoay quanh tài liệu mật được chính quyền bang New York (Mỹ) công bố về vụ kiện Tether năm 2021. Còn vào tháng 3, USDT cũng depeg nhưng mà tăng lên tận 1.0077 USD vì vụ đối thủ USDC bị liên đới từ cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ.
Tuy nhiên, lần depeg hiện tại của Tether vẫn đang kéo dài mà chưa có dấu hiệu được giải quyết, khi giá USDT trong tối ngày 07/08 đã có lúc giảm về 0.9978 USD - mức thấp nhất kể từ sự sụp đổ của sàn FTX vào tháng 11/2022.
Biến động giá USDT kể từ tháng 08/2022 đến tháng 08/2023. Nguồn: CoinMarketCap
Tỷ lệ USDT có trong 3pool của Curve vào tối ngày 07/08 đã có lúc vượt mốc 70%, trước khi tạm thời giảm về 64,92% ở thời điểm cập nhật.
Phân bổ tài sản trong Curve 3pool tính đến 11:11 AM ngày 08/08/2023. Nguồn: Curve
Rạng sáng ngày 08/08, Giám đốc Công nghệ của Tether là ông Paolo Ardoino đã đăng tải cập nhật mới nhất về USDT, theo đó khẳng định công ty đã xử lý thành công loạt yêu cầu rút tiền trị giá 325 triệu USD trong ngày hôm qua.
Ông Ardoino cũng đáp trả một số chỉ trích về việc quy trình rút tiền của Tether yêu cầu nhiều thủ tục phức tạp, gọi đó là những yêu cầu cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn ngân hàng và tránh rắc rối pháp lý.
Mặc dù vậy, không ít người đang đặt ra câu hỏi về việc tại sao Tether đang mất khá nhiều thời gian để hồi peg cho USDT, cũng như lượng tiền quy đổi ít ỏi, khác với những lần depeg trước khi công ty tự hào rằng có thể đáp ứng chuyển đổi hàng tỷ USD tài sản chỉ trong ít ngày.
Nguyên nhân có thể đến từ chiến lược đầu tư của công ty. Theo đó, trong báo cáo chứng thực tài sản quý 2/2023, Tether tiết lộ đang nắm giữ đến 73 tỷ USD tài sản bảo chứng cho USDT dưới dạng tín phiếu kho bạc Mỹ, trong khi dự trữ tiền mặt chỉ còn là 90 triệu USD. Dù tín phiếu kho bạc Mỹ được xem là tài sản tương đương với tiền, thế nhưng việc Tether phải nắm giữ nó thông qua trung gian ngân hàng có thể là lý do cho sự trì hoãn trong quy đổi, bởi ngân hàng không làm việc vào cuối tuần - thời điểm thích hợp cho những ai muốn tấn công USDT.
Các tài sản do Tether nắm giữ tính đến ngày 30/06/2023. Nguồn: Tether
Ông Ardoino vào hôm 04/08 cũng “bóng gió” về giả thuyết USDT bị đối thủ "chơi xấu" như sau:
"USDT đang gặp áp lực một chút, và đối thủ cạnh tranh chính USDC sẽ được hưởng lợi từ tình huống này khi được nhiều người nắm giữ. Cùng lúc đó, một đối thủ sinh ra cách đây 2 ngày [ám chỉ FDUSD} đang nhận về tất cả? Đây chắc chắn là sự thật và không thao túng đâu."
Tương tự, Giám đốc Điều hành Jeremy Allaire của Circle - công ty phát hành stablecoin USD Coin (USDC) - vào sáng ngày 08/08 cũng đăng Twitter cập nhật về tình hình dự án.
Xem thêm: Tether là gì?
Theo đó, ông Allaire báo cáo là trong 1 tháng gần nhất, Circle đã bơm ra thị trường thêm 5 tỷ USDC, đồng thời thu hồi lại 6,6 tỷ USDC. Vị CEO cũng một lần nữa nhấn mạnh việc Circle đang nắm giữ các tài sản bảo chứng cho USDC dưới dạng sản phẩm tài chính đã được SEC Hoa Kỳ quản lý, đồng thời được hãng kiểm toán Big4 là Deloitte chứng thực tài sản mỗi tháng.
Ông Allaire cũng khẳng định hoạt động của USDC vẫn diễn ra bình thường, không tính phí phát hành hay thu hồi stablecoin.
Trở lại với thực tế, điều được hầu hết nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa chỉ ra là việc vốn hóa của USDC đã trượt dốc không phanh kể từ tháng 03/2023 đến nay, giảm từ 44 tỷ USD về 26 tỷ USD ở thời điểm viết bài.
Biến động vốn hóa thị trường của USDC kể từ tháng 01/2023 đến tháng 08/2023. Nguồn: CoinMarketCap
Bên cạnh lý do niềm tin vào USDC đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lần depeg tháng 3, thị trường đang lan truyền một giả thuyết khác về việc USDC bị “hút máu” thông qua USDT.
Theo đó, USDC đang là công cụ được nhiều ông lớn như Binance sử dụng để giảm mức tiếp xúc với các stablecoin lớn như USDT và chính USDC. Binance lúc đầu định chuyển đổi số dư stablecoin trên nền tảng này thành BUSD - stablecoin chính thức của sàn.
Tuy nhiên, sau khi BUSD bị chính quyền Mỹ yêu cầu ngừng phát hành vào tháng 02/2023, còn USDC bị depeg sau đó 1 tháng, Binance đã quyết định thay đổi chiến lược và giảm toàn bộ mức tiếp xúc với USDC. Như có thể thấy ở hình dưới, lượng USDC do Binance nắm giữ (lấy USDC có trên sàn - USDC của khách hàng) đã đạt đỉnh là 3,48 tỷ USD vào ngày 01/03, trước khi tiêu biến về còn 302.813 USDC vào đầu tháng 6.
Thống kê tài sản có trên Binance, tổng hợp từ số liệu Proof of Reserves. Nguồn: @sasadjak72 trên Twitter
Trong cùng khoảng thời gian đó, lượng BTC, ETH và USDT do sàn nắm giữ lại tăng, vì vậy có thể thấy Binance đã “chạy khỏi USDC” để chuyển sang những đồng tiền khác. Đến tháng 05/2023, sàn bán BTC và ETH, đưa số dư hai đồng tiền này về mức xấp xỉ trước tháng 3.
Một giả thuyết khác về việc tại sao trong khi vốn hóa USDC giảm không ngừng, còn USDT thì liên tục lập đỉnh mới kể từ tháng 3 là việc USDC đang được các ông lớn dùng để thao túng lẫn nhau.
Một tài khoản đã đặt mô hình giả dụ rằng Tether hay một tổ chức nào đó có thể kiếm lời từ việc phát hành USDT, sau đó swap USDT lấy USDC, đổi USDC lấy USD (không mất phí), sau đó lại dùng tiền để phát hành USDT, rồi lại đổi lấy USDC, rồi rút USDC về tiền mặt và lặp lại vòng lặp.
Hành động này mô hình chung sẽ làm suy yếu USDC, trong khi sẽ có lợi cho USDT.
Ngoài ra, USDC còn đang được dùng làm cổng rút USDC cho nhiều tổ chức, bởi ít nhất là theo Sam Kazemian (nhà sáng lập Frax Finance) và Evgeny Gaevoy (CEO market maker Wintermute), không dễ để chuyển đổi USDT về tiền mặt ở thời điểm hiện tại. (bài đăng Twitter của ông Gaevoy đã bị người này xóa).
from the @fraxfinance governance board
— Napgenus ursus?? (@napgener) August 7, 2023
apparently nobody can really redeem $USDT pic.twitter.com/RIOYtX0VFf
Sau thời gian dài “án binh bất động”, đơn vị đứng sau Dai (DAI) - stablecoin phi tập trung lớn nhất thị trường tiền mã hóa lúc này - là Maker hôm 07/08 đã thông báo nâng lãi suất gửi DAI lên mức 8%, hỗ trợ trên giao thức lending Spark Protocol.
Tuy vậy, đây chỉ là mức lãi suất danh nghĩa và sẽ tự động điều chỉnh xuống khi mà lượng tiền nạp lên Spark Protocol tăng dần, theo nhà sáng lập Maker Rune Christensen.
The rate is so high is because there are currently not that many people using the Dai Savings Rate - only about 8% of Dai holders use DSR currently
— Rune (@RuneKek) August 6, 2023
This causes the Enhanced DSR system to increase the rate to attract more users. Once more users arrive, the rate will go back down
Thông tin này đã khiến nhu cầu sử dụng DAI tăng trở lại, thể hiện qua việc số lượng DAI được phát hành mới và lượng tiền nạp lên Spark Protocol tăng đột biến.
Theo dữ liệu từ makerburn.com, lượng DAI mint mới trong 48 giờ qua đã nhảy vọt 400 triệu USD, khiến vốn hóa DAI tăng từ 4,4 tỷ USD lên 4,8 tỷ USD.
Biến động lượng cung lưu hành của DAI trong 3 tháng gần nhất. Nguồn: makerburn.com
Trong cùng khoảng thời gian, TVL của Spark Protocol tăng từ 58 triệu USD lên 185 triệu USD, theo DefiLlama.
Biến động TVL của Spark Protocol kể từ khi được ra mắt vào tháng 05/2023. Nguồn: DefiLlama
Tuy nhiên, Spark Protocol cũng gây tranh cãi khi không cho người dùng Mỹ và một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) sử dụng, đồng thời chặn kết nối VPN.
Spark Protocol là một phần trong kế hoạch vực dậy Maker-DAI của đội ngũ dự án, gọi chung với cái tên “Endgame Plan". Như đã được Coincuatui đưa tin, Endgame Plan sẽ hợp nhất danh xưng của MKR-DAI, lập các subDAO, thay đổi mô hình quản trị, lập layer-2 riêng cho dự án và nhiều thay đổi khác.
Như đã được Coincuatui đưa tin, First Digital USD (FDUSD) là stablecoin mới nhất được Binance "lăng-xê" và hỗ trợ tích hợp.
Smart contract của FDUSD trên Ethereum vào sáng ngày 08/08/2023
Smart contract của FDUSD trên BNB Chain vào sáng ngày 08/08/2023
Trong buổi AMA mới nhất, CEO Binance Changpeng Zhao "úp mở" là sắp ra mắt thêm nhiều stablecoin mới, kể cả làm stablecoin thuật toán. Không loại trừ khả năng Binance sẽ sử dụng tiền rút đi từ USDC trong giai đoạn tháng 3 - tháng 5 để bơm vào các stablecoin mới này.
Cái tên mới nhất gia nhập cuộc đua stablecoin là PayPal USD (PYUSD) - stablecoin mới do ông lớn ngành thanh toán toàn cầu là PayPal công bố vào tối ngày 07/08/2023.
- Chi tiết: PayPal phát hành stablecoin PYUSD
Ngoài những thông tin đã được Coincuatui tổng hợp như PYUSD là một token ERC-20 trên Ethereum với vốn hóa hiện là 26,9 triệu USD, được PayPal ấp ủ tự tận tháng 11/2022 và suýt phá sản kế hoạch khi đơn vị phát hành là Paxos bị liên đới từ vụ Mỹ yêu cầu BUSD dừng hoạt động, thì nhiều chuyên gia lập trình đã phát hiện những điểm bất ngờ mới về smart contract của đồng stablecoin này như:
- Sử dụng ngôn ngữ lập trình Solidity phiên bản cũ;
- Cho phép người quản lý smart contract chặn tất cả giao dịch chuyển tiền;
- Cho phép người quản lý smart contract đóng băng địa chỉ;
- Cho phép người quản lý smart contract gia tăng lượng token tạo mới.
Một số người còn chỉ ra bộ mã của PYUSD có nhiều điểm tương đồng với Pax Dollar (USDP), stablecoin do Paxos phát hành.
Có thể thấy PYUSD là một phiên bản "tập trung hơn" của USDT và USDC, vì dù USDT hay USDC cũng đều có thể đóng băng ví, song PayPal sẽ muốn stablecoin của họ có cơ chế giám sát để đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính của Mỹ. Stablecoin này còn đang bị đặt một số dấu hỏi về tính hữu dụng, công nghệ và phí gas .
Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ ngày 07/08 cũng ra thông báo kêu gọi đẩy nhanh tiến độ thảo luận và phê duyệt luật quản lý stablecoin với động thái ra mắt PYUSD của PayPal.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68