"DeFi đã chết" vào hôm qua sau bộ phim bi hài Curve Finance (CRV) với diễn viên chính là Michael Egorov cùng một số vai cameo nổi bật khác.
DeFi ư? Còn lại gì nữa đâu... Ảnh: CoinDesk
Nếu tham gia thị trường tiền mã hóa đủ lâu, chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần đọc qua những dòng giới thiệu về DeFi với đại ý như sau:
"DeFi, hay tài chính phi tập trung, nhằm mục đích cách mạng hóa tài chính truyền thống, trao quyền cho người dùng cùng sự tự do, bình đằng và phi tập trung hơn."
Thuở sơ khai, DeFi là mảnh đất ươm mầm, vun trồng nhiều tài năng xuất chúng cũng như các dự án bản lề của toàn thị trường crypto. Những nhà sáng lập ẩn danh, giấu mình dưới tài khoản Twitter với một avatar NFT nào đó, ngày đêm thức trắng để xây dựng một nền tảng giao thức với ý tưởng mới lạ, góp phần luân chuyển dòng tiền trong thị trường.
Nhờ DeFi mà chúng ta được chứng kiến Andre Cronje với hàng loạt ý tưởng khác biệt; Hayden Adams với AMM Uniswap, MakerDAO và DAI sáng tạo ra khái niệm "stablecoin thuật toán" hay sự ra đời của những Compound, Balancer với yield-farming; SushiSwap với vampire attack,...
Tất cả những con người đó, dự án đó đã ghép nên một bức tranh DeFi ngập tràn sắc màu, với lý tưởng nhân văn cùng một tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ.
Nhưng những ngày tươi đẹp đó đã trôi qua từ rất lâu rồi...
DeFi giờ đây còn lại gì ngoài những dự án "ăn xổi ở thì", ngoài những dev chỉ muốn ra mắt sản phẩm thật nhanh để thu tiền người dùng và ngoài những ý tưởng "copy" qua lại của nhau?
Và nếu bạn còn muốn phủ nhận điều này, thì chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại tấn bi hài Curve Finance (CRV) vừa qua.
Tua nhanh qua đoạn các pool thanh khoản trên Curve Finance liên tục bị tấn công vì các lỗ hổng bảo mật, tin xấu phản ánh trực tiếp làm giá CRV giảm sâu. Đến một lúc nào đó, còi báo động vang lên inh ỏi khi có một khoản vay thế chấp bằng CRV sắp bị thanh lý.
Nhiều tháng trước, nhà sáng lập Curve Michael Egorov thế chấp gần 305 triệu CRV để vay gần 70 triệu USD stablecoin USDT và USDC trên Aave, theo dữ liệu từ DeBank.
Khoản vay của Michael Egorov trên Aave vào sáng ngày 01/08/2023. Ảnh: DeBank
Chưa dừng lại ở đó, Egorov còn vay 17,2 triệu USD FRAX trên Fraxlend, thế chấp bằng 59,1 triệu CRV (32,3 triệu USD); và vay 14,3 triệu USD MIM trên
Khoản vay của Michael Egorov trên Abracadabra vào sáng ngày 01/08/2023. Ảnh: DeBank
Khoản vay của Michael Egorov trên Fraxlend vào sáng ngày 01/08/2023. Ảnh: DeBank
Sở dĩ Egorov có thể "vung tay" thế chấp nhiều CRV đến vậy, vì đơn giản nhà sáng lập này nắm giữ đến 47% lượng cung lưu hành của CRV. Phần lớn số tiền vay được chắc hẳn được dùng để chi trả cho khoản mua căn biệt thự sang trọng ở Úc trị giá 40 triệu USD.
Hay nói cách khác, nhà sáng lập dự án Curve đã "cash out" số CRV mình sở hữu để "tậu xe sắm nhà", tận hưởng thú vui của người thành công.
Khi Curve vẫn còn là giao thức xương sống của toàn bộ ngành DeFi, những tiếng nói chỉ trích Michael Egorov dù có nhiều đến đâu cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy.
Vì đâu ai cấm nhà sáng lập dự án phải sống trong nghèo khó, "cống hiến" hoàn toàn cho cộng đồng của mình mà không đòi hỏi được tưởng thưởng gì?
Cũng đâu có quy định nào cấm đội ngũ sáng lập nắm giữ hầu hết lượng cung token? Cộng đồng biết rõ họ rồi cũng dump token ra thị trường đó, nhưng vẫn tin vào "đạo đức" của nhà sáng lập và tiềm năng của dự án. Mà dự án đó lại còn là Curve Finance.
Và cuối cùng, đâu thể nào ngăn cản các nền tảng lending Aave, Fraxlend không được cho Michael Egorov vay tiền?
Vì đây là DeFi! Tất cả hoạt động dựa trên smart contract, anh có đủ tài sản thế chấp thì tôi cho anh vay, anh không trả đủ thì tôi thanh lý.
Cái tinh thần phi tập trung và không cần trung tâm kiểm soát, dựa trên điều luật trong các dòng code là tinh thần cố hữu của DeFi nói riêng và tiền mã hóa nói chung từ bấy đến nay. Chúng ta yêu mến và đến với crypto âu cũng là vì thế.
Nhưng rồi để nhận lại được gì? Ngoài một "tinh thần" chỉ còn là ảo tưởng, một "lý tưởng" chỉ có những scammer mới rao giảng và một thị trường "phi tập trung" nhưng lại tập trung hơn hết.
Hóa ra lý tưởng chống lại "cường quyền", chống lại các ông lớn tài chính truyền thống để xây dựng một thị trường minh bạch và tự do hơn - cũng chỉ là bức tranh vô thực. DeFi mà chúng ta theo đuổi cũng toàn những "tay to", cá mập cá voi nắm giữ lượng lớn tài sản và các nhà sáng lập mang bán chính đứa con tinh thần của mình sau khi đã "nuôi" nó đủ lớn.
Một khi vị thế của Michael Egorov bị thanh lý, giá CRV sẽ tiếp tục giảm sâu, kéo theo Aave, Fraxlend rơi vào vòng rủi ro. CRV dump dẫn đến một loạt các pool thanh khoản khác trong ngành báo động, rồi rủi ro depeg của USDC và USDT,...
Các hiệu ứng dây chuyền đó thị trường đã được chứng kiến với LUNA-UST và vì thế ai cũng không muốn nó xảy ra lần nữa. Do đó, các KOL, người có tầm ảnh hưởng khác đều hưởng ứng, đồng ý mua bán OTC CRV với Michael Egorov để giúp nhà sáng lập "xoay tiền" cứu lệnh.
Và vô hình trung, đồng ý đóng vai "cameo" trong bộ phim Curve Wars này.
Theo The Block, giá OTC mà những tay to này mua là 0,4 USD / 1 CRV, khóa lại trong 3-6 tháng và có thể bán nếu giá CRV đạt đến 0,8 USD.
Các giao dịch OTC đã giúp "chữa cháy" được phần nào nhưng rủi ro vẫn còn đó, chỉ là kéo dài hơn thôi.
Với niềm tin đã mất, với hàng loạt cá voi sở hữu CRV ở giá 0,4 USD và những thông tin "đáng chán" về phân bổ token như vậy, chắc hẳn chẳng ai đủ can đảm "hold to die" CRV nữa.
Như thế, việc CRV có-vẻ-sẽ-giảm về mức giá thanh lý chỉ còn là vấn đề thời gian. Đến lúc đó, hàng loạt dự án gặp rủi ro, các quân cờ domino nối đuôi nhau ngã đổ, rồi những khoản thanh lý trị giá nhiều triệu đô từ sàn CEX đến DEX,...
DeFi một mảnh tan hoang...
Thứ giết chết DeFi không phải là các vụ tấn công, không phải là bọn scammer và cũng không phải là các quy định hà khắc của SEC. Mà đó chính là bản thân DeFi, một thị trường không khác gì tài chính truyền thống, chỉ là với một lớp áo "văn vở" hơn.
Jane
Nguồn: Coin68