Các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã công bố thêm chi tiết dự luật mới với mục tiêu quản lý thị trường tiền mã hóa tại xứ cờ hoa.
Dự luật quản lý crypto của Hạ viện Mỹ được làm rõ thêm chi tiết
Dự luật dài 200 trang này có tên the Financial Innovation and Technology for the 21st Century Act”, yêu cầu các cơ quan quản lý phải xác định rõ tình trạng pháp lý của những lĩnh vực blockchain và tài sản số trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, đồng thời xây dựng khung quy định mới cho các sàn giao dịch crypto.
Đề xuất ban đầu đã được Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện là ông Patrick McHenry và Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp của Hạ viện là ông Glenn Thompson công bố vào đầu tháng 06/2023, dự kiến sẽ được mang ra thảo luận trước Hạ viện Mỹ trong tuần tới.
Dự luật chỉ định Ủy ban Chứng khoán (SEC) và Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC) sẽ phải cộng tác để ban hành quy định mới để quản lý ngành crypto, song không được phép can thiệp vào cách người dân nắm giữ tài sản số.
Một số đề xuất đáng chú ý trong dự luật có thể kể đến gồm:
- Các dự án crypto sẽ được miễn đăng ký chứng khoán trong 12 tháng, cho phép chào bán 75 triệu USD token, song phải áp đặt những điều kiện nhất định đối với nhà đầu tư cá nhân như giá trị token mua không vượt quá 5% thu nhập của cá nhân đó.
- Đơn vị phát hành token sẽ không được phép bán trên 10% tổng cung token cho một người mua duy nhất, giao dịch ấy cũng không được phép bao gồm những tài sản crypto khác hoặc cổ phần hay nợ.
- Đơn vị phát hành token vẫn phải cung cấp thông tin lên SEC, báo cáo hoạt động định kỳ nửa năm và một năm, cho đến khi dự án được giới chức quản lý công nhận là đã đạt đến mức độ phi tập trung cần thiết để token được xem là một dạng hàng hóa.
- Đơn vị phát hành token phải đăng ký hoạt động tại Mỹ, có kế hoạch kinh doanh cụ thể và không bị SEC phạt trong 5 năm trước thời điểm chào bán tài sản số.
- Không một tổ chức nào được phép trộn lẫn tài sản người dùng với tài sản doanh nghiệp, một trong những hành vi phạm tội chính được phát hiện trong vụ FTX.
- Tài sản số bị phân loại là chứng khoán sẽ được giao dịch trên các nền tảng do SEC quản lý, trong khi tài sản số là hàng hóa sẽ thuộc phận sự giám sát của CFTC.
Một thay đổi đáng chú ý của dự luật mới công bố so với phiên bản hồi tháng 6 là việc không còn cho phép xem những dạng token hóa của chứng khoán truyền thống - như cổ phiếu, trái phiếu, cổ phần có thể chuyển nhượng, chứng chỉ nhận lãi suất hay chứng nhận chia sẻ lợi nhuận - làm tài sản kỹ thuật số. Chuyên gia luật Gabriel Shapiro của Delphi Labs nhận định thay đổi mới kia sẽ ảnh hưởng đến những token nợ trong các giao thức DeFi hoặc token phái sinh Liquid Staking, biến chúng và cả những dự án DeFi sử dụng chúng trở thành mục tiêu mới để SEC xem là chứng khoán.
Every cToken, LST, etc would be highly regulated under this provision even if it is not under current law
— _gabrielShapir0 (@lex_node) July 20, 2023
That's right--it *expands* current regs to non-contractual arrangements like DeFi
It's a backdoor DeFi prohibition imo
Hai nghị sĩ chủ biên của dự luật là ông McHenry và Thompson bình luận:
“Đây là một thời khắc quan trọng đối với vị thế dẫn đầu thế giới về thúc đẩy tiến bộ và tiếp nhận công nghệ của Hoa Kỳ. Tài sản số không chỉ có thể cách mạng hóa hệ thống tài chính của chúng ta, mà công nghệ blockchain đằng sau nó hứa hẹn sẽ trở thành nền móng cho phiên bản tiếp theo của mạng Internet.” "
Dự luật là một cột mốc quan trọng để Hạ viện thiết lập khung pháp lý cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư, từ đó duy trì vị thế dẫn đầu của nước Mỹ trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số.”
Giới chức Mỹ trong năm 2023, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Gary Gensler, đã có nhiều hành động trấn áp pháp lý nhằm vào hàng loạt những cá nhân và công ty lớn trong ngành, cả đã sụp đổ lẫn đang hoạt động như Binance cùng CEO Changpeng Zhao, sàn Coinbase, FTX và Sam Bankman-Fried, Gemini và Genesis, hacker Mango Markets, Kraken, Terraform Labs và Do Kwon, TRON và Justin Sun, Bittrex, Jump Trading, Celsius,...Lập luận chứng khoán thường xuyên được ủy ban này sử dụng để khép tội, với hơn 50 đồng crypto đã bị gán cho cái tên chứng khoán trong thời gian qua.
Mặc dù vậy, SEC vẫn không thể cung cấp tiêu chí đánh giá cụ thể đánh giá trạng thái chứng khoán của token crypto, bởi vẫn chưa có luật cụ thể. Đây là điều khiến ủy ban bị cả cộng đồng tiền mã hóa lẫn nhiều nhà lập pháp Mỹ chỉ trích, cho rằng đang cố trấn áp để che đậy đi việc đã không thể ngăn cản sự sụp đổ của nhiều công ty crypto có hành vi gian lận và lừa đảo trong năm 2022 như FTX hay Celsius.
Mới đây, thẩm phán xử lý vụ kiện giữa SEC với Ripple đã tuyên bố không thể xem XRP là chứng khoán trong mọi trường hợp, trái ngược với lập luận từ phía SEC. Chủ tịch Gensler bình luận rằng bản thân cảm thấy “thất vọng” trước phán quyết của tòa, đồng thời từ chối về dự luật phân loại rõ ràng các tài sản số sắp được thảo luận trước Hạ viện Mỹ.
Song, ông Gensler vẫn trả lời điều trần trước Hạ viện là muốn được tăng ngân sách để mở rộng hoạt động điều tra và triệt phá những hành vi sai phạm trong lĩnh vực crypto.
Thượng viện Mỹ trong tuần này cũng khởi xướng một dự luật quản lý DeFi, yêu cầu áp đặt quy định quản lý người dùng giống như là ngân hàng, đồng thời quy trách nhiệm cho những người nắm giữ phần lớn tài sản của dự án DeFi đó.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68