Không chỉ riêng thị trường tiền mã hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cổ phiếu của các công ty khai thác Bitcoin trên mặt trận chứng khoán cũng phải hứng chịu kết quả tồi tệ tương ứng.
Trong khi biến số bất ngờ đổ vỡ chủ yếu xuất phát từ sự kiện UST de-peg về 0.6 USD, LUNA mất 60% giá trị đẩy giá Bitcoin về tận vùng 29.000 USD vào sáng ngày 10/05 thì cổ phiếu của nhiều công ty khai thác tiền mã hóa đã suy giảm đến hai con số trong phiên giao dịch cùng ngày.
Những công ty đào Bitcoin nổi tiếng hàng đầu thị trường hiện nay, ghi nhận mức lợi nhuận khổng lồ, thậm chí đánh bại cả sức tăng trưởng của BTC trong năm 2021 như Core Scientific, Marathon Digital Holdings và Riot Blockchain đều ghi nhận cổ phiếu của họ lần lượt giảm 13,15%, 19,20% và 19,18%, không khác gì biên độ dao động của thị trường crypto.
Các công ty trên đã nắm giữ một số lượng lớn Bitcoin mà họ khai thác thay vì bán, theo chiến lược tích lũy dài hạn, có nghĩa là tài sản của họ gắn chặt với giá trị hiện tại của Bitcoin. Do đó, tốc độ lao dốc về mặt giá cả cổ phiếu công ty có mối tương quan mật thiết với phản ứng giá BTC là điều tương đối dễ hiểu.
Theo bản cập nhật sản xuất tháng 4 mới nhất, Core Scientific đã báo cáo họ có tổng cộng 9,618 BTC vào cuối tháng. Trong khi con số của Marathon và Riot lần lượt là 9,673 BTC và 6.320 BTC. Tuy nhiên Riot thường có xu hướng giữ Bitcoin, đã bán một nửa số BTC được khai thác vào tháng trước sau khi sản lượng tăng lên 150%.
Điều này càng làm dấy lên lo ngại rằng với bối cảnh tiêu cực hiện tại, các ông lớn ngành khai thác vẫn có khả năng bắt đầu bán Bitcoin, nhằm giúp cân bằng lại chi phí khai thác cũng như cải thiện tình trạng kinh doanh công ty, dù họ đã cam kết mở rộng hoạt động trước những lo ngại đã được cảnh báo về hiệu quả sử dụng vốn khi nhiều thợ đào miễn cưỡng bán BTC sau nhiều tháng “ồ ạt” tích lũy vào tháng 2.
Trên thực tế, vào ngày 11 tháng 2, người phát ngôn của Marathon Digital Holdings đã xác nhận với Bloomberg rằng họ đã từng bán số ít BTC của mình vào tháng 10 năm 2020 và kể từ đó, không có một satoshi nào được Marathon “xả” trên thị trường. Vì vậy, không có điều gì là chắc chắn để Marathon không thực hiện bán lần thứ hai cả.
Ngay cả Luna Foundation Guard (LFG) cũng đã phải bắt buộc bán đi hết số Bitcoin của mình để cứu vãn UST, hoàn toàn đi ngược lại với sứ mệnh dùng BTC bảo chứng UST theo tuyên bố ban đầu.
Về mặt pháp lý, đây cũng là thời điểm vô cùng “nhạy cảm” với ngành khai thác khi đề xuất cấm PoW của EU vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Theo đó, phần lớn quan chức EU đều mong muốn các nhà quản lý tiếp tục gây áp lực lên cộng đồng Bitcoin. Lệnh cấm khai thác Proof-of-Work tại New York cũng vừa được thông qua, theo đó thiết lập một lệnh cấm hai năm đối với hoạt động đào tiền mã hóa sử dụng cơ chế đồng thuận PoW.
Xét trên dữ liệu on-chain trong một tuần trở lại đây, độ khó khai thác và hashrate Bitcoin tiếp tục lập đỉnh mới nhưng nguồn dự trữ Bitcoin của thợ đào tính đến ngày 10/05/2022 đã bắt đầu có chiều hướng giảm mạnh, chứng minh họ đang dần thoát đi vị thế tích lũy vốn có, chuyển BTC ra khỏi ví để bán.
Do đó không loại trừ khả năng nhiều ông lớn sẽ “vào cuộc”. Và nếu giả định này trở thành sự thật, đây chắc chắn sẽ là “một thảm kịch” tiếp theo mà Bitcoin phải đón nhận về phản ứng giá. Câu chuyện bán tháo của thợ đào vào ngày 19/05/2021 bởi áp lực của Trung Quốc vẫn còn đó, thậm chí ngay vào lúc này hậu quả có thể nặng nề hơn bởi vì 20% hashrate Bitcoin đều đang bị “thâu tóm” bởi các công ty khai thác.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68