“Màn rượt đuổi” của chính quyền Hàn Quốc đối với CEO Terra Do Kwon đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết với tiết lộ mới nhất từ những người trong cuộc.
Vào ngày 14/09, Tòa án Hàn Quốc đã quyết định ra lệnh bắt giữ CEO Terra Do Kwon trên phạm vi quốc tế vì những tổn thất nghiêm trọng mà ông và dự án đã gây ra đối với thị trường tiền mã hóa vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày phía cảnh sát Singapore cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Hàn Quốc trong vụ việc này nhưng hiện tại Do Kwon đã không còn sinh sống tại quốc gia này.
Bản thân Do Kwon cũng giãi bày trên trang chủ cá nhân rằng việc ông rời khỏi Singapore là không phải hành động trốn chạy mà chỉ đơn giản là tự bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy hiểm pháp lý nhất định mà thôi. Bên cạnh đó, CEO Terra cũng cho biết luôn ở trong tâm thế hợp tác với các cơ quan chức năng điều tra về sự sụp đổ của dự án.
“Tôi không chạy trốn. Đối với bất kỳ cơ quan chính phủ nào thể hiện sự quan tâm muốn liên lạc, tôi hoàn toàn hợp tác và không có điều gì phải che giấu cả.
Tôi chỉ đang trong quá trình tự bảo vệ mình ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau, giữ mình ở mức độ chính trực cực kỳ cao và mong muốn được làm sáng tỏ sự thật trong vài tháng tới.”
Đây không phải là lần đầu tiên Do Kwon tự khẳng định ông sẽ cởi mở phối hợp với giới chính quyền để giải quyết sự cố của Terra. Trong buổi phỏng vấn độc quyền với Coinage Media giữa tháng 08/2022, ông cũng đã có tuyên bố tương tự:
“Tôi và chỉ một mình tôi chịu trách nhiệm về Terra. Nguyên nhân là do người đã gây ra những lỗ hổng này ngay từ đầu, không ai khác chính là tôi. Những gì tôi sẽ làm là đưa ra những sự thật mà tôi biết. Tôi trung thực và đối phó với bất kỳ hậu quả nào có thể xảy ra.
Thật khó để đưa ra quyết định trở lại Hàn Quốc, bởi vì tôi chưa bao giờ liên lạc với các nhà điều tra. Họ hoàn toàn không liên hệ với chúng tôi.”
Và diễn biến mới nhất theo hãng thông tấn Yonhap ghi nhận đầu tuần này, các công tố viên Hàn Quốc đã tuyên bố bất ngờ đi ngược lại với những gì Do Kwon chia sẻ với cộng đồng rằng đang không chạy trốn và sẵn sàng hợp tác với giới chức điều tra.
Theo đó, họ cho biết Do Kwon thật sự đã không hợp tác với chính quyền Hàn Quốc về cuộc điều tra. Thậm chí CEO Terra còn thông qua luật sư riêng để truyền tải thông điệp đến các điều tra viên là ông không hề có ý định xuất hiện trước mặt họ để thẩm vấn.
Vì tính chất quá đỗi nghiêm trọng của vụ việc, các công tố viên Hàn Quốc đã yêu cầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đưa ra lệnh truy nã đỏ với Do Kwon. Đồng thời, Văn phòng Công tố Quận Nam Seoul cho biết thêm họ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Seoul hủy hộ chiếu Hàn Quốc của Do Kwon vì hành vi trốn chạy.
“Chúng tôi đã bắt đầu thủ tục đưa ông ta vào danh sách lệnh truy nã đỏ của Interpol và thu hồi hộ chiếu cá nhân.”
South Korean prosecutors ask Interpol to issue a red notice for Do Kwon and the government to revoke his passport; Kwon denies being “on the run” (@songjunga4 / Financial Times)https://t.co/IpJGkU7Yg7https://t.co/80bQG3zCQm
— Techmeme (@Techmeme) September 19, 2022
Lệnh truy nã đỏ (red notice) của Interpol là một yêu cầu thực thi pháp luật ở mức cao nhất, có phạm vi trên toàn thế giới nhằm xác định vị trí và bắt giữ một người phạm tội để dẫn độ. Tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm bị truy nã đỏ đều được gửi tới lực lượng biên phòng, cửa khẩu, hải quan để kiểm soát việc di chuyển. Các quốc gia có thể yêu cầu và chia sẻ thông tin quan trọng liên quan đến một cuộc điều tra.
Song, điều thú vị là trường hợp “nói một đằng làm một nẻo” của Do Kwon lại rất trùng hợp với sự kiện của quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC) – “chất xúc tác” chính gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản trên diện rộng, trở thành vụ nổ lớn tiếp theo sau Terra.
Khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ, nhà sáng lâp 3AC Zhu Su cũng đã lên trang cá nhân tuyên bố sẽ làm việc nghiêm túc với các bên liên quan để giải quyết vấn đề ổn thỏa nhất.
Tuy nhiên ngay sau đó, Zhu Su và người đồng nghiệp Kyle Davis đã “mất tích”, không hợp tác với đơn vị thanh lý tài sản. Cho đến ngày 12/07, Zhu Su mới xuất hiện trở lại nhưng chỉ thông qua vài dòng thông báo trên trang cá nhân để “kêu oan” về cáo buộc trên sau khi nộp đơn cho một tòa án tại New York xin phá sản.
Mãi cho đến ngày 22/07, Zhu Su và Kyle Davis mới lộ diện thông qua cuộc phỏng vấn trực tiếp với báo Bloomberg, kể lại toàn bộ “sự thật” về sự sụp đổ của quỹ. Nhưng rất tiếc, buổi chia sẻ này đã quá “muộn màng” vì cả hai đang trên máy bay đến Dubai và số nợ mà 3AC để lại cho các chủ nợ như Voyager Digital, Genesis Trading, Celsius, Blockchain.com và Deribit, v.v. đều tan vào mây khói.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68