Nền tảng lending tiền mã hóa Celsius cho biết việc lỗ 1,2 tỷ USD là lý do họ phải tuyên bố phá sản, cũng như tiết lộ mối quan hệ liên đới với các tổ chức khác.
Theo hồ sơ được gửi lên tòa án phục vụ cho quy trình phá sản, nền tảng lending tiền mã hóa Celsius Network thừa nhận đang đối mặt với khoản thâm hụt lên đến 1,2 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán – phần nào đó xác nhận tin đồn FTX từ chối “giải cứu” dự án sau khi thấy được mức lỗ 2 tỷ USD.
Cụ thể, các nghĩa vụ nợ và tài chính mà công ty đang có là 5,5 tỷ USD, trong khi tài sản thực tế chỉ còn 4,3 tỷ USD. Trong đó, tiền nợ người dùng là 4,72 tỷ USD, nợ CEL là 210 triệu USD, nợ nghĩa vụ lưu ký là 180 triệu USD và các khoản nợ khác là 390 triệu USD.
Tài sản còn lại của công ty gồm 170 triệu USD tiền mặt, 1,75 tỷ USD các tài sản crypto khác nhau, 930 triệu USD tài sản đang cho vay (nhưng có đến 310 triệu USD gặp rủi ro nợ xấu), 720 triệu USD thiết bị đào tiền, 180 triệu USD tài sản đang lưu ký, 600 triệu USD token CEL của dự án và 270 triệu USD các tài sản khác.
Công ty cũng tuyên bố đã đóng phần lớn các khoản vay và cho dừng hoạt động cho vay tài sản để phục vụ quá trình tái cơ cấu tài sản theo như quy định phá sản theo Chương 11 của luật pháp Mỹ. Điều này có thể là lý do cho việc Celsius trong thời gian qua đã tiến hành trả hơn 800 triệu USD các khoản vay trên những giao thức DeFi lớn gồm Aave, MakerDAO và Compound, rút về hơn 1,1 tỷ USD tài sản thế chấp.
Tài liệu mới được công bố còn cho thấy Celsius còn đang cho Three Arrows Capital, quỹ đầu tư tiền mã hóa đã phá sản đầu tháng 7, vay 75 triệu USD. Khi 3AC trễ hẹn trả nợ, Celsius đã thanh lý tài sản thế chấp của khoản vay và chịu lỗ 40 triệu USD – số tiền mà công ty tuyên bố sẽ yêu cầu quỹ đầu tư phải trả lại đầy đủ.
Celsius còn cho công ty con chuyên về đào tiền của mình vay 750 triệu USD để mua sắm thiết bị trong khoảng thời gian 2021. Tính đến cuối tháng 05/2022, giá trị khoản vay là 576 triệu USD. Công ty con của Celsius hiện sở hữu 80.850 máy đào, trong đso có 43.632 máy là đang hoạt động, khai thác được khoảng 14,2 Bitcoin mỗi ngày.
Tháng 5/2021, Celsis bị thiệt hại 35.000 ETH (khoảng 70 triệu USD) trong vụ Stakehound bị tấn công. Phần lớn số tiền này đều là tiền gửi của người dùng.
Ở chiều ngược lại, Celsius đã vay 841 triệu USD từ công ty phát hành stablecoin USDT là Tether. Trong giai đoạn gặp khó khăn vào tháng 5 và tháng 6 qua, Celsius đã không thể nạp thêm thế chấp để duy trì khoản vay và chấp nhận để Tether thanh lý tài sản với mức lỗ lên đến 94 triệu USD. Thông tin này trước đó đã được chính Tether xác nhận và khẳng định đơn vị phát hành stablecoin không bị liên đới với Celsius.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 02/2021, Celsius đã vay một số tiền lớn từ một đơn vị cho vay không được nêu tên. Đến tháng 07/2021, khi công ty trả nợ và rút lại tài sản thế chấp, đơn vị cho vay này tuyên bố không thể hoàn trả tài sản, với số tiền lên đến 509 triệu USD. Kể từ đó, đơn vị cho vay đã trả “nhỏ giọt” khoảng 5 triệu USD/tháng cho Celsius. Hiện tại, họ còn nợ công ty 439 triệu USD, gồm 361 triệu USD tiền mặt và 3,765 BTC (trị giá 78 triệu USD).
Báo Financial Times khẳng định tổ chức không được nêu tên này là EquitiesFirst, một đơn vị lending trong ngành tài chính truyền thống. Vẫn chưa rõ lý do vì sao EquitiesFirst lại không thể hoàn trả thế chấp cho Celsius.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68