Sự kết hợp giữa blockchain và video game đang giúp cho ngành công nghiệp này có những bước chuyển mình đầy hứa hẹn. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ xuôi theo dòng lịch sử hơn 70 năm phát triển của video game từ thuở sơ khai tới hiện tại để đi tìm vai trò và chỗ đứng của công nghệ blockchain trong lĩnh vực này.
Blockchain và tương lai ngành video game
Nguồn: Visual Capitalist
Trong những năm đầu của thập niên 1950, video game chưa phải là một thuật ngữ phổ biến. Một trong những bước tiến quan trọng là sự xuất hiện của máy chơi game điện tử đầu tiên do nhà khoa học William Higinbotham tạo ra vào năm 1958 tại Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven ở Mỹ.
Máy chơi game này có tên là Tennis for Two, sử dụng một màn hình CRT để hiển thị một trò chơi tennis đơn giản. Người chơi sử dụng một bảng điều khiển để tương tác với trò chơi. Tuy nhiên, máy chơi game này chỉ là một dự án thử nghiệm nên không được phát triển mạnh mẽ và không phổ biến trong công chúng.
Máy chơi game Tennis for Two
Trong giai đoạn này, máy chơi game chủ yếu là sản phẩm của các nhóm nghiên cứu và các trường đại học. Chúng thường chỉ được sử dụng trong những phòng thí nghiệm và sự kiện đặc biệt.
Những năm 1970 chứng kiến sự bứt phá đáng kể của video game khi các nhà phát triển tập trung xây dựng game cho máy tính cá nhân. Trò chơi đầu tiên Pong của Atari năm 1972 đã tạo ra cơn sốt game trên màn hình đen trắng. Họ đã thành công đưa video game từ phòng thí nghiệm tới tay người chơi ngoài cộng đồng.
Sự đa dạng hoá của video game bắt đầu được nhân rộng, từ những phiên bản đơn giản như game Space Invaders đến những thể loại phức tạp như game nhập vai. Máy tính cá nhân nhanh chóng trở thành mục tiêu cho sự sáng tạo của ngành game, đặt nền móng cho sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp này ở những năm tiếp theo.
Giai đoạn này là thời điểm rực rỡ của văn hóa game khi các trung tâm giải trí điện tử Arcade, trở thành điểm đến hấp dẫn. Trò chơi như Pac-Man và Donkey Kong trở thành hiện tượng toàn cầu, kích thích sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển game.
Máy chơi game Pac-Man
Ngoài ra, sự xuất hiện của các sản phẩm game console từ Nintendo Entertainment System (NES) và Sega Master System mang lại trải nghiệm chơi game độc đáo trong gia đình. Thập niên 1980 là thời kỳ vàng son của Arcade và Console, với sự đột phá đáng kể trong thiết kế và đồ họa, đặt nền tảng cho sự phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp video game.
Tới thập niên 1990 chúng ta chứng kiến sự đột phá về mặt đồ họa của video game với công nghệ 3D, cùng với đó là cạnh tranh gay gắt giữa các hãng console để chiếm sự độc quyền.
Công nghệ 3D mở ra một thế giới mới với đồ họa sống động. PlayStation của Sony và Nintendo 64 của Nintendo đã đưa đến những trải nghiệm 3D độc đáo. Super Mario 64, The Legend of Zelda: Ocarina of Time, Final Fantasy VI đều đã trở thành biểu tượng cho ngành game lúc bấy giờ.
Những xu hướng này không chỉ thay đổi cách cộng đồng nhìn nhận về video game mà còn định hình chuẩn mực mới về đồ họa, lối chơi và cốt truyện.
Trong giai đoạn này, Internet đã mở ra cánh cửa cho thế giới đa người chơi, nơi mà người chơi có thể tương tác và cạnh tranh với nhau trực tuyến. Các tựa game MMO (Massively Multiplayer Online) như World of Warcraft trở thành hiện tượng với hàng triệu người chơi tham gia. Các nền tảng như XBox Live và PlayStation Network giúp đưa đến trải nghiệm đa người chơi mạnh mẽ, kết nối game thủ trên toàn thế giới.
Cùng với đó, sự phát triển của game trực tuyến mở ra không gian cho sự sáng tạo trong thiết kế game và tạo ra cộng đồng game thủ mạnh mẽ. Thập kỷ này không chỉ là về việc chơi game, mà còn về việc kết nối và chia sẻ trải nghiệm trong cộng đồng toàn cầu.
Tới những năm 2010 chúng ta được chứng kiến ngành công nghiệp video game tiến lên một bước nữa về mặt công nghệ. Xu hướng game thực tế ảo và Cloud Gaming được chú trọng hơn bao giờ hết.
Cloud gaming loại bỏ rào cản về cấu hình máy tính, cho phép người chơi trải nghiệm game mà không cần phải sở hữu thiết bị cấu hình cao. Dịch vụ như Google Stadia và Microsoft xCloud mang lại sự thuận lợi và linh hoạt, mở ra một thế giới mới của giải trí số.
Thực tế ảo đưa trải nghiệm chơi game lên một tầm cao mới, tạo ra môi trường tương tác sống động. Oculus Rift và HTC Vive là những thiết bị tiên phong giúp người chơi có thể đắm chìm vào thế giới ảo với đồ họa chân thực.
Crypto Kitties được biết đến như game blockchain đầu tiên nhưng Axie Infinity mới là cái tên tạo nên cột mốc lịch sử cho ngành công nghiệp game hiện đại, nó làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tính sở hữu. Thông qua công nghệ Blockchain, quyền sở hữu những tài sản trong game giờ đây chuyển từ tay nhà phát hành sang người chơi. Điều này mở ra các mô hình kinh tế giúp người chơi kiếm được thu nhập trong quá trình chơi game.
Nếu như công nghệ thực tế ảo trong những năm 2010 giúp chúng ta tăng cường trải nghiệm trong một không gian game nhất định thì Metaverse đề cập đến một thế giới giả lập rộng lớn, nơi tất cả người chơi có thể tham gia và tương tác với nhau. Nó không chỉ là game mà xa hơn còn là tiền đề để xây dựng và trải nghiệm cuộc sống ảo.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong một quãng thời gian dài. Khẩu trang, xịt khuẩn và que test sẽ trở thành một phần ký ức không bao giờ quên của một thế hệ.
Những ngày ấy đối với các công dân Web3 còn một kỷ niệm khó quên khác là sự xuất hiện của Play to Earn. Có thể nói rằng những ngày bị “cấm túc” đã phần nào đó tạo điều kiện cho sự bùng nổ của phong trào “chơi game kiếm tiền” mà sau này những người chơi mới biết nó là game blockchain.
Trong những phần tiếp theo dưới đây, chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết hơn về Game Blockchain và vai trò của nó trong tương lai ngành game.
Game Blockchain được định nghĩa là những trò chơi ứng dụng một phần hoặc toàn diện công nghệ blockchain để lưu trữ dữ liệu, xử lý logic trò chơi.
Sự khác biệt lớn nhất giữa game blockchain và game truyền thống là nằm ở tính sở hữu. Trong khi với các game truyền thống tất cả mọi tài nguyên trò chơi và kể cả tài khoản người dùng đều thuộc quyền quản lý và sở hữu của đơn vị phát triển thì game blockchain giúp những người chơi thực sự sở hữu chúng, từ đó tạo ra các mô hình kinh tế giúp người chơi kiếm tiền.
Tính sở hữu và tự trông nom
Các vật phẩm, tài nguyên do bạn sở hữu trong game sẽ là tài sản do bạn tự trông nom, quản lý. Điều đó có nghĩa sẽ không ai giúp bạn lấy lại tài sản khi chuyển nhầm hoặc bị mất.
Tính phi tập trung và bất biến
Mạng lưới blockchain giúp các tài sản của bạn có được tính phi tập trung và tính bất biến để đảm bảo rằng tài sản của bạn được an toàn và thuộc quyền kiểm soát của mình bạn.
Tính minh bạch
Mọi thông tin trên blockchain đều là minh bạch, bất cứ ai cũng đều có thể theo dõi và kiểm tra. Nó đảm bảo rằng đơn vị phát triển không thể làm điều gì mờ ám với tài sản của bạn.
Tính kinh tế
Bạn có thể tham gia thị trường giao dịch tự do với các vật phẩm bạn sở hữu mà không cần được sự cấp phép từ một bên thứ ba.
Dựa trên mức độ tích hợp công nghệ blockchain, game blockchain đang được chia thành 2 loại chính:
Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa game blockchain và game truyền thống.
Bảng so sánh game truyền thống và game blockchain
Mỗi loại hình game blockchain đều có những ưu nhược điểm riêng, nhưng về cơ bản fully on-chain game sẽ là đích đến tiếp theo của mảng game blockchain bởi những tính chất tốt đẹp mà nó mang lại. Các giải pháp mở rộng mạng lưới như Layer 2 và các blockchain thế hệ mới sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển này.
Sự tỏa sáng rực rỡ của Play to Earn trong GameFi season 2021 đã khiến cho cộng đồng game thủ và cả những nhà phát triển nhận ra những giá trị tốt đẹp mà blockchain mang tới cho ngành công nghiệp video game.
Ở thời điểm đỉnh cao, tựa game blockchain đình đám Axie Infinity đã đạt tới con số 2,8 triệu người dùng hàng ngày với khối lượng giao dịch các vật phẩm trong game đạt trên 4 tỷ đô la. Vốn hoá của dự án đã có lúc vượt 10 tỷ đô la vào tháng 11 năm 2021.
Lượng người dùng của Axie Infinity. Dữ liệu: Priori Data
Mặc dù tạo ra làn sóng GameFi bùng nổ mạnh mẽ nhưng sự bền vững của mô hình kinh tế vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Sau khoảng thời gian huy hoàng, giá các vật phẩm trong game và cả giá token của dự án sụt giảm không phanh, điều tương tự cũng xảy ra với đa số dự án Play to Earn.
Phiên bản “beta testing” của thị trường game blockchain khởi chạy mùa GameFi 2021 đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho cả cộng đồng và nhà phát triển. Thay đổi là điều cần thiết để mảnh ghép này tiếp tục đi lên.
Các thế hệ game blockchain tiếp theo thay vì tập trung quá nhiều vào yếu tố earn có phần ponzi đã chuyển dần sang tập trung vào trải nghiệm. Các mô hình quick money dạng “click to earn” được chuyển sang “skill to earn”, người chơi cần dùng nhiều “não” hơn trong quá trình chơi game để dành phần thưởng.
Giai đoạn này, chúng ta cũng được thấy sự ra mắt của nhiều tựa game với chất lượng AAA đổ bộ lên mạng lưới blockchain. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như: Illuvium, ZepetoX, BigTime, Delysium.
Bên cạnh đó nội dung, cốt truyện và trải nghiệm được đẩy lên cao thôi thúc người chơi “tiêu token” từ đó hạn chế vấn đề lạm phát, kéo dài vòng đời cho game.
Một yếu tố khác là social cũng là một đang được các nhà phát triển để ý. Quay trở về những năm 2012 với game Candy Crush Saga, không thể phủ nhận rằng social network chính là một trong những yếu tố lớn giúp tựa game này bước tới thành công. Nhà phát triển đã tích hợp với mạng xã hội Facebook để lan giúp nhau kiếm vật phẩm và hiển thị thông tin bảng xếp hạng. Nó tạo thành một cuộc đua vô hình giữa những nhóm bạn bè sau chiếc màn hình điện thoại, người chơi cố gắng để vượt qua bạn bè mình trong danh sách bảng xếp hạng.
Các tựa game blockchain ngày nay cũng đang cố gắng tạo ra một cộng đồng người chơi lớn thông qua những lối chơi đơn giản. Cái tên nổi bật nhất đang thu hút sự chú ý của cộng đồng thời gian gần đây là Pixels trên mạng lưới Ronin.
Có thể thấy rằng game blockchain đang dần quay trở về với những giá trị cốt lõi của game truyền thống là tính giải trí và trải nghiệm chứ không chỉ là earn.
Một điều đặc biệt nữa là sau ngần ấy những biến cố của GameFi và kể cả khi thị trường cryptocurrency đi vào mùa đông lạnh lẽo thì mảng game blockchain vẫn dành được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư lớn. Bởi lẽ những giá trị mà nó muốn chứng minh đã được cộng đồng đón nhận.
Tình hình gọi vốn của thị trường cryptocurrency. Nguồn: CryptoRank
Animoca Brands, a16z, Shima Capital, Polygon Ventures là những cái tên tích cực tham gia các vòng rót vốn cho mảng GameFi nhất.
Số vòng rót vốn của các quỹ đầu tư crypto. Nguồn: CryptoRank
Bên cạnh sự tích cực của các gương mặt quen thuộc trong thị trường crypto, chúng ta còn đang được thấy sự tham gia của nhiều thực thể lớn ngành game truyền thống.
CEO của công ty game khổng lồ với vốn hoá 36 tỷ đô la Electronic Arts (EA) trong một bài phát biểu đã nói rằng blockchain và NFT là một phần của tương lai ngành game.
Epic Games Store – nhà phát hành đứng sau “bản hit” Fortnite, cũng đã cho niêm yết các tựa game blockchain trên cửa hàng của họ từ cuối năm 2022.
Hoặc mới đây, Ubisoft hãng game đứng sau những thương hiệu đình đám như Assassin's Creed, Far Cry, Tom Clancy's cũng đã thông báo hợp tác với Immutable để xây dựng game blockchain.
Suốt nhiều thập kỷ qua game đã đưa chúng ta đi qua những trải nghiệm từ đồ hoạ, lối chơi, cốt truyện tới sự kết nối cộng đồng, chia sẻ cảm xúc. Và bây giờ blockchain đang giúp chúng ta tiến tới thời đại game của không chỉ là trải nghiệm mà còn là sự sưu tầm, sở hữu và nền kinh tế mở tự do.
Cùng với sự phát triển của hạ tầng blockchain, sẽ còn mất nhiều năm để Game Blockchain đi tới sự phổ cập trong cộng đồng game thủ. Bước chuyển mình này có thể là cột mốc lịch sử thay đổi mãi mãi cách mà các game thủ và cả xã hội nhìn nhận về ngành công nghiệp game.
Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp các bạn có nhiều góc nhìn hơn về thị trường game và game blockchain.
Kudō
Nguồn: Coin68