Đơn vị phát hành stablecoin lớn nhất thị trường là Tether vừa cho ra mắt danh mục tài sản mới là Tethered Asset cùng với đó là aUSD₮. Vậy Tethered Asset và aUSD₮ có gì khác với các loại stablecoin thông thường, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.
Alloy by Tether là gì? Danh mục tài sản mới Tethered Asset của Tether
Trước tiên, nếu bạn chưa biết thì Tether (USD₮) là đồng stablecoin lớn nhất và có lịch sử phát triển lâu đời nhất thị trường tiền mã hóa. Được phát triển bởi Tether Limited, một công ty trực thuộc quyền quản lý pháp luật Quần đảo Virgin thuộc Anh. USDT được neo giá với đồng USD với tỷ lệ 1:1. Kể từ khi ra đời năm 2014 dưới cái tên Realcoin, sau này đổi lại thành Tether, nó luôn chiếm phần lớn thị phần mảng stablecoin.
Thị phần của các đồng stablecoin phổ biến. Nguồn: Glassnode (22/06/2024)
Vốn hoá của USDT ở thời điểm viết bài (22/06/2024) khoảng 112 tỷ USD, gấp 3.5 lần so với đồng stablecoin lớn thứ hai thị trường là USDC với vốn hoá 32 tỷ USD. Một số đồng stablecoin nổi tiếng khác là DAI (5,3 tỷ USD), FDUSD (2,2 tỷ USD). Ngoài ra Tron đang là mạng lưới phát hành nhiều USDT nhất, kế đó là Ethereum, Avalanche và Solana.
Phân bổ nguồn cung USDT trên các blockchain. Nguồn: Tether (23/06/2024)
Bên cạnh Tether (USD₮), Tether Limited còn một số sản phẩm khác là:
EUR₮: Stablecoin được neo giá 1:1 với đồng euro của Liên minh Châu Âu (EU). Vốn hoá của EURT đang khoảng 51 triệu USD.
CNH₮: Stablecoin được neo giá 1:1 với đồng nhân dân tệ ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Vốn hoá của CNHT hiện tại khoảng 6 triệu USD.
MXN₮: Stablecoin được neo giá 1:1 với đồng peso Mexico. Vốn hoá của MXNT hiện tại khoảng 1,1 triệu USD.
XAU₮: Tên đầy đủ là Tether Gold là một stablecoin cung cấp quyền sở hữu theo tỷ lệ 1:1 đối với một troy ounce vàng nguyên chất trên một thỏi vàng vật chất đáp ứng tiêu chuẩn Good Delivery của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (London Bullion Market Association - LBMA). Để dễ hiểu thì Tether Gold là phiên bản token hoá của vàng vật chất với đơn vị là troy ounce. Vốn hoá của XAUT ở thời điểm hiện tại khoảng 572 triệu USD.
Lượng cung lưu hành của các tài sản do Tether phát hành. Nguồn Tether (23/06/2024)
Tethered Asset được thiết kế để theo sát giá của một loại tài sản tham chiếu cụ thể, ví dụ đồng USD. Điều này đạt được thông qua các chiến lược ổn định giá bao gồm thế chấp quá mức và sự hỗ trợ của bể thanh khoản tại thị trường thứ cấp. Nó làm cho giá trị của Tethered Assets luôn duy trì ổn định và gần sát với giá trị của tài sản tham chiếu.
"Over-collateralization" - Thế chấp quá mức là một đặc tính quan trọng để tăng tính an toàn cho Tethered Asset.
Theo đó, người dùng cần cung cấp giá trị tài sản thế chấp nhiều hơn giá trị của loại tiền kỹ thuật số muốn tạo ra. Khi đó khoản thế chấp vượt mức đóng vai trò như một tấm đệm hấp thụ sự biến động theo chiều hướng tiêu cực của tài sản thế chấp. Người dùng có thể sử dụng một hoặc nhiều loại tài sản khác nhau để tạo ra Tethered Asset.
Thị trường thanh khoản thứ cấp là chiến lược ổn định giá khác của Tethered Asset. Sự sẵn có của Tethered Asset ở thị trường thứ cấp giúp người dùng dễ dàng mua hoặc bán, đồng thời song song với đó là các hoạt động mint/return tại smart contract sẽ tạo ra một mô hình bình ổn giá thông qua lợi ích kinh tế.
Ví dụ:
Trong kịch bản Under-Peg: Ví dụ giá trị của Tethered aUSD₮ giảm xuống dưới 1 USD. Khi này những người đang có vị trí thế chấp tại Tethered Asset sẽ hưởng lợi nếu tất toán khoản thế chấp của họ, vì họ sẽ cần ít USD hơn để mua aUSD₮.
Trong các kịch bản Over-Peg: Ví dụ giá trị của Tethered aUSD₮ tăng lên trên 1 USD, nó sẽ khuyến khích người dùng mint mới 1 aUSD₮ và bán nó ra thị trường với giá hơn 1 USD. Cơ chế này sẽ giúp cho giá trị của Tethered Asset được bình ổn.
Để trải qua hành trình từ tài sản thế chấp đến tài sản tiện ích, người dùng cần thực hiện các bước:
Depositing collateral - Ký gửi tài sản thế chấp: Để bắt đầu, người dùng ký gửi một lượng tài sản thế chấp vào smart contract của hệ thống.
Minting the Tethered Asset - Tạo Tethered Asset: Bằng tài sản thế chấp đã deposit người dùng có thể tạo ra một lượng Tethered Asset cụ thể dựa trên tỷ lệ tài sản thế chấp tối thiểu được xác định trước gọi là điểm thanh lý (Liquidation Point). Khi tài sản đã được mint hệ thống sẽ bắt đầu tính toán vị thế tài sản thế chấp - CMP (Collateral Minted Position).
Sử dụng Tethered Asset: Sau quá trình mint, Tethered Asset sẽ sẵn sàng trong ví của người dùng để sử dụng.
Liquidation threshold: Nếu giá trị tài sản thế chấp giảm xuống dưới ngưỡng nhất định hệ thống sẽ kích hoạt cơ chế thanh lý. Tại đó, những người thanh lý (liquidator) có quyền mua lại tài sản thế chấp với một mức chiết khấu nhỏ bằng Tethered Asset. Cơ chế này giúp hạn chế sự biến động về giá trị của Tethered Asset.
Việc phát hành Tether Asset có thể được thực hiện dễ dàng thông qua giao diện website hoặc tương tác với smart contract của hệ thống. Tuy nhiên các địa chỉ ví này cần hoàn tất quá trình KYC trước đó.
"Alloy by Tether" là sản phẩm Tether Asset đầu tiên được tạo ra bằng cách sử dụng Tether Gold (XAU₮) làm tài sản thế chấp. Người dùng có thể tạo ra nhiều loại Alloy Tethered Asset mà phổ biến nhất là Alloy USD Tether hay còn gọi là aUSD₮.
Việc tạo ra các Alloy Tether Asset sẽ tận dụng được sức mạnh ứng dụng và tính linh hoạt của các loại tài sản hiện hữu trong khi vẫn giữ được giá trị, sự khan hiếm và tính ổn định của vàng vật chất.
Theo thông tin từ Tether, sự ra đời của Alloy by Tether nhằm đáp ứng bối cảnh nhiều biến động của thị trường tài chính. Alloy by Tether giúp đạt được sự ổn định bằng cách tận dụng sự an toàn của Tether Gold, nó đại diện cho quyền sở hữu vàng vật chất được lưu trữ an toàn ở Thụy Sĩ.
Solidity là ngôn ngữ được lựa chọn cho các hợp đồng thông minh của Alloy by Tether, điều đó giúp nó tương thích với toàn bộ hệ sinh thái EVM và hoạt động trên nhiều chuỗi khác nhau như Ethereum, Polygon, Optimism, Arbitrum, BNB Chain, vân vân.
Alloy by Tether được phát triển với sự hỗ trợ từ Moon Gold NA, SA de CV và Moon Gold El Salvador, SA de CV để quản lý và phát hành.
Thành phần cốt lõi của Alloy by Tether bao gồm các smart contract gọi là Vault. Mỗi Vault phục vụ nhiều mục đích khác nhau:
Lưu trữ tài sản thế chấp của người dùng;
Lưu trữ Alloy Tethered Asset chưa phát hành;
Lưu trữ thông tin vị thế tài sản đã thế chấp - Collateralised Minted Position (CMP).
Mỗi Vault có các thông số cụ thể ảnh hưởng đến CMP (Collateralised Minted Position) của người dùng bao gồm:
Liquidation Point: Điểm thanh lý
Interest: Lãi suất
Minting Fee: Phí mint
Return Fee: Phí hoàn trả
Liquidation Premium: Tỷ lệ chiết khấu dành cho người mua tài sản thanh lý
Các Vault sử dụng một Oracle cụ thể để định giá cả XAU₮ và Tethered Asset đã phát hành. Trong trường hợp của aUSD₮, Tether Asset Oracle là US dollar price oracle. Trong tương lai các loại Alloy Tethered Asset mới sẽ sử dụng các bộ Vault và Oracles riêng biệt, ví dụ như dành cho đồng GBP, EUR, CHF hoặc MXN.
aUSD₮ là Alloy Tetherd Asset được neo giá với đồng USD với tỷ lệ 1:1 bằng cách thế chấp quá mức Tether Gold (XAU₮).
aUSDT được triển khai trên mạng lưới Ethereum Mainnet có địa chỉ smart contract là: 0x9EEAD9ce15383CaEED975427340b3A369410CFBF.
Giao diện mint aUSDT của Alloy by Tether
Tương tự như các Tethered Asset, vị thế tài sản thế chấp để tạo ra aUSDT sẽ bị thanh lý khi giá trị tài sản thế chấp giảm xuống dưới ngưỡng thanh lý.
Trong trường hợp của aUSDT là 75% giá trị của tài sản thế chấp. Khi đó, những người dùng khác (gọi là người thanh lý - liquidator) có quyền hoàn trả số một phần hoặc toàn bộ aUSDT của vị thế để nhận về một phần hoặc toàn bộ tài sản thế chấp. Những người thanh lý này sẽ nhận được 105% số tài sản thế chấp XAUT so với số aUSDT hoàn trả, đồng thời họ cũng bị chịu phí hoàn trả là 0.75%.
Số lượng aUSDT được mint (22/06/2024)
Vốn hoá của aUSDT tại thời điểm viết bài là 13 triệu USD và được hậu thuẫn bởi 286kg vàng.
Trong bối cảnh biến động của địa chính trị và các loại tiền tệ quốc gia thì vàng đang là phương tiện truyền thống được lựa chọn làm nơi trú ẩn. Alloy by Tether là một giải pháp được cung cấp tại thời điểm rất phù hợp, nó giúp cho người dùng bảo toàn được những ưu điểm của vàng vật chất như sự khan hiếm, tính ổn định nhưng vẫn tận dụng được tính ứng dụng và tiện lợi của các đồng stablecoin trong không gian DeFi.
Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích mang lại, người dùng cũng cần chú ý đến tỷ lệ thế chấp và sự biến động của vàng để tránh trường hợp dẫn tới thanh lý. Ngoài ra các rủi ro cố hữu của thị trường cryptocurrency như lỗi smart contract hay hacker cũng là những vấn đề cần quan tâm.
Trên đây là toàn bộ các thông tin về Tethered Asset, Alloy by Tether và aUSD₮, hy vọng có thể giúp các bạn trong quá trình nghiên cứu.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coincuatui không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Nguồn: Coin68