Trước tình trạng ngày càng lâm vào bế tắc thanh khoản, công ty cho vay crypto Celsius đã phải tiếp tục chịu áp lực pháp lý từ giới chính quyền các bang khác nhau tại Mỹ.
Cụ thể, Sở Quy định Tài chính (DFR) của bang Vermont Mỹ đã cáo buộc công ty cho vay crypto Celsius Network đang rơi vào tình trạng “vỡ nợ đỉnh điểm” vì tổ chức thiếu hụt trầm trọng tính thanh khoản và tài sản sở hữu để thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với chủ nợ. DFR cho biết trong một tuyên bố:
“Celsius Network đã triển khai tài sản của khách hàng trong nhiều hoạt động đầu tư, giao dịch và cho vay rủi ro và kém thanh khoản. Họ đã làm tăng thêm những rủi ro này bằng cách sử dụng tài sản của khách hàng làm tài sản thế chấp để vay thêm nhằm theo đuổi các chiến lược đầu tư có đòn bẩy.”
Bên cạnh đó, DFR tin rằng Celsius đã tham gia vào một đợt chào bán chứng khoán chưa đăng ký bằng cách cung cấp tài khoản lãi suất tiền mã hóa cho các nhà đầu tư bán lẻ. Theo DFR, Celsius cũng thiếu giấy phép chuyển tiền, điều này có nghĩa là Celsius đã hoạt động phần lớn mà không có sự giám sát của cơ quan quản lý từ trước đến nay.
Hơn nữa, công ty cho vay đã không đăng ký tài khoản lãi suất của mình dưới dạng chứng khoán, dẫn đến việc không công bố rủi ro cho người gửi tiền và các chủ nợ khác. Do mối quan tâm về Celsius đã ngày càng leo thang, DFR đã quyết định thực hiện cuộc điều tra vào Celsius.
Về cơ bản thì những lập luận mà DFR đưa ra có phần khá trùng hợp với các “bằng chứng” đang chống lại Celsius trong tuần qua khi công ty đã bất ngờ bị cựu đối tác kiện, cáo buộc là hoạt động theo mô hình ponzi. Nhiều nguồn tin xác thực còn cho thấy bản thân Celsius đã “lỗ” đến 350 triệu USD vì lấy tiền của khách hàng đi đầu tư “vô tội vạ”.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Đổi mới và Bảo vệ Tài chính California (DFPI) cũng đang tiến hành điều tra một số công ty cho vay tiền mã hóa có trụ sở tại Hoa Kỳ sau khi một loạt các tổ chức lending nổi tiếng tạm dừng vô thời hạn việc rút tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản người dùng.
Mặc dù DFPI không nêu đích danh tên các công ty bị điều tra, nhưng họ cho biết đang để mắt đến nhiều công ty cung cấp cho khách hàng tài khoản tài sản crypto chịu lãi hoặc tài khoản lãi suất và các nhà cung cấp dịch vụ có thể không được tiết lộ đầy đủ những rủi ro mà khách hàng phải đối mặt khi họ gửi tiền của mình vào nền tảng.
Khả năng DFPI nhắm đến Celsius là rất cao bởi vì cơ quan đã theo đuổi các cuộc điều tra tương tự đối với BlockFi và Voyager Digital trong những tháng gần đây. Không những vậy, DFPI đã phát hiện ra rằng một số tài khoản lãi suất crypto nhất định từ các nền tảng đó cấu thành chứng khoán chưa đăng ký.
Song, giới chính quyền của bang Vermont và California chỉ là những đại diện mới nhất bắt đầu “tấn công” vào Celsius. Trên thực tế hồi giữa tháng 06/2022, Celsius đã phải chịu sức ép từ cơ quan quản lý chứng khoán của 5 bang tại Mỹ bao gồm Texas, Alabama, Kentucky, New Jersey và Washington.
Về cơ bản, Celsius là một trong những nền tảng lending phải đối mặt với rắc rối tài chính nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng thanh khoản đang lan rộng trên thị trường. Công ty đã ngưng việc rút tiền bắt đầu từ ngày 12/06, cắt giảm việc làm và thuê các chuyên gia pháp lý để tư vấn về tình hình tài chính của mình.
Trước đó vào đầu tuần này, Celsius cho biết đã trả hết nợ của mình trên Maker cũng như dần tháo gỡ các khoản vay đối với Aave và Compound. Tuy nhiên, việc rút hơn 400k stETH thế chấp vào tối ngày 12/07 vào một ví không xác định đã khiến cộng đồng thật sự hoang mang vì Celsius có thể xả lượng token khổng lồ này ra thị trường bất cứ lúc nào.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68