Vốn hóa thị trường, hay còn gọi là "market cap", là một thuật ngữ quen thuộc đối với những ai tham gia đầu tư vào thị trường tài chính, trong đó có tiền mã hóa. Đây là một chỉ số quan trọng giúp nhà đầu tư có thể phân loại dự án và đưa ra chiến lược đầu tư hợp lý. Vậy vốn hóa thị trường là gì? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vốn hóa thị trường là gì? Những điều cần biết về vốn hóa thị trường
Trong thị trường chứng khoán, vốn hóa thị trường (market capitalization), thường được gọi là market cap, là tổng giá trị của tất cả số cổ phiếu của một công ty được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tương tự, trong thị trường tiền mã hóa, vốn hóa thị trường của một dự án là tổng giá trị của tất cả các token của dự án đó đang lưu thông trên thị trường.
Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hóa thị trường là một thước đo quan trọng để đánh giá quy mô và tiềm năng của một dự án tiền mã hóa. Các dự án có vốn hóa thị trường lớn (large cap) thường được coi là an toàn và ổn định hơn, trong khi các dự án có vốn hóa thị trường nhỏ (low cap) lại có tiềm năng sinh lời cao nhưng thường có rủi ro lớn hơn.
Như đã đề cập ở trên, vốn hóa thị trường của một dự án là tổng giá trị của tất cả token đang lưu thông trên thị trường. Do đó, công thức tính vốn hóa thị trường sẽ là:
Vốn hóa thị trường = Giá token hiện tại x Số token đang lưu thông
Trong đó, số token đang lưu thông = Tổng cung - số token đang bị lock - số token đã được burn (Nếu có).
Ví dụ, nếu giá Bitcoin là 30.000 USD và số lượng Bitcoin đang lưu hành là 20 triệu, thì vốn hóa thị trường của Bitcoin là:
Vốn hóa thị trường = 30.000 USD x 20 triệu = 600 tỷ USD
Vốn hóa thị trường giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng lợi nhuận mà một dự án có thể mang lại trong tương lai. Thường thì các dự án có vốn hóa thấp có khả năng mang lại lợi nhuận lớn hơn so với những dự án có vốn hóa lớn trên thị trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào các dự án có vốn hóa thấp cũng đảm bảo lợi nhuận cao, ví dụ, memecoin thường mang theo rủi ro cao, chẳng hạn như việc rug-pull. Do đó, để đánh giá đúng tiềm năng của một dự án, chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố khác, không chỉ nên dựa yếu tố vốn hóa thị trường.
Bằng cách so sánh vốn hóa thị trường của các dự án tiền mã hóa cùng mảng với nhau, nhà đầu tư có thể xác định được độ phổ biến và tiềm năng phát triển của chúng. Các dự án dẫn đầu về vốn hóa thị trường trong một mảng có thể được xem như là một tiêu chuẩn để so sánh với các dự án khác trong cùng mảng. Những dự án này thường được xem như đại diện cho tiềm năng và xu hướng phát triển của mảng đó.
Vốn hóa thị trường cũng thể hiện mức độ thanh khoản của một đồng coin. Các dự án với vốn hóa lớn thường có thanh khoản cao hơn và ít gặp trượt giá hơn, trong khi những dự án có vốn hóa thấp thường có mức thanh khoản thấp và dễ bị trượt giá. Đây là điều mà nhà đầu tư cần xem xét trước khi đưa ra quyết định giao dịch.
Vốn hóa thị trường có thể được sử dụng làm cơ sở cho các quyết định đầu tư. Nhà đầu tư thường mua các loại tiền mã hóa có vốn hóa lớn (BTC, ETH) cho mục đích đầu tư dài hạn bởi vì sự ổn định và an toàn của nó. Đối với ngắn hạn và trung hạn, nhà đầu tư thường chọn các dự án có vốn hóa từ thấp tới vừa vì đây là loại tài sản có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng kèm theo đó là tính biến động và rủi ro cao.
Là nhóm các dự án có vốn hóa lớn nhất trong thị trường, từ 100 tỷ USD trở lên. Những dự án này chiếm phần lớn vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa, tương tự như cổ phiếu blue-chip trong thị trường chứng khoán truyền thống. Hiện tại, chỉ có Bitcoin và Ethereum thuộc loại dự án này.
Là những dự án có mức vốn hóa từ 10 tỷ đến 100 tỷ USD và thường nằm trong top 20 các dự án hàng đầu của thị trường tiền mã hóa tính theo vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thời điểm thị trường hiện tại. Ví dụ, tại thời điểm viết bài, chỉ có USDT, BNB, XRP và USDC là thuộc nhóm vốn hóa lớn.
Đây là các dự án có vốn hóa thị trường từ 100 triệu đến 10 tỷ USD. Đa số các dự án trong nhóm này thường mới xuất hiện trên thị trường trong khoảng chưa đầy 5 năm và đang trong giai đoạn phát triển. Chúng thường sở hữu các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực DeFi.
Các dự án có vốn hóa từ 10 triệu đến 100 triệu USD thường được xếp vào nhóm này. Đây thường là những dự án mới được ra mắt trong khoảng 1 đến 2 năm trở lại đây, có tiềm năng tăng trưởng lớn và khả năng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là khả năng biến động và rủi ro cao.
Đây là nhóm chiếm phần lớn trong thị trường tiền mã hóa, có vốn hóa dưới 10 triệu USD. Những dự án thuộc nhóm này thường là các memecoin, dự án DeFi mới ra mắt và thường được giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Đây cũng là nhóm có độ biến động và rủi ro cao nhất thị trường.
Vốn hóa thị trường chỉ là một chỉ số mang tính chất tham khảo, nhà đầu tư cần xem xét các yếu tố khác như phân tích cơ bản của dự án, tiềm năng tăng trưởng, diễn biến thị trường và quản lý rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Vốn hóa thị trường có thể thay đổi theo thời gian cho nên cần thường xuyên cập nhật thông tin về vốn hóa thị trường để đưa ra các quyết định đầu tư chính xác.
Các dự án có vốn hóa càng nhỏ thì rủi ro đem lại càng cao. Do đó, nhà đầu tư nên nghiên cứu và cân nhắc thật kỹ trước khi đầu tư vào các dự án có vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ.
Trên đây là bài viết của Coincuatui về chủ đề vốn hóa thị trường. Thông qua bài viết, Coincuatui mong rằng bạn đọc có thể hiểu hơn về khái niệm và ý nghĩa của vốn hóa thị trường nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu và đầu tư của mình. Chúc bạn có những thương vụ đầu tư sinh lời!
Nguồn: Coin68