Trong tuần qua, đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã xuất hiện trên Tạp chí TIME trong một cuộc phỏng vấn về tương lai của lĩnh vực tiền mã hóa sau sự kiện lớn ETHDenver 2022. Buổi chia sẻ đã để lại nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm.
ETHDenver là một trong những hội nghị tiền mã hóa được quan tâm nhất thế giới, đã diễn ra từ ngày 11/02 đến ngày 21/03 vừa qua. Sự kiện tập trung chủ yếu vào các phát triển nổi bật nhất trong năm của blockchain tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới Ethereum.
Vitalik Buterin đương nhiên là ngôi sao của cả hội nghị. Anh đã tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ quan điểm của mình về lĩnh vực tiền mã hoá và tương lai của Ethereum. Tạp chí danh tiếng TIME đã có dịp phỏng vấn nhà sáng lập trẻ tuổi của Ethereum, người mà được họ ví như là “Hoàng tử xứ Crypto”.
Vitalik Buterin lo ngại rằng tiền mã hóa sẽ đi chệch hướng nếu được triển khai sai cách, tỷ lệ ô nhiễm nặng nề của hoạt động đào coin cũng như hành động sử dụng tiền mã hóa như một phương tiện để trốn thuế và rửa tiền, tiếp tay cho các hành vi gian lận. Hầu hết những lo lắng của Buterin đều xuất phát từ thực tế những gì đang trải qua đều đi ngược lại với tầm nhìn của anh ấy.
Như đã được Coincuatui đưa tin, toàn bộ ấn phẩm sắp tới của TIME với Vitalik Buterin xuất hiện trên trang bìa sẽ được phát hành dưới dạng NFT.
Ethereum sẽ trở thành bệ phóng cho các thử nghiệm xã hội trong tương lai. Anh muốn lấy Ethereum làm khuôn mẫu thử nghiệm cho hệ thống bỏ phiếu công trở nên công bằng hơn, quy hoạch đô thị, một hệ thống thu nhập cơ bản cho đại chúng và các dự án công tương tự. Với các dự án tương tự, Buterin mong muốn Ethereum cân bằng quyền lực của các chính phủ độc tài và sự thống trị của Silicon Valley đối với không gian kỹ thuật số.
Vitalik cũng thừa nhận rằng tầm nhìn tương lai của anh ấy về Ethereum có thể nhanh chóng bị những kẻ tham lam chiếm đoạt. Vì vậy, anh ấy miễn cưỡng xuất hiện công khai rộng rãi hơn để giúp thúc đẩy tương lai của Ethereum đi đúng hướng.
Chia sẻ về những ngày đầu đặt nền móng cho Ethereum đầy biến động, anh muốn xây dựng một nền tảng hoàn toàn phi tập trung, nơi mọi người làm chủ mọi thứ, trong khi các cộng sự của anh lại quyết tâm sử dụng công nghệ này để xây dựng câu trả lời về tiền mã hóa cho Google bằng việc thu thập dữ liệu khách hàng để bán quảng cáo.
Buterin buồn rầu nhắn nhủ:
“Nếu chúng ta không cất tiếng nói, những thứ mình đang xây dựng thì sẽ là miếng mồi ngon cho kẻ khác kiếm lời. Đó thường là những thứ xa vời với nhu cầu thực tiễn mà thế giới cần.”
Mặc dù Buterin đóng vai trò quan trọng đối với Ethereum, anh ấy vẫn không thể tạo ra tác động mà chính mình muốn. Đó là bởi vì bản chất phi tập trung, anh phải thuận theo số đông. Buterin cũng bác bỏ ý tưởng về việc bất kỳ ai nắm quyền đơn phương đối với Ethereum, bao gồm cả chính anh.
Đó là lý do tại sao anh ấy không thể áp đặt các đề xuất thông qua các bài blog, các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu và nghiên cứu chuyên sâu của mình. Tuy nhiên, khó có thể nói rằng các phương pháp của Buterin đang thực sự phát huy tác dụng đối với cộng đồng.
Anh ấy cảm thấy như thể mình không được lắng nghe:
“Tôi dường như đã gào thét rất nhiều và đôi khi giống như tiếng thét vô vọng trong gió”.
Một điều khác mà Buterin lo lắng, khiến cộng đồng đi theo hướng ngược lại với tầm nhìn của anh là sự phân tán tài sản. Nhận xét về sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thị trường, cha đẻ Ethereum chia sẻ:
“Sự chia rẽ lớn nhất ở đây là rất nhiều người trong số họ chỉ khăng khăng chăm lo cho túi tiền cá nhân. Đối với tôi thì không, đó hoàn toàn không phải là mục tiêu của tôi. Chắc chắn đã có rất nhiều người chỉ muốn sở hữu du thuyền và Lambo.”
Buterin cũng không quên gợi nhắc về sự nổi lên của hàng loạt chiếc xe sang bên cạnh Lamborghini như một biểu tượng của sự thành đạt trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Anh cho rằng sự phô trương của cải quá mức này đã tàn phá cộng đồng crypto, thúc đẩy mọi người chạy theo lợi nhuận hơn là tiềm năng thực chất mà vốn dĩ tiền mã hóa nên trở thành.
Buterin cũng đề cập đến NFT. Anh chia sẻ rằng NFT đã trở thành biểu tượng của sự giàu có và có thể được xem như một hình thức đánh bạc “cấp cao hơn” khi nhắc đến Bored Ape Yacht Club.
“Rủi ro ở đây là khi bạn có mấy tấm hình khỉ trị giá đến 3 triệu USD, khi ấy thì mọi thứ chẳng khác gì trở thành một hình thức cờ bạc mới cả.”
Buterin cũng đã lường trước được làn sóng NFT, không phủ nhận chính những tổ chức này đã góp phần vào sự phát triển của Ethereum và giá của Ether. Tuy nhiên, họ cũng đang áp đảo mạng lưới với khối lượng giao dịch khủng, khiến phí gas cứ liên tục lập đỉnh.
Buterin cũng đau đáu khi nhận thấy sự thất vọng từ phía cộng đồng giữa bối cảnh phí gas cao ngất ngưỡng và hứa hẹn sẽ sớm khắc phục.
Có vẻ như Buterin đã chấp nhận rằng cộng đồng phần lớn đang theo đuổi việc kiếm lợi nhuận nhanh. Tuy nhiên, nếu phí gas không sớm điều chỉnh, cộng đồng sẽ chuyển sang các lựa chọn khác để theo đuổi những lợi ích đó. Nếu điều đó xảy ra, Buterin sẽ không thể thúc đẩy mạng lưới hướng tới tầm nhìn của mình vì sẽ không còn ai mặn mà với nó nữa.
“Khi mà phí vẫn ở mức cao như hiện tại, người ta chỉ có thể kiếm lời từ những công cụ phái sinh tài chính và cờ bạc thay vì những ứng dụng tốt hơn khác.”
Buterin cũng bình luận về cuộc xung đột Nga và Ukraine, đồng thời anh cũng chia sẻ về vai trò của tiền mã hóa trong vấn đề này. Xuất thân từ nền văn hoá Nga-Ukraine, Buterin cũng không ngồi yên được khi chính quê nhà đang “ngồi trên đống lửa”. Anh đã tài trợ hàng trăm nghìn USD giúp đỡ cho Ukraine.
Buterin thừa nhận tác động tích cực của cuộc chiến đối với tiền mã hóa, khi đã có hàng trăm triệu USD được cộng đồng tài trợ cho Ukraine.
“Trong ba tuần diễn ra cuộc chiến đã làm nhiều người ngộ ra rằng mục tiêu cuối cùng của tiền mã hóa không phải để chơi game với những chú khỉ trị giá hàng triệu đô, mà là để mang đến giá trị thực cho thế giới thực.”
Có vẻ như cuộc chiến đã ngầm định vị tiền mã hóa vào vị thế phù hợp với tầm nhìn của Buterin về tương lai của Ethereum. Các khoản quyên góp để viện trợ Ukraine có thể được huy động nhanh chóng và ít tốn kém từ khắp nơi trên thế giới. Một bối cảnh hoàn hảo về sự đoàn kết trên toàn thế giới và đó cũng chính là nguyện vọng của Buterin trong tương lai.
Giờ đây, các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) đang được chú ý!
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Buterin với DAO liên quan đến việc bỏ phiếu bằng tiền mã hoá, có nghĩa là những người sở hữu càng nhiều token quản trị thì lời nói của họ càng nặng ký. Và trong một số trường hợp, những người có túi tiền nặng nhất sẽ trở nên cực đoan. Một số nhà phát triển đã ví điều này giống như một “phiên bản mới của chế độ dân quyền”, khuyến khích các quỹ đầu tư đưa ra các quyết định tư lợi riêng.
Buterin nhấn mạnh thêm:
“Việc này trên thực tế đã trở thành một tiêu chuẩn ngầm, đó là một sự lạc hậu mà tôi cho rằng đang diễn ra trong vài năm qua.”
Ethereum hiện đang trong quá trình chuyển đổi mạng lưới của mình từ cơ chế đồng thuận Proof-of-Work như Bitcoin sang Proof-of-Stake hoàn toàn. Cùng với việc tăng cường khả năng mở rộng của mạng lưới, mọi người hy vọng rằng điều này sẽ giảm triệt để tác động của đồng tiền này đối với môi trường.
Ngày càng có nhiều sự phàn nàn từ người dùng vì không biết bao lâu thì mới hoàn thành xong quá trình quan trọng này và có vẻ như Buterin cũng đang sốt ruột không kém:
“Nếu chúng ta không có sharding sớm nhất có thể, thì người dùng sẽ bắt đầu chuyển dần sang dùng các giải pháp tập trung. Và nếu sau tất cả những gì chúng ta đã nỗ lực và thế giới vẫn vận hành tập trung, thì thật sự đây là một vấn đề lớn cần nghiêm túc nhìn nhận.”
Một số nhà phân tích cũng đã cảnh báo rằng Ethereum có nguy cơ bị mất thị phần vào tay các blockchain đối thủ trừ khi việc hợp nhất diễn ra sớm.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68