Trong tuần này, hai trong những ngân hàng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã có động thái rục rịch bước vào cuộc chơi crypto.
Trong khi chờ luật, nhiều ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đổ bộ vào crypto. Ảnh: PYMNTS
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình hoàn thiện bộ luật mới dành cho ngành crypto. Dù chưa rõ những hạn chế mà khung pháp lý mới có thể mang lại, nhiều thể chế tài chính trong nước vẫn đang đổ bộ vào lĩnh vực non trẻ này.
Ngày 11/12, chi nhánh đầu tư của ngân hàng Akbank đã công bố mua lại công ty crypto địa phương Stablex. Khi ấy, đại diện Ak Investment khẳng định hoài bão của họ là trở thành một tay chơi quan trọng trong không gian tài sản số.
Ngày 12/12, một ngân hàng hàng đầu khác là Garanti BBVA đã chính thức ra mắt ví crypto của riêng họ. Ứng dụng này còn cung cấp ví lạnh, cho phép người dùng gửi nhận các loại tài sản cơ bản như Bitcoin (BTC), USD Coin (USDC) và Ethereum (ETH).
Theo một khảo sát do Chainalysis thực hiện, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong top 20 quốc gia có chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu lớn nhất năm 2023. Đồng thời, đây cũng là quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị Ethereum Devconnect năm nay.
Mặc dù vậy, phía chính phủ lại không quá ủng hộ Bitcoin. Vào năm 2021, ngân hàng trung ương đã cấm sử dụng crypto trong thanh toán. Song, các nhà chức trách đã bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm đối với tiền mã hóa, cùng công bố một loạt các dự luật mới bao gồm quản lý crypto, ưu tiên nghiên cứu tiền mã hoá với metaverse và thử nghiệm CBDC, gần nhất là khung quy định truy thu thuế crypto thuộc khuôn khổ "Chương trình hành động thường niên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2024".
Tuy chưa có nhiều thông tin về khung pháp lý này, nhưng đây vẫn được xem là một phần trong chiến lược thoát khỏi danh sách "vùng xám" của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), dành cho các quốc gia cần khắc phục hàng rào chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68