Cộng đồng đầu tư NFT đang tranh luận với nhau về một vấn đề cốt lõi của chính khía cạnh này, đó là tiền bản quyền cho các tác giả, thứ mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên phí giao dịch.
Tranh cãi nổ ra gần đây khi SudoSwap, một giao thức AMM dành cho NFT bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý hơn khi nó giúp tạo ra một thị trường có tính thanh khoản cao dành cho loại tài sản vốn cực kì rủi ro này.
Khác với các sàn NFTs truyền thống khác như OpenSea, SudoSwap không trả phí bản quyền lại cho tác giả gốc (toàn bộ phí trong giao dịch sẽ được chuyển thẳng về quỹ của SudoSwap) và chính vì vậy, phí giao dịch trên nền tảng này cũng sẽ rẻ hơn so với các sàn NFT khác.
Mới đây nhất, một sàn giao dịch NFTs khác trên Ethereum là X2Y2 cũng đã ra thông báo sẽ triển khai tính năng cho phép người mua có toàn quyền quyết định trong việc trả phí bản quyền cho tác giả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người mua có thể lựa chọn rằng họ sẽ không trả thêm bất kì loại phí nào cho đội ngũ hoặc cá nhân tạo nên những tác phẩm này.
Trái với lầm tưởng của nhiều người, phí bản quyền NFT không phải là một “dòng lệnh” bắt buộc mà người dùng không thể “lơ đi”. Phí bản quyền chỉ được thực thi trên cơ sở của các hợp đồng thông minh (của các sàn NFT) mà trước hết phải có sự đồng ý (approval) của chủ sở hữu để chuyển nhượng NFT trong ví của họ.
Một số giải pháp đã được đề ra để giúp tác giả gốc của những sản phẩm gắn với NFT “phản kháng” với những hành vi “bất công” nhắm vào họ, ví dụ như đề xuất chặn hẳn một số sàn NFT và chỉ cấp quyền truy cập đối với một số sàn NFT nhất định; hoặc áp dụng một khoản phí cứng (“flat fee”) cho mỗi lần chuyển nhượng. Tuy vậy, người dùng luôn có những con đường vòng để vượt qua các chướng ngại về phí này, điển hình như:
– Gửi NFT và nhận lại tiền trong hai giao dịch khác nhau, tương tự như giao dịch OTC;
– Mua bán NFT với giá thấp trên sàn để giảm đi phí bản quyền (vì phí bản quyền thường được tính theo % giá trị giao dịch chứ không được cố định) và trả nốt phần tiền còn lại thông qua một giao dịch khác on-chain hoặc off-chain giữa hai ví;
– Sử dụng wrapped contracts: tương tự như cách làm thứ nhất, phức tạp hơn nhưng cũng hạn chế được phần nào rủi ro khi giao dịch OTC. Phiên bản “wrapped” sẽ được trỏ tới bộ sưu tập gốc, còn những tác phẩm gốc sẽ được chuyển tới một bên thứ ba nắm giữ (chuyển tokens từ ví này sang ví khác sẽ không bị tính phí bản quyền). Token wrapped sẽ được xem như một tờ giấy khế ước để chủ sở hữu có quyền sở hữu NFT bản gốc của họ sau khi đã thanh toán đầy đủ giá cả cho người chủ trước đó
Việc giảm đi phí bản quyền từ đó giảm đi phí giao dịch tất nhiên vô cùng có lợi cho người mua nhưng sẽ là một thiệt thòi rất lớn với các nghệ sĩ và các tác giả – những nhân tố đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc quảng bá thị trường NFT đến nhiều hơn với công chúng.
Tuy nhiên, một lập trình viên có tiếng trong cộng đồng tiền mã hóa & NFTs là @0xfoobar cũng đã đưa ra một vài quan điểm để ủng hộ cho việc xóa bỏ phí bản quyền trong một bài blog mới nhất trên Substack, đáng chú ý là nhận định rằng “Phí bản quyền sẽ gây chia rẽ về động cơ của tác giả và người mua”.
Cụ thể, anh nhận thấy rằng khi dự án muốn thu về phí bản quyền nhiều hơn, họ sẽ tìm cách tăng khối lượng giao dịch chứ không phải là vốn hóa của các tác phẩm NFT. Do đó, đây là động lực để họ tạo ra những đợt fomo và panic sell ngắn hạn nhằm đẩy khối lượng lên cao đột ngột và thu về nhiều phí giao dịch nhất có thể chứ không thực sự quan tâm đến chất lượng dự án.
0xfoobar đã đề xuất một giải pháp là sử dụng Thuế Harberger (Harberger Tax) mà trong đó, người dùng sẽ tự định giá tài sản của mình và trả một khoản phí tương ứng với mức giá đã đưa ra. Bất kì ai, trong bất kể khoảng thời gian nào, cũng có thể mua lại loại tài sản này. Khi áp dụng Thuế Harberger, tài sản sẽ luôn được “treo bán” (thay vì chỉ được phép nắm giữ). Phương pháp áp Thuế Harberger sẽ đảm bảo rằng tài nguyên được phân bổ tới đúng người – những cá nhân và tổ chức có đủ nguồn lực để khai thác dòng tiền từ loại tài sản này, thay vì bị nắm giữ và neo giá cao ngất ngưởng trong khi không tạo ra thêm được lợi ích thặng dư cho xã hội.
Đáp lại đề xuất này, @punk6529, founder của dự án Open Metaverse, đã lập luận rằng Thuế Harberger chỉ hoạt động hiệu quả trên lý thuyết và thực chất, nó sẽ càng làm tồi tệ hơn khoảng cách giàu – nghèo vì lúc này, người giàu sẽ có nhiều điều kiện về vốn để trả nhiều thuế hơn khi định giá tài sản của mình cao hơn nhưng những người có ít điều kiện về vốn sẽ gặp vấn đề về thanh khoản khi bị buộc phải trả một khoản thuế cao hơn dòng tiền họ thu được để rồi từ đó, họ buộc phải định giá tài sản của mình thấp đi và cuối cùng thì những loại tài sản này sẽ luôn bị mua lại bởi những con “cá voi” trên thị trường.
7/ Harberger taxes are regressive in other ways – they benefit the liquid (who can pay the tax and/or snipe assets) at the expense of the illiquid who happen to have an asset but might be in a tighter liquidity position.
— 6529 (@punk6529) August 27, 2022
Hơn nữa, @punk6529 cũng cho rằng áp dụng Thuế Harberger lên một loại tài sản như NFTs là một ý tưởng “kinh khủng” vì NFTs là một loại sản phẩm về văn hóa chứ không phải là một công cụ kiếm tiền như đất đai và do đó, áp dụng hình thức đánh thuế này sẽ chỉ làm cho NFTs bị thâu tóm bởi những cá nhân hay tổ chức giàu có, đi ngược lại với triết lý vì cộng đồng vốn có của những dự án NFTs.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68