Luật Công nghiệp Công nghệ số đã cung cấp định nghĩa về tài sản số cùng những công nghệ có vai trò quan trọng trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn,…
Tài sản số được đề cập trong Luật Công nghiệp công nghệ số
Vào đầu tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có nội dung về tài sản số. Luật sẽ được mang ra thảo luận trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 21/10 đến 30/11/2024.
Cụ thể, trong Điều 8 của dự thảo luật, “Tài sản số” được định nghĩa là “sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối , mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan”.
Luật sẽ dọn đường để tài sản số, trong đó có tiền số/tiền mã hóa, được pháp luật công nhận và bảo vệ với tư cách là tài sản theo quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và các pháp luật khác.
Luật cũng sẽ giao cho các bộ ngành chức năng ban hành khung pháp lý và quy định quản lý liên quan đến tài sản số phù hợp với điều kiện thực tế.
Định nghĩa về "Tài sản số" trong dự thỏa Luật Công nghiệp công nghệ số
Luật Công nghiệp công nghệ số quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số nhằm phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm và dịch vụ công nghệ số; nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Luật định nghĩa “công nghệ số” gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường để số hoá thế giới thực, thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý thông tin và dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực.
Chính phủ Việt Nam từ lâu đã nhận thấy sự phổ biến của tài sản số trong nước, đặc biệt là về khía cạnh đầu tư. Theo thống kê của Chainalysis, Việt Nam đã có 3 năm liên tiếp lọt vào top 5 quốc gia có mức độ tiếp nhận tiền số cao nhất thế giới, với dòng tài sản số chảy vào trong năm 2022 đạt 100 tỷ USD, năm 2023 đạt 120 tỷ USD và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2024.
Vào tháng 02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, trong đó cần có bộ khung giám sát tài sản ảo. Quyết định giao cho Bộ Tài chính Việt Nam “xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ”, với thời gian yêu cầu thực hiện chậm nhất là tháng 05/2025.
Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.
Nhiều chuyên gia kinh tế và pháp lý nhìn nhận hoạt động giao dịch, đầu tư về tài sản số, tiền số diễn ra mạnh mẽ thời gian qua nhưng Nhà nước lại chưa có luật điều chỉnh cần thiết, dẫn đến thất thu về thuế. Do vậy, Luật Công nghiệp công nghệ số và khung pháp lý liên quan do Bộ Tài chính xây dựng sẽ bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, một mặt thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để tiếp cận từng bước. Đại diện Bộ Tài chính sẽ cùng các Bộ, ngành thực hiện việc này, trong đó có hoàn thiện chính sách về thuế đối với tài sản số.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68