Tuần thứ 2 tháng 11, Coincuatui mời độc giả cùng xem một số sự kiện on-chain thú vị xoay quanh dòng tiền vào thị trường, lợi nhuận các top MEV Bot thu được, liệu NFT có thật sự đang quay trở lại và thị phần của Blur so với các marketplace khác.
Sự kiện on-chain nổi bật tuần qua (06/11 - 11/11)
Tuần này, thị trường tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ từ BTC và nhiều token khác. Volume giao dịch Spot từ dữ liệu của The Block cũng cho thấy xu hướng tăng dần, thoát khỏi vùng ảm đạm giai đoạn từ tháng 5 đến nửa cuối tháng 10.
Volume giao dịch Spot. Nguồn: The Block
Vậy dòng tiền có phải được phân bổ đều vào tất cả các chain hay không, chúng ta cùng xem qua một vài chỉ số cơ bản từ DefiLlama.
- Total value locked (TVL): Trong top 15 chain trên DefiLlama, nếu nhìn vào sự thay đổi trong 7 ngày có thể thấy nhà đầu tư đang mang tài sản của mình khoá vào top 3 chain là Cronos (tăng 18,6%), Solana (tăng 14,9%) và Arbitrum (tăng 11%).
TVL theo từng chain. Nguồn: DefiLlama
- Stablecoins Circulating: Đây cũng là một chỉ số cần lưu ý để biết xem liệu stablecoin đang đổ vào chain nào nhiều. Tương tự, nếu xét về sự thay đổi trong 7 ngày có thể thấy Arbitrum, Solana và Optimism là 3 chain đang có tỉ lệ tăng cao hơn so với các chain còn lại.
Stablecoins Circulating theo từng chain. Nguồn: DefiLlama
Như vậy, Cronos, Arbitrum, Solana và Optimism là 4 chain cần lưu ý cho nhà đâu tư trong thời điểm thị trường có dấu hiệu hồi phục.
Khi thị trường "xanh", tin tốt ra liên tục, đặc biệt thông tin về việc BlackRock xác nhận lập ETF Ethereum spot. Thông tin này đẩy volume giao dịch spot ETH lên gần 8 tỷ USD chỉ trong một ngày và giá ETH tăng hơn 12% và lập đỉnh 6 tháng.
Volume giao dịch Spot cho ETH tăng mạnh. Nguồn: Kaiko
Giá nhiều token tăng nói chung và ETH tăng nói riêng đẩy chi phí Gas tăng đáng kể nhất là vào ngày 9/11 khi giá Gas đạt mức 155.507 Gwei, ước tính một giao dịch tại thời điểm đó có thể tốn hơn 100 USD tiền fee.
Trung bình chi phí Gas theo Gwei. Nguồn: Etherscan
MEV Bot là một thuật ngữ không còn xa lạ với những người quan tâm đến mạng lưới Ethereum. Sự bùng nổ của các Bot giao dịch tiền mã hoá đã trở thành một cuộc chiến khốc liệt giữa các bên. Mỗi đội sẽ có “đội quân" Bot riêng, tranh giành với nhau trong mọi khối của các pool giao dịch trên Uniswap và nhất là pool dành cho các token mới ra mắt.
Theo thống kê từ Arkham Intelligence, top 3 MEV Bot có khối lượng ETH đạt được trong tuần qua gồm:
Maestro là bot phổ biến nhất. Vào ngày 25/10, đội ngũ Maestro đã hoàn trả 610 ETH từ doanh thu để bù đắp cho tất cả các thiệt hại của người dùng bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công vào hợp đồng thông minh ở Maestro Router 2, gây thiệt hại 280 ETH.
Tuần vừa qua, hợp đồng của Maestro đã xử lý lên đến 65 triệu USD ETH, trong đó token phổ biến nhất là GROK, được lấy cảm hứng từ Grok, một dịch vụ chatbot AI của ứng dụng mạng xã hội X.
Giao dịch liên quan GROK. Nguồn: Arkham Intelligence
Mặc dù Unibot vừa bị tấn công vào ngày 31/10, gây thiệt hại hơn 600.000 USD và giá token bị giảm hơn 30% nhưng người giao dịch UNIBOT vẫn ưa chuộng token này khi volume token đạt 1,1 triệu USD trong tổng số 13 triệu USD của Unibot ở pool UNIBOT/WETH trên Uniswap.
Trong đó, nhà đầu tư top đầu là địa chỉ 0x26E, người đã thực hiện volume hơn 400.000 USD thông qua Unibot với hơn 100 giao dịch.
Giao dịch ví 0x26E. Nguồn: Arkham Intelligence
Banana Gun cũng là lựa chọn hàng đầu cho các thợ săn các token mới ra mắt, khi router xử lý 53,7 triệu USD trong tuần qua. Pool giao dịch đáng chú ý của Banana Gun là AMO-WETH. Tổng cộng có 66 người dùng Banana Gun theo dõi pool này, và người thu đợi lợi nhuận cao nhất đạt được 158,8 ETH.
Giao dịch thu được 158.88 ETH. Nguồn: Arkham Intelligence
Ngoài ra, thời điểm thị trường đang cao trào cũng là cơ hội để các MEV Bot kiếm lợi. Vào ngày 10/11, theo PeckShield, một ví lớn thực hiện một giao dịch trên 1inch và gặp phải tỉ lệ trượt giá cao cho giao dịch của mình. Một MEV Bot 0x832 đã nhận thấy cơ hội và thu được 58,3 ETH (khoảng 123.000 USD).
Giao dịch thu lợi 58,3 ETH. Nguồn: Etherscan
Ngoài ra, phía Cyvers cũng thông báo về một MEV Bot 0x46d khác kiếm lời được hơn 2 triệu USD trong các giao dịch swap bị chênh lệch giá. Được biết hợp đồng thông minh dùng để tấn công của MEV Bot được tạo ra 43 phút trước khi tấn công giao dịch.
Giao dịch thu lợi 2 triệu USD. Nguồn: Etherscan
Khối lượng giao dịch NFT đang tăng mạnh, tháng 11 đang trên đà tăng trưởng, trở thành tháng thứ 2 trong năm nay chứng kiến giá trị của NFT tăng lên.
Volume giao dịch NFT tháng 11. Nguồn: CryptoSlam!
Theo dữ liệu từ DappRadar, khối lượng giao dịch NFT tháng 10 đã tăng 99 triệu USD so với tháng trước đó, ghi nhận tháng tăng đầu tiên trong năm 2023. Cụ thể, volume tháng 9 là 306 triệu USD, còn tháng 10 là 405 triệu USD, tăng 32%.
Volume và số lượng giao dịch NFT theo tháng. Nguồn: DappRadar
Chỉ số NFT Forkast 500 đo lường hiệu suất của thị trường NFT toàn cầu và bao gồm tài sản trên bất kỳ chain nào. Nhìn chung, biểu đồ cho thấy vốn mới đang đổ vào thị trường NFT.
Nếu nhà sưu tập đang bán NFT thì chỉ số sẽ giảm đi. Trong khi đó biểu đồ hiển thị số điểm tăng dần, điều này cho thấy dòng tiền đang đổ vào NFT.
Chỉ số ForKast 500 NFT. Nguồn: ForkastLabs
Dù chúng ta nhận thấy dòng tiền đang vào lại NFT nhưng không phải chain nào cũng có dấu hiệu tăng trưởng. Theo thống kê từ CryptoRank, Mythos và Solana là 2 blockchain trong tháng có mức tăng trưởng về volume giao dịch NFT. Trong khi đó, Ethereum lại sụt giảm 20% volume giao dịch so với tháng 9. Dù vậy Ethereum vẫn là "ông vua" trong mảng NFT.
Volume giao dịch NFT theo chain. Nguồn: Cryptorank
Phân tích sâu hơn vào volume từng marketplace, có thể thấy Blur đang chiếm phần lớn miếng bánh thị trường. Khi volume giao dịch NFT quay trở lại thì dấu hiệu nhận thấy rõ nhất được thể hiện thông qua volume giao dịch trên Blur.
Volume giao dịch hàng ngày theo marketplace. Nguồn: Hildobby trên Dune Analytics
Nói sâu hơn về marketplace, trước giờ chúng ta đều thấy sự thống trị của OpenSea trên thị trường giao dịch NFT. Tuy nhiên kể từ sau khi Blur xuất hiện, OpenSea lại lép vế hơn.
Thực tế, OpenSea đã phải trải qua sự suy giảm định giá đột ngột từ 13,3 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 1,4 tỷ USD khi Coatue Management, một công ty quản lý đầu tư tập trung vào công nghệ, đã cắt giảm đáng kể giá trị cổ phần trong OpenSea, gần như 90%. Không chỉ vậy trong quý 2 năm 2023, Coatue đã thu hẹp cổ phần từ 120 triệu USD xuống còn 13 triệu USD.
Khối lượng giao dịch trên OpenSea đã giảm đáng kể từ nửa sau năm 2022 và không có sự cải thiện cho đến thời điểm hiện tại.
Volume giao dịch hàng tuần theo marketplace. Nguồn: Hildobby trên Dune Analytics
Hiện tại, đối thủ của OpenSea là Blur, đã trả thành thị trường NFT đứng đầu, với thị phần volume và lượng giao dịch vượt xa OpenSea.
Thị phần volume,, lượng giao dịch và người giao dịch. Nguồn: Hildobby trên Dune Analytics
Việc Blur chiếm lĩnh thị trường nhờ vào tác động tích cực của việc phát hành token và airdrop cho người dùng thay vì chỉ dựa vào khối lượng có thể dẫn đến các trường hợp washtrading như LooksRare và X2Y2 vào năm 2022, còn OpenSea lại không có token.
Hơn nữa thanh khoản trên Blur luôn được đảm bảo và Blur cung cấp thêm công cụ Bidding Pool giúp các cá voi dễ dàng rút thanh khoản mà không bị trượt giá. Ngược lại, OpenSea không ưu ái người sáng tạo như trước khi họ chuyển chế độ phí của người sáng tạo từ bắt buộc sang tùy chọn.
Dự kiến xu hướng thị trường sẽ tiếp tục ít nhất trong vòng 13 ngày tiếp cho đến sự kiện airdrop Season 2 diễn ra vào ngày 20/11.
Tính đến ngày 10/11, FTX và Alameda Research đã gửi khoảng 414 triệu USD giá trị 42 token đến các sàn giao dịch.
Hiện tại trong ví lạnh Cold Storage 2, FTX chỉ giữ 253,386 SOL (11,6 triệu USD) sẵn sàn để giao dịch. Theo CoinGecko, FTX còn giữ 42,2 triệu SOL (1,81 tỷ USD) bị khóa. Lượng SOL này sẽ bắt đầu được mở khóa vào năm sau và khả năng sẽ tiếp tục bị đóng băng đến năm 2027 hoặc 2028.
Thống kê token đã thanh lý của FTX. Nguồn: SpotOnChain
Tuần rồi cũng chứng kiến hai vụ tấn công crypto, gồm Poloniex (thiệt hại ~125 triệu USD) và Raft (~3,3 triệu USD), với nhiều thông tin on-chain cũng đáng chú ý.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68