Nếu là một trong những thành viên hoạt động tích cực trong các cộng đồng, ắt hẳn bạn sẽ không còn xa lạ với Snapshot - một trong những nền tảng bỏ phiếu công bằng và không mất phí. Hiện Snapshot đang được các dự án lớn cũng như nhiều tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) ưa chuộng. Vậy từ đâu và những tính năng nào đã khiến Snapshot được ưa chuộng? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Snapshot là gì? Vai trò của Snapshot trong thị trường tiền mã hoá
Snapshot có thể được hiểu là một nền tảng được tạo ra để các dự án hiểu được người dùng đang mong muốn những gì từ phía dự án thông qua việc bỏ phiếu. Với tính năng voting đầy công bằng, các cộng đồng NFT, DAOs,... vô cùng ưa chuộng việc sử dụng Snapshot.
Việc cung cấp khả năng tự tạo ra Space của riêng mình đã giúp Snapshot trở thành ưu tiên hàng đầu của cả dự án và người dùng. Bởi điều này không những giúp người dùng có thể thể hiện ý kiến của mình nhiều hơn mà còn giúp họ tham gia vào quá trình quản trị dự án một cách hiệu quả. Và kết quả của việc tin dùng đó chính là việc đã có hơn 14.000 Space được tạo mới trên nền tảng này.
Để quá trình bỏ phiếu của Snapshot được diễn ra suôn sẻ thì ba yếu tố chính sau cần phải hội đủ: Space, Vote, Proposal. Để một Proposal và một Vote có ý nghĩa thì chúng cần được liên kết với một Space cụ thể. Và để sở hữu được một Space, người dùng phải liên kết với một tên miền ENS (Ethereum Name Service) cụ thể. Bên cạnh đó, Snapshot còn có hai sản phẩm khác đó chính là Plugin và Voting Strategies, đây là hai sản phẩm dành riêng cho các dự án.
Người dùng có thể tạo ra các đề xuất và tham gia vào quá trình bỏ phiếu sau khi đã tạo Space. Người dùng có toàn quyền đặt ra các quy tắc cho việc tạo đề xuất và bỏ phiếu bằng cách thiết lập các chiến lược bỏ phiếu và xác thực. Ví dụ, chỉ những người dùng nắm giữ ít nhất 10.000 token cụ thể mới có thể tạo ra đề xuất mới và quyền bỏ phiếu của người dùng sẽ tỷ lệ thuận với số dư của token cụ thể trong ví của họ.
Khi một Space được tạo ra, nó có thể được xem là một tài khoản đại diện một tổ chức. Và tất cả đề xuất được tạo ra đều có thể được xem là một nguồn thông tin đối với người dùng.
Hơn nữa, Space còn cho phép tổ chức quản lý vai trò của các thành viên và tùy chỉnh cài đặt đề xuất và bỏ phiếu theo ý muốn.
Như đã đề cập ở trên, để tạo được một Space hoàn chỉnh thì người dùng/tổ chức cần có tên miền ENS để đăng ký, tên, mô tả cũng như lĩnh vực mà người dùng/tổ chức đang hoạt động. Đây được xem là các bước quan trọng nhằm giúp công chúng nhận diện được dự án mà mình muốn bỏ phiếu.
Đối với các dự án, việc nắm rõ được chân dung khách hàng là điều tối quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề doanh thu và lợi nhuận từ các sản phẩm. Vì thế, Proposal là một phát kiến giúp đỡ rất nhiều cho các dự án trong việc kết nối với người dùng. Cụ thể, khi một đề xuất được dự án đưa ra, người dùng hoàn toàn có thể tham gia bỏ phiếu cũng như thể hiện ý kiến của mình trong việc phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào người đưa đề xuất, người dùng cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để đủ quyền tham gia Vote. Một ví dụ cụ thể đó là Stargate DAO, để đưa ra ý kiến của mình, người dùng cần sở hữu một lượng veSTG nhất định nhằm đủ quyền tham gia bỏ phiếu.
Sau khi người dùng đáp ứng đủ các điều kiện mà dự án yêu cầu, dựa theo hình thức mà dự án đã chọn, người dùng hoàn toàn có thể tham gia bỏ phiếu cho từng Proposal. Cụ thể, đối với dự án, họ có thể lựa chọn một trong 6 hình thức sau:
Single choice voting: Mỗi người dùng chỉ có thể chọn một lựa chọn duy nhất. Kết quả sẽ phản ánh những phiếu bầu này dưới dạng phần trăm của tổng số phiếu của tất cả các người tham gia trên lựa chọn cụ thể.
Weighted voting: Mỗi người dùng sẽ có sức bỏ phiếu là 100% và hoàn toàn có thể phân bổ số lượng này cho bất kỳ số lượng lựa chọn nào, tối thiểu là một lựa chọn và tối đa là tất cả.
Approval voting: Mỗi người dùng có thể chọn bất kỳ lựa chọn nào không giới hạn số lượng, tức là nếu người dùng chọn hai lựa chọn, mỗi lựa chọn sẽ nhận được tổng sức bỏ phiếu của người dùng.
Quadratic voting: Mỗi người dùng sẽ có sức bỏ phiếu là 100% và có thể bỏ phiếu vào bất kỳ lựa chọn nào (tối thiểu là 1). Kết quả được tính bằng phương pháp bình phương.
Ranked choice voting: Mỗi người dùng phải xếp hạng tất cả các lựa chọn theo thứ tự mong muốn.
Basic vote: Mỗi người dùng có thể chọn một trong ba lựa chọn: Ủng hộ (For), Phản đối (Against), Hoãn (Abstain).
Plugin là một tiện ích mở rộng giúp bổ sung các chức năng cho Snapshot mà không thay đổi cốt lõi của logic Snapshot. Plugins cung cấp nhiều chức năng, từ việc thưởng cho người dùng một NFT khi họ bỏ phiếu, thêm phần bình luận cho người bỏ phiếu để giải thích lựa chọn của họ, cho đến việc cho phép thực hiện giao dịch Gnosis Safe trên chuỗi.
Voting Strategies có thể hiểu là một một tập hợp các hàm lệnh Javascript được sử dụng để tính toán quyền biểu quyết của người dùng. Điều này cho phép Snapshot tính toán kết quả cuối cùng của quá trình bỏ phiếu cho một đề xuất. Dự án có thể chọn 1 trong 8 chiến lược có sẵn tùy theo nhu cầu thực tế.
Validation strategy là một hàm JavaScript trả về giá trị Boolean (chỉ chấp nhận một trong hai giá trị là True hoặc False) cho tài khoản được kết nối. Mục đích mà Snapshot sử dụng Validation strategy là để quyết định xem một tài khoản có thể vote hay tạo một proposal trong một space cụ thể hay không. Mỗi space đều có thể sử dụng một Validation strategy cho tất cả các proposal, việc này nhằm mục đích chống lại việc gian lận số phiếu.
Điểm khác biệt giữa Voting strategy và Validation strategy đó chính là việc Voting strategy sử dụng tài sản để tính toán quyền bỏ phiếu thì Validation strategy lại dùng hàm để xác thực quyền bỏ phiếu của một tài khoản cụ thể. Nhờ việc này mà các dự án không những tránh được các Sybil Attack mà còn xem xét số POAP mà một tài khoản sở hữu hoặc theo dõi hoạt động của tài khoản để đánh giá xem tài khoản đó có phải là bot hay con người.
Hiện tại dự án vẫn chưa thông báo việc ra mắt token nào của dự án, Coincuatui sẽ cập nhật thông tin này ngay khi có thể.
Đội ngũ đứng sau sự thành công của Snapshot vẫn đang là một ẩn số, tất cả thông tin có được hiện tại là Founder của dự án đang sử dụng Twitter tên Less và ảnh đại diện là một NFT.
Trên trang web của dự án hiện vẫn chưa có thông báo về lộ trình của phát triển cụ thể của Snapshot. Tuy nhiên, theo Similar Ranking (trang web cung cấp về lưu lượng truy cập của trang web) thì lượng truy cập vào Snapshot đã tăng chỉ trong quý 1 năm 2023.
Thông qua bài viết trên, hy vọng Coincuatui đã mang đến cho người dùng một cái nhìn tổng quát hơn về Snapshot, cũng như các tính năng mà nó mang lại cho người dùng. Hiện nay, Snapshot đang được rất nhiều dự án cũng như người dùng sử dụng, tiêu biểu chúng ta có thể kể đến như: Stargate, Optimism,…Đây có thể gọi là một bước tiến giúp rút ngắn khoảng cách giữa người dùng và dự án, từ đó, người dùng có thể hiểu được mục tiêu của dự án và ngược lại, dự án cũng có thể hiểu được người dùng đang cần và muốn gì.
Lưu ý: Coincuatui không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn. Chúc các bạn thành công và kiếm được thật nhiều lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này.
Nguồn: Coin68