Sẽ thật khó hiểu nếu nói một vị tỷ phú như Ray Dalio lại có quan hệ mật thiết với sự hình thành của món McNuggets. Thế nhưng, nếu không có sự tác động của Ray thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể thưởng thức món ăn đậm đà, giòn tan này. Vậy Ray đã làm gì để món ăn này được đưa vào thực đơn của McDonald's? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu về tiểu sử cũng như những thành công để đời của ông.
Ray Dalio là ai? Tiểu sử về “cha đẻ” món McNuggets của McDonald's
Raymond Dalio sinh năm 1949 tại Queens (New York, Mỹ). Gia đình của ông là một trong những gia đình kiểu mẫu của xã hội Mỹ vào thời điểm đó. Cha ông là một nghệ sĩ saxophone tại các câu lạc bộ nhạc jazz vào thời điểm đó, mẹ ông là một bà nội trợ chân chất, hiền lành và đảm đang. Tuổi thơ của Dalio tuy không giàu có nhưng cha mẹ ông vẫn chu cấp cho Ray một cuộc sống khá đầy đủ.
Tuy vậy, “yên phận” chưa bao giờ là lối sống mà Ray Dalio theo đuổi, ngay từ nhỏ, ông đã cân qua những công việc bán thời gian mà độ tuổi ông có thể đảm đương. Bằng công việc giao báo cho những gia đình trong khu phố. Tuy nhiên, khác với các đứa trẻ khác luôn sử dụng tiền vào những món đồ chơi và các que kem vô nghĩa, Ray tích cóp số tiền đó và chờ đợi thời cơ. Khi số tiền này đạt đến 300 USD, Ray lập tức mua lại cổ phiếu của Northeast Airlines, năm đó cậu bé Ray Dalio chỉ mới 12 tuổi, do đó, ông phải mua số cổ phần này dưới danh tính của cha ông.
Chân dung Ray Dalio
Lần này, vận may đã mỉm cười với Ray Dalio, năm 1968, vì những kết quả kinh doanh yếu kém, hãng hàng không này đã phải bán mình cho đối thủ là Delta Air Lines. Và người được lợi nhất từ thương vụ M&A này đó chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Số vốn 300 USD ban đầu của Ray giờ đây đã tăng lên 1.500 USD. Sau đó, cảm thấy công việc giao báo không mang lại gì cho bản thân ngoài tiền, Ray đã quyết định xin làm giúp việc tại câu lạc golf gần đó. Tại đây, Ray đã học hỏi được rất nhiều thứ về cổ phiếu, chứng khoán và hơn thế nữa là về cách vận hành của đồng tiền.
Nhờ những thành tích học tập cũng như những cố gắng, Ray đã được nhận vào học tại Long Island và sau đó là Harvard, nơi tập trung con cái của các chính trị gia, quan chức và tỷ phú nhiều nhất thế giới. Và thế, trong khi các cô cậu sinh viên khác đi làm thêm tại các quán ăn hay tạp hoá, cậu sinh viên Ray lại kiếm tiền tiêu vặt bằng việc quản lý tài sản cho những sinh viên khác.
Năm 1973, sau khi bước ra khỏi Harvard với tấm bằng MBA, Ray Dalio thành lập công ty môi giới chứng khoán Bridgewater Associates 2 năm sau đó. Trong giai đoạn này, tình hình chính trị của Mexico cũng như các nước Mỹ Latinh bất ổn và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngay khi ngửi thấy mùi tiền từ việc này, Ray đã quyết định tham gia vào “canh bạc” lớn nhất lịch sử. Nhận thấy, trong tình cảnh bất ổn của chính phủ Mexico, trái phiếu nước này sẽ nhiều và giá sẽ rẻ. Ray đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư mua vào trái phiếu chính phủ Mexico. Bởi lẽ, nếu Mexico vỡ nợ thì ngay khi được vực dậy, các trái chủ sẽ là người được hưởng lợi ưu tiên chi trả các khoản lãi. Và Ray Dalio đã đúng, năm 1982 Bộ trưởng Tài chính Mexico Jesus Silva Herzog tuyên bố rằng nước này không còn đủ khả năng chi trả cho các khoản vay của họ. Và Ray cùng các nhà đầu tư đã giữ trong tay lượng trái phiếu có giá rẻ và sẽ nhận được khoản lợi nhuận lớn trong tương lai.
Trụ sở Bridgewater Associates
Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc tàn, trong canh bạc của Ray, cuộc vui cũng tàn nhanh như lúc nó được bắt đầu. Sau tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mexico, lo ngại việc đất nước này ngã ngựa sẽ kéo theo các quốc gia Mỹ Latinh khác, những “con nợ" tiềm năng của Mỹ, vì vậy FED, IMF và các ngân hàng lớn của Mỹ đã làm điều mà Ray Dalio không ngờ đến được. Cụ thể, những thực thể tài chính này đã liên minh với nhau giải cứu Mexico với những chính sách giảm lãi suất, mở cửa kinh tế, các gói vay ưu đãi và các gói cứu trợ không hoàn trả. Kết quả, kinh tế và sức khỏe tài chính của Mexico hồi phục thần tốc, khoản lãi từ trái phiếu mà Ray tiên lượng đúng trước đó đã bỗng chốc “bốc hơi". Vì thế Ray buộc phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư và Bridgewater Associates đã phải bán toàn bộ tài sản để làm tròn nghĩa vụ trả lương với nhân viên.
Sau sự thất bại của “canh bạc” trên, Ray cùng Bridgewater Associates đã có một khoảng thời gian lao đao và phải gõ của từng công ty một để bán gói nghiên cứu thị trường phù hợp với những công ty đó. Sau đó, để vực dậy công ty, Ray đã tiến vào lĩnh vực quản lý quỹ phòng hộ và tư vấn cho doanh nghiệp. Từ đây, thương vụ nổi tiếng mang tên McNuggets của Ray và McDonald's ra đời.
Một trong những khách hàng đầu tiên của Ray trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp đó chính mà McDonald's. Vị đại gia gà rán này đã mang đến một bài toán được cho là khá khó giải vào thời điểm đó. Cụ thể, McDonald's muốn triển khai một món ăn mới mang tên McNuggets, trong đó, những miếng gà nhỏ, vừa miệng và giòn tan sẽ chiếm được sự yêu thích của khách hàng. Hơn thế nữa, mức giá rẻ của món ăn này được kỳ vọng sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh thị phần với Kentucky Fried Chicken.
Nhưng bài toán ở đây đó chính là giá của gà thành phẩm không đắt nhưng cũng không ổn định, do đó, nếu McDonald's áp một mức giá cụ thể cho McNuggets, họ sẽ chịu rủi ro lớn nếu giá gà tăng đột biến. Bên cạnh đó, chính sự to lớn của McDonald's cũng là một rào cản cho chiến lược giá này vì mỗi một lần nhập sản phẩm của ông lớn này có trị giá lên đến vài tỷ đô và áp lực bán hàng cũng vô cùng lớn.
Thoạt đầu, chiến lược được McDonald's mang đến cho Ray đó chính là họ định sẽ dùng phương pháp Hedge giá của gia cầm để phòng hờ trường hợp nếu giá gà lên cao, McDonald's cũng sẽ kiếm được lợi nhuận từ vị thế Mua để bù vào vị thế Bán sẵn có của họ. Khoản lỗ cố định từ việc bán McNuggets sẽ được thu hồi sau khi giá gà giảm và McDonald's nhận được lợi nhuận. Tuy nhiên, vấn đề của chiến lược này đó chính là việc không một thị trường nào mở cửa cho việc Hedge giá gà. Và câu trả lời của Ray tuy đơn giản nhưng lại vô cùng thông minh.
Khi đến tay của Ray, ông đã định nghĩa lại giá một con gà được thể hiện như sau:
Giá gà thành phẩm= giá gà (không đổi) + chi phí thức ăn (thay đổi theo thời giá) + chi phí chăn nuôi (không đổi)
Vậy theo công thức trên, thứ duy nhất ảnh hưởng mạnh đến giá gà sẽ là chi phí thức ăn, vì thế thay vì Hedge giá gà (thứ không có thị trường) Ray đã đề nghị McDonald's hãy Hedge giá của những loại thực phẩm dùng làm thức ăn của gà. Từ đề nghị đó, McDonald's đã làm việc với nhà cung cấp hãy Hedge giá của những thực phẩm mà họ cho gà ăn để giảm sự chênh lệch giá cost của gà. Và như thế, McDonald's đã giải được bài toán “trượt giá” lớn của mình.
Đối với Ray Dalio, nếu nói chung về thị trường crypto, bản thân ông nhận định nó rất có tiềm năng trong việc lưu trữ cũng như những khía cạnh khác liên quan đến kỹ thuật. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể về Bitcoin, ông thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ về đồng tiền mã hoá này. Cụ thể, Dalio cho rằng Bitcoin có biên độ dao động giá quá cao và sẽ không thể thực hiện những điều mà nó được tạo ra để làm. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng vốn hoá của BTC còn quá thấp và nếu được cân nhắc để sử dụng trong thanh toán toàn cầu, đây sẽ là rào cản lớn nhất. Vì bởi lẽ, vốn hóa thấp đồng nghĩa với việc dễ dàng bị làm giá bởi các quỹ lớn.
"#Bitcoin has no relation to anything. It's a tiny thing that gets disproportionate attention," says @RayDalio on #crypto. "The value of $BTC is less than 1/3 of $MSFT stock. It's not an effective store of wealth. But we are in a world where money as we know it is in jeopardy." pic.twitter.com/Cc7o2TwkxG
— Squawk Box (@SquawkCNBC) February 2, 2023
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Ray không đầu tư vào BTC hay ETH. Trong quá khứ, ông dè chừng với BTC bởi lẽ ông nghĩ đó là bong bóng nhưng sau một khoảng thời gian quan sát, ông cũng đã thay đổi suy nghĩ của mình. Trong một buổi phỏng vấn với Yahoo Finance, Ray chia sẻ rằng chính ông cũng đã mua một ít BTC và ETH để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
“Tôi sẽ không cung cấp số lượng chính xác Bitcoin và Ethereum tôi đang đầu tư, bởi vì tôi không sở hữu quá nhiều.”
Bên trên là những thông tin thú vị về Ray Dalio, người từng thua lỗ vì tin vào chính mình và cũng vì tin vào bản thân mà làm nên sự nghiệp đáng nể. Nếu không có những phân tích đầy sâu sắc và mang tính chiến lược của ông thì có lẽ chúng ta đã không thể thưởng thức món McNuggets trứ danh của ông lớn McDonald's.
Nguồn: Coin68