Là một trong các hệ sinh thái lớn mạnh nhất thị trường hiện tại, được chống lưng bởi sàn giao dịch top 1, BNB Chain (tên cũ là Binance Smart Chain) luôn được nhiều nhà đầu tư và người dùng tin tưởng. Trước những khó khăn của năm 2022, BNB Chain liệu còn còn duy trì được sự phát triển của mình? Anh em cùng mình tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Nhìn lại BNB Chain của năm 2022: Tận dụng lợi thế để vượt qua khó khăn
Binance Smart Chain là hệ sinh thái được xây dựng bởi Binance – sàn giao dịch hiện vẫn đang có vị trí top 1 trong thị trường crypto. Mặc dù phát triển muộn hơn so với một số hệ sinh thái khác, tuy nhiên kể từ khi ra mắt, Binance Smart Chain đã nhanh chóng thu hút dòng tiền, các dự án và người dùng đến với hệ sinh thái của mình, vươn lên mạnh mẽ trở thành hệ sinh thái top 2, chỉ sau Ethereum.
Tháng 02/2022, BNB Chain là tên gọi mới của Binance Smart Chain và Binance Chain, hai nền tảng blockchain được sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Binance cho ra mắt vào các năm 2019 và 2020. Quyết định đổi tên trên, theo lý giải của đội ngũ đứng sau BNB Chain, là nhằm khẳng định họ không còn gắn liền với sàn Binance nữa, cũng như thể hiện mối liên hệ với token BNB và đưa đồng tiền này trở thành công cụ luân chuyển giá trị chính trong mạng lưới.
Tính từ thời điểm đạt ATH vào cuối năm 2021, TVL trên BNB Chain đã giảm khoảng 80,98% (từ 21,56 tỷ USD hiện chỉ còn gần 4,1 tỷ USD). Nếu như lấy mốc từ đầu năm 2022, con số này là 66% (giảm từ 12,08 tỷ USD hiện chỉ còn 4,1 tỷ USD). Nếu anh em có đọc bài viết Nhìn lại Ethereum năm 2022, anh em sẽ thấy mức sụt giảm TVL của BNB Chain và Ethereum khá tương đương nhau và giảm ít hơn so với các hệ sinh thái khác như Avalanche, Near hay Polygon.
Trong năm 2022, BNB Chain đã làm tốt câu chuyện giữ chân người dùng khi lượng ví hoạt động mỗi ngày (active wallet) luôn duy trì ổn định ở mức trung bình khoảng 800.000 ví/ngày, con số này còn tốt hơn cả Ethereum.
Nếu chúng ta “zoom out” một chút, biểu đồ Daily Active Address trên Binance Smart Chain sẽ như thế này:
Biểu đồ thể hiện số lượng ví hoạt động mỗi ngày trên BNB Chain – Nguồn: bscscan.com (18/12/2022)
Anh em có thể thấy khác với những hệ sinh thái mà mình đã phân tích như Near hay Avalanche, số lượng ví hoạt động trên BNB Chain vẫn giữ được một xu hướng tăng khá tốt trong dài hạn.
Biểu đồ số lượng transaction mỗi ngày của BNB Chain – Nguồn: bscscan.com (19/12/2022)
Tuy duy trì được số lượng active wallet tốt nhưng số lượng transaction thực hiện mỗi ngày trên BNB Chain vẫn chịu áp lực giảm khá nhiều khi ghi nhận mức giảm từ 7,5 triệu giao dịch mỗi ngày hiện chỉ còn khoảng 2,7 triệu giao dịch mỗi ngày (tương đương mức giảm khoảng 64%). Việc sụt giảm này cũng không khó hiểu khi mà hầu như tất cả các ngách của thị trường như Defi, Gamefi, NFT hay kể cả các IDO đều đang gặp nhiều khó khăn và hầu như rất khó để tạo ra lợi nhuận => người dùng không còn mặn mà tham gia.
PancakeSwap hiện tại vẫn đang là DEX số một trên BNB Chain với TVL và Volume giao dịch vượt trội.
TVL trên PancakeSwap – Nguồn: DefiLlama (26 /12/2022)
TVL hiện tại trên PancakeSwap đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Nếu so với thời điểm đầu năm 2022 (5,58 tỷ USD), TVL của PancakeSwap hiện đã sụt giảm khoảng 60%. Mức giảm này tương đương với UniSwap (khoảng 58%) và vượt trội hơn so với các native-dex khác như TraderJoe hay Ref Finance.
Hiện tại, TVL trên Pancake vẫn chủ yếu tập trung ở BNB Chain. Sàn DEX này đang triển khai multi-chain trên Aptos và Ethereum nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả. Volume giao dịch trên Pancake đã giảm mạnh kể từ thời điểm đầu năm 2022, hiện duy trì khoảng hơn 100 triệu USD / ngày.\
Volume giao dịch theo ngày trên PancakeSwap – Nguồn: Pancake (26/12/2022)
Để có cái nhìn sâu hơn về PancakeSwap, anh em có thể tìm đọc bài viết PancakeSwap và nỗ lực giữ chân người dùng.
Venus hiện vẫn là dự án có TVL vượt trội trong mảng Lending trên BNB Chain với hơn 1 tỷ USD, trong đó số tiền được sử dụng cho vay khoảng 432,5 triệu USD, chiếm ~43% tổng TVL.
Các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn trên Venus Protocol – Nguồn: Venus (26/12/2022)
Các loại tài sản được vay nhiều trên Venus gồm USDT, USDC, BUSD, BNB… Hiện tại, mức APY khi cung cấp tài sản cho vay trên Venus rơi vào khoảng từ 2% – 5%.
Xét về hiệu quả sử dụng vốn, Venus Protocol đang làm khá tốt với hiệu suất khoảng 43%. Các giao thức lending hàng đầu khác như MakerDAO hay AAVE cũng chỉ nhỉnh hơn chút với hiệu suất 52% và 50%.
Ankr đang là giải pháp staking top 1 trên BSC với TVL khoảng 73 triệu USD. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so với tổng giá trị BNB đang được staking.
Số liệu validators và BNB staking trên BSC – Nguồn: BNB Chain (25/12/2022)
Theo số liệu trên BNB Chain, tổng giá trị BNB đang được staking tại thời điểm viết bài đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Như vậy, lượng BNB staking thông qua giải pháp của Ankr chỉ chiếm 0,0013%. Đây là con số rất rất nhỏ. Điều này cho thấy các giải pháp liquid staking trên BNB Chain vẫn không thực sự được tin tưởng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhắc đến yếu tố “tập trung” của BNB – 1 đồng coin bị chi phối khá nhiều bởi CZ và sàn Binance.
Với ưu thế chi phí giao dịch rẻ, tốc độ xử lý giao dịch nhanh và lượng users đông đảo, GameFi luôn là một trong những mảng phát triển mạnh nhất của BNB Chain.
Số liệu về Total Users, New Users và Active Users trên các GameFi trên các hệ sinh thái – Nguồn: footprint.network (26/12/2022)
Anh em có thể thấy BNB Chain hoàn toàn chiếm ưu thế tuyệt đối về tổng số user và active users so với các hệ sinh thái khác.
Một số tựa game được người dùng yêu thích trên BNB Chain
Mặc dù GameFi đã không còn là xu hướng, tuy nhiên nhờ những lợi thế của mình, BNB Chain vẫn duy trì được một lượng người dùng ổn định, thu hút thêm các dự án mới đến với hệ sinh thái của mình.
Top 10 game có lượng người dùng cao nhất 7 ngày qua – Nguồn: BNBChain (26/12/2022)
Khác với Ethereum, NFT trên BNB Chain chủ yếu phát triển dựa vào GameFi (các game có trao đổi, mua, bán vật phẩm, nhân vật) chứ không phải dựa trên nền tảng các bộ sưu tập nổi tiếng. Vì vậy, trong năm 2022, khi GameFi gặp nhiều khó khăn, các vật phẩm giảm giá mạnh, NFT trên BNB Chain cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Anh em có thể theo dõi top volume giao dịch trong 30 ngày của các NFT Marketplace ở dưới:
Dữ liệu volume giao dịch trên các top NFT Marketplace – Nguồn: footprint (26/12/2022)
Anh em có thể thấy top đầu thuộc về OpenSea, LooksRare hay x2y2, đều là những marketplace trên Ethereum, top 4 là Magic Eden – một nền tảng marketplace trên Polygon. BNB Chain chỉ có Marketplace Element lọt top nhưng volume cũng không quá đáng kể.
Top 10 NFT marketplaces trên BNB Chain – Nguồn: BNBChain (26/12/2022)
Hiện tại, tổng vốn hoá stablecoin trên BSC đạt 9,26 tỷ USD, trong đó BUSD chiếm hơn 51%.
Tổng quan về stablecoin trên BNB Chain – Nguồn: DeFiLlama (26/12/2022)
Nếu anh em để ý kĩ sẽ thấy có những đợt rút mạnh stablecoin trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân chính của việc này đến từ lo ngại của người dùng trước những fud mà CZ và Binance phải gánh chịu trong thời gian qua. Hiện tại, tình hình đã ổn định và dòng tiền đã ngưng rút khỏi BNB Chain.
Mặc dù năm 2022 khá ảm đạm, tuy vậy, đội ngũ BNB Chain vẫn tiếp tục duy trì việc xây dựng hệ sinh thái với những cập nhật đáng chú ý:
Bên cạnh những tin tức tích cực, trong năm 2022, BNB Chain cũng trở thành nạn nhân của hacker với sự cố bị tấn công thiệt hại 586 triệu USD: vào ngày 06/10, BNB Chain đã trở thành cái tên mới nhất bị hacker tấn công, lấy đi số tiền lên đến 586 triệu USD. BNB Chain sau đó đã phải tiến hành hard fork để khắc phục sự cố và vá lỗi bảo mật. Ngoài ra, như mình đã nhắc đến ở trên, các fud liên quan đến sàn Binance cũng gây ảnh hưởng khá nhiều đến BNB Chain.
Từ những phân tích nói trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:
(1) BNB Chain chưa có quá nhiều cập nhật lớn, tuy vậy nhờ những ưu điểm sẵn có (tốc độ xử lý giao dịch nhanh, chi phí rẻ, cộng đồng đông đảo) đã giúp hệ sinh thái này tiếp tục có performance tốt hơn các hệ sinh thái non trẻ khác và giữ được vị trí top 2.
(2) Các dự án native project như PancakeSwap, Venus… vẫn đang hoạt động tương đối ổn định và có performance tốt hơn những đối thủ tại các hệ sinh thái khác. Một điểm trừ nho nhỏ là các dự án còn lại trên BNB Chain đang mất dần khả năng cạnh tranh với các dự án trên, khiến người dùng có ít lựa chọn hơn. Mảng liquid staking khá ít tiềm năng trên BNB Chain.
(3) GameFi vẫn là thế mạnh so với các hệ sinh thái khác, đặc biệt là so với đối thủ trực tiếp của BNB Chain là Ethereum. Tuy vậy, NFT trên BNB Chain lại chưa thực sự có giá trị so với các bộ sưu tập trên Ethereum.
(4) Việc công bố sidechain và giải pháp oracle riêng cho thấy mục tiêu trở phát triển hệ sinh thái độc lập của BNB Chain cũng như tham vọng mở rộng phát triển trong tương lai dài (với sidechain, BNB Chain đã cho thấy họ sẵn sàng đón thêm nhiều hơn nữa người dùng, dòng tiền và các giao dịch).
(5) Mặc dù phải gánh chịu khá nhiều sự cố và fud, tuy nhiên BNB Chain đã cho thấy “sức mạnh” của mình và đều đã vượt qua được hầu hết khó khăn trên. Đây là điều giúp người dùng củng cố thêm niềm tin vào hệ sinh thái.
Ý kiến của anh em về hệ sinh thái BNB Chain như thế nào? Để lại comment thảo luận cùng tụi mình nhé! Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon:
Nguồn: Coin68