Một quan chức cấp cao của Nga đã tuyên bố rằng Ngân hàng Trung ương Nga đang làm việc với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) để có thể giúp quốc gia vượt qua mạng lưới thanh toán SWIFT bao gồm các giải pháp thay thế trong nước, blockchain và tiền mã hóa.
Theo nguồn tin từ hãng thông tấn Tass, Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), đã nói với những người tham dự tại một cuộc họp báo gần đây rằng Ngân hàng Trung ương Nga đang nghiên cứu các giải pháp tương tác có thể cho phép hệ thống thanh toán của riêng mình là SPFS kết nối với CIPS của Trung Quốc.
Về cơ bản, CIPS là hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới nhân dân tệ, ra đời vào tháng 10 năm 2015, được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), nhưng được điều hành bởi Công ty CIPS có trụ sở tại Thượng Hải. CIPS thuộc một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm khuyến khích việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là cách Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây và việc sử dụng đồng USD.
Trở lại với chủ đề chính, Aksakov khẳng định trong hai tháng đầu năm 2022, mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng hơn 40% và dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian sắp tới, đặc biệt là nếu một giải pháp thanh toán chung có thể được thống nhất giữa đôi bên.
Vào thời điểm Nga bị loại khỏi SWIFT do các lệnh trừng phạt từ phương Tây bởi cuộc chiến tấn công vào Ukraine, điều này đã tác động rất nghiêm trọng đến các nhà xuất khẩu cũng như mạng lưới ngân hàng Nga. Tuy nhiên, dường như cả Moscow và Bắc Kinh từ lâu đã lường trước được nhu cầu về các giải pháp thay thế nội bộ, do đó SPFS lẫn CIPS đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Aksakov cho biết để loại bỏ rủi ro liên quan đến việc tiến hành giao dịch mà không cần SWIFT thì nhất thiết phải xây dựng cầu nối giữa SPFS và CIPS.
“Công việc đang được tiến hành ổn thỏa. Ngân hàng Trung ương Nga đang tương tác với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Và tôi tin rằng tình hình hiện tại sẽ kích thích các quá trình liên quan. Chúng tôi có một hệ thống rất hiệu quả (SPFS) và tình hình hiện tại minh chứng cho điều đó.”
Hơn nữa Aksakov còn tuyên bố tiến trình tài chính dựa trên blockchain, cũng như tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), cũng sẽ được đẩy nhanh ở cả hai quốc gia do hậu quả của chiến tranh và các lệnh trừng phạt tài chính được áp dụng đối với Nga.
“Tôi nghĩ rằng các môn học liên quan đến công nghệ blockchain cũng sẽ được phát triển tích cực. Đồng rúp kỹ thuật số, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và xúc tiến thương mại với sự trợ giúp bởi cả hai loại tiền tệ này cũng là mối quan tâm hàng đầu trong tương lai gần.”
Bên canh đó, thông qua phát biểu từ Aksakov, chúng ta cũng phần nào làm rõ thêm câu trả lời về tình trạng Nga đang thật sự muốn dùng tiền mã hóa làm công cụ để né tránh lệnh cấm vận từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU). Bức tranh vốn dĩ gây nhiều “sự náo loạn” đến giới chính quyền toàn cầu thời gian qua.
Như Coincuatui từng dự đoán vào thời điểm đưa tin Nga chuyển sang hệ thống thanh toán UnionPay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc trước làn sóng “tẩy chay” từ phương Tây, khả năng cao Nga sẽ chuyển hướng sang hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc để giúp đất nước tìm ra giải pháp nhằm kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu. Song, động thái mới nhất trên lập tức xảy ra chỉ sau đó hai tuần, và có lẽ đây chỉ mới là sự khởi đầu.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68