Nhờ vào công nghệ kỹ thuật số, thị trường âm nhạc đã có sự thay đổi cực kỳ lớn trong 2 thập kỷ vừa qua. Việc sáng tạo âm nhạc không còn cần một đội ngũ sản xuất và các kỹ sư âm thanh mà thay vào đó một nghệ sĩ có thể tạo ra âm nhạc từ phòng ngủ của mình thông qua những phần mềm với chi phí rẻ. Tương tự, việc phân phối nhạc cũng không còn cần các nhà máy để sản xuất ra các sản phẩm thu âm vật lý (băng, đĩa) và cả các mối quan hệ với những cửa hàng để đưa sản phẩm bày bán ở đó. Công nghệ, đặc biệt là sự phổ biến của Internet và smart phone đã giúp các sản phẩm âm nhạc được số hóa và các nghệ sĩ tự có thể phân phối các sản phẩm âm nhạc của mình đến người nghe.
Và hiện tại, thị trường âm nhạc đang đứng trước những thay đổi lớn trong tương lai nhờ vào blockchain và NFT. Vậy NFT âm nhạc sẽ tạo ra một tương lai mới cho thị trường này như thế nào? Hãy cùng AntiAntiNFTs Club làm rõ trong bài viết ngày hôm nay.
Nghệ sĩ đang gặp chung một vấn đề là họ nhận được một phần rất nhỏ trong doanh thu trực tiếp đến từ các sản phẩm âm nhạc. Theo một báo cáo của CitiGroup, nghệ sĩ chỉ nhận được khoảng 12% trong tổng doanh thu từ sản phẩm âm nhạc của họ. Phần lớn doanh thu còn lại sẽ rơi vào các hãng thu âm và nền tảng streaming.
Các hãng thu âm có thể xem như một quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các nghệ sĩ. Họ có thể hỗ trợ các nghệ sĩ về mặt tài chính cũng như marketing trong quá trình sản xuất và phân phối âm nhạc. Tuy nhiên, những hãng thu âm này đang lấy từ 50 tới 90% doanh thu từ các sản phẩm của nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, theo một số thống kê về Spotify, trong 8 triệu nghệ sĩ xuất bản sản phẩm của mình trên nền tảng này, chỉ có khoảng 42,000 nghệ sĩ (0.53%) có thể kiếm hơn 10,000 USD/năm và chỉ 13,400 (0.17%) kiếm được trên 50,000 USD/năm, đây là mức thu nhập trung bình của lao động tại Mỹ ở thời điểm 2020.
Như vậy chúng ta có thể thấy được rằng, nghệ sĩ hiện tại đang bị đối sự một cách bất công và chưa thể kiếm được nhiều lợi nhuận từ chính sản phẩm của họ, thậm chí khoản tiền họ kiếm được không đủ để duy trì đam mê của mình.
Tuy nhiên, NFT âm nhạc hay nói rộng hơn là web3 có khả năng tạo ra một mô hình lợi nhuận từ streaming mới cũng như một mô hình tương tác mới cho phép nghệ sĩ xây dựng một sự nghiệp thành công và ổn định hơn.
Trước đây thường chỉ có những hãng thu âm lớn là những người tìm kiếm và đầu tư vào nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của blockchain, DAO và NFT đã tạo ra một mô hình hãng thu âm mới. Giờ đây nghệ sĩ có thể gọi vốn từ cộng đồng để phát triển các sản phẩm âm nhạc và sự nghiệp của mình thông qua việc phát hành NFT.
Ví dụ, một số nền tảng gọi vốn thông qua NFT âm nhạc như Royal, Corite,… tại đây nghệ sĩ có thể tạo ra các NFT của riêng mình và mở bán để gọi vốn. Những người mua NFT này sẽ được chia sẻ quyền sở hữu âm nhạc, tức có nghĩa họ sẽ nhận được doanh thu từ các sản phẩm nhạc của nghệ sĩ và bên cạnh đó là nhiều quyền lợi đặc biệt khác.
Một ví dụ gần đây là sự kiện rapper Binz mở bán NFT của mình thông qua một nền tảng có tên là Tuniver. Binz cam kết chia sẻ một phần doanh thu từ bài hát “Don’t break my heart” cho những người nắm giữ NFT. Đối với các NFT hạng cao nhất, ngoài việc được chia sẻ lợi nhuận, người nắm giữ còn có quyền lợi đặc biệt là tham gia private dinner với chàng rapper này.
Mô hình này không chỉ giúp nghệ sĩ gọi vốn dễ dàng hơn, không bị phụ thuộc vào các hãng thu âm mà còn giúp thay đổi mối quan hệ giữa người hâm mộ và nghệ sĩ từ vị trí tiêu thụ âm nhạc sang đối tác phát triển cùng nhau.
Nghệ sĩ nhận được vốn, người hâm mộ được đầu tư và nhận lại lợi nhuận từ thần tượng của mình. Người hâm hộ có nhiều cơ hội tham gia cùng hành trình của nghệ sĩ và được tưởng thưởng cho sự ủng hộ của họ.
Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn hạn chế. Hiện tại vẫn chưa có giải pháp để minh bạch khoản doanh thu mà nghệ sĩ thật sự nhận được vì phần lớn doanh thu của họ vẫn đến từ các nền tảng âm nhạc truyền thống, không được xây dựng trên blockchain.
Các nền tảng streaming âm nhạc hiện tại như Spotify, Apple Music đang là một bên thứ ba lấy đi phần lớn doanh thu của nghệ sĩ và những nền tảng này vẫn luôn thúc đẩy việc cắt giảm doanh thu của nghệ sĩ để mang lại lợi nhuận cao cho chính công ty mình.
Vào năm 2021 tại Anh, hơn 150 nghệ sĩ có tiếng đã cùng tham gia một chiến dịch với nỗ lực kêu gọi một bộ luật mới nhằm “đưa âm nhạc trở lại nơi nó thuộc về”. Họ cho rằng các nền tảng phát nhạc trực tuyến và những hãng thu âm đã lợi dụng những người nghệ sĩ mà không tưởng thưởng cho họ một cách công bằng.
Web3 hay blockchain đã mở ra một hướng đi mới dành cho nền công nghiệp âm nhạc. Về bản chất, web3 giúp chúng ta cắt bỏ đi những bộ phận trung gian, xây dựng một mô hình phi tập trung và trao quyền lợi lại nhiều hơn cho những người tham gia. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói đến mô hình của Audius, một nền tảng phát nhạc được xây dựng trên web3 mong muốn đưa sự kiểm soát và doanh thu về phía nghệ sĩ.
Hãy tưởng tượng Audius giống như Spotify nhưng tại đây nghệ sĩ có nhiều quyền lợi hơn và được kiểm soát sản phẩm của mình, đưa nghệ sĩ kết nối trực tiếp với những người nghe nhạc. Tất cả mọi nghệ sĩ đều có thể đăng sản phẩm của mình lên Audius mà không cần phải là một nghệ sĩ có tiếng hoặc được bảo trợ bởi một hãng thu âm bất kỳ. Nghệ sĩ có quyền quyết định sản phẩm của mình được nghe miễn phí hoặc đưa ra một mức chi phí nhất định cho các nội dung đặc biệt. Không giống như các nền tảng phát nhạc truyền thống, tại Audius nghệ sĩ nhận được 90% doanh thu từ sản phẩm âm nhạc của mình.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ có thể tạo ra và phân phối một token của riêng mình đến những người hâm mộ. Thông qua việc ủng hộ nghệ sĩ, người hâm mộ có thể nhận được token này như một điểm loyalty và dùng nó để đổi lại các quyền lợi đặc biệt mà nghệ sĩ cung cấp. Chưa dừng lại ở đó, người nghe thậm chỉ có thể nhận được token AUDIO (token của nền tảng Audius) thông qua việc nghe nhạc, hay còn gọi là “listen-to-earn”.
Như vậy, bằng cách loại bỏ các bên trung gian, các nền tảng phát nhạc web3 đã mang lại nhiều lợi ích hơn không chỉ cho nghệ sĩ mà cả người nghe nhạc và người hâm mộ.
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người hâm mộ sẽ được tăng cường hơn nhờ vào các lợi ích mà họ nhận được khi tương tác với nhau.
NFT cũng như web3 mở ra cơ hội mới cho thị trường âm nhạc. Người nghệ sĩ sẽ nhận lại nhiều giá trị hơn từ sản phẩm nghệ thuật của chính mình, bên cạnh đó là làm vững chắc hơn mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.
Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chỉ mới ở thời kỳ đầu của sự thay đổi này, tất cả các sản phẩm hiện tại chỉ mang tính chất thử nghiệm sẽ còn nhiều thất bại và cải tiến nhưng với tốc độ đổi mới nhanh chóng của công nghệ blockchain và web3 nói chung, hi vọng chúng ta sẽ sớm có thể thấy được sự ứng dụng rộng rãi của NFT âm nhạc. Và từ hiện tại đến thời điểm ấy, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội đầu tư tuyệt vời cho chúng ta nhưng hãy luôn nhớ rằng rủi ro đi kèm cũng lớn không kém.
AntiAntiNFTs Club (AANC) là cộng đồng các nhà sưu tập và đầu tư NFT tại Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu đối với NFT AANC luôn muốn lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người thông qua việc xây dựng một cộng đồng chất lượng, một nơi đúng với slogan của tụi mình đó là “Can’t help falling in love with NFTs”.
Xem thêm các bài viết trước của AANC:
Nguồn: Coin68