Không đơn giản mang động cơ bảo vệ quyền riêng tư, chính quyền Mỹ đang cáo buộc các nhà sáng lập phát triển Tornado Cash thực chất là vì tiền, theo bản cáo trạng mới nhất.
Mỹ đặt nghi vấn về động cơ phát triển Tornado Cash
Như Coincuatui tường thuật, vào tối ngày 23/08, hàng loạt cơ quan cấp cao của chính quyền Mỹ đã đưa ra những hành động trấn áp mới đối với Tornado Cash, giao thức trộn lẫn giao dịch trên Ethereum.
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã ra cáo trạng đối với hai đồng sáng lập của Tornado Cash là Roman Semanov (49 tuổi, người Nga) và Roman Storm (34 tuổi, người Mỹ), với tội danh rửa tiền lên đến 1 tỷ USD, vi phạm quy định cấm vận và điều hành hoạt động chuyển tiền không giấy phép.
Một số chi tiết khác được nêu bật trong bản cáo trạng như sau.
Bản cáo trạng từ Bộ tư Pháp Mỹ (DOJ) đang chỉ ra rằng các nhà sáng lập đã chuyển số TORN mình nắm giữ thành stablecoin, tạo ví mới và cố tình “làm giá" để kiếm lợi từ chúng. Ngoài ra, ông Storm được cho là đã chuyển 5,2 triệu USD cho các nhà sáng lập khác của Tornado Cash sau khi giao thức bị Mỹ trừng phạt lần đầu.
Chính vì những hành vi tư lợi như trên, Bộ tư Pháp đi đến cáo buộc tiếp theo.
Theo như các cáo buộc, Storm và Semenov đã tạo ra một phần mềm công nghệ tiếp tay cho kẻ xấu rửa tới 1 tỷ USD tiền mã hoá – bao gồm nhóm hacker Lazarus Group của Triều Tiên, được cho là đã chuyển “hàng trăm triệu” từ các vụ tấn công trong nhiều năm qua.
Trái ngược với lập luận rằng họ chỉ muốn bảo vệ tính ẩn danh khi giao dịch, cáo trạng cho biết các nhà sáng lập phát triển Tornado đơn giản là vì tiền, họ đã lừa dối cộng đồng về số tiền kiếm được và cách họ thu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cáo trạng còn đề cập đến 2 email trả lời một số nền tảng giao dịch tìm kiếm sự giúp đỡ của Tornado khi bị tấn công, cho biết họ “từ chối đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào". Điều này dấy lên câu hỏi mới rằng Tornado không thể hỗ trợ vì không có quyền kiểm soát nền tảng, hay có thể nhưng chỉ là không muốn.
DOJ đang cố lập luận rằng Tornado Cash là một thực thể tập trung, được điều hành bởi các nhà sáng lập, nhà phát triển và một tổ chức tự trị DAO. Bản thân nó cung cấp dịch vụ và thu lợi từ dịch vụ đó. Do đó, cơ quan cho rằng nền tảng có thể làm gì đó khi phát hiện “tiền bẩn" của băng nhóm tội phạm, nhưng họ lại không làm.
Craig Timm, Giám đốc cấp cao về chống rửa tiền tại Hiệp hội các chuyên gia chống rửa tiền (ACAMS) nhận xét:
“Các cáo buộc không nhằm vào hợp đồng thông minh. DOJ nhắm vào giao diện người dùng nơi những người đứng sau có thể làm bất kỳ điều gì để tắt nó đi. Họ có thể làm gì đó để ngăn chặn dòng tiền phi pháp, nhưng họ đã không làm.
Hệ thống của Tornado được thiết kế để che giấu và giúp bọn tội phạm chuyển số tiền bẩn dễ dàng hơn.”
Đây là một chủ đề có thể gây tranh cãi vì bản chất của Tornado là một giao thức DeFi, về lý thuyết các nhà phát triển không có khả năng truy cập trực tiếp vào tiền của người dùng, vì vậy trước mắt các bị cáo không vi phạm các quy tắc chuyển tiền của FinCEN.
Dù đã bị Mỹ chặn website, smart contract của Tornado Cash vẫn hoạt động bình thường trên blockchain Ethereum và tiếp tục được nhiều người sử dụng với mục đích che vết giao dịch nhằm gia tăng tính riêng tư. Tuy vậy, để tránh rắc rối pháp lý với Mỹ, nhiều dự án hạ tầng blockchain có gốc gác ở xứ cờ hoa như Alchemy, Infura hay giao thức DeFi như Uniswap, Balancer,… buộc phải chặn không cho người sử dụng tương tác với Tornado Cash.
Brian Klein, luật sư của Storm, đã bày tỏ sự thất vọng bởi các cáo buộc của chính quyền Mỹ nhắm vào các nhà sáng lập, cho rằng nó sẽ tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm" cho tương lai của ngành tiền mã hoá, một đường ranh pháp lý mới có thể gây ảnh hưởng xấu đến các nhà phát triển phần mềm.
Tuy vậy, cáo trạng của chính quyền có vẻ nhắm riêng vào Tornado Cash và các nhà sáng lập với các trường hợp cụ thể nhiều hơn, và không hẳn có thể gây tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68