Cộng đồng tiền mã hóa trên Twitter đang chuyền tay nhau thông tin Maker dự định cho phép thế chấp MKR để vay stablecoin DAI.
Theo các tài liệu được chuẩn bị cho “Kế hoạch Endgame” của Maker, giao thức DeFi quản lý stablecoin DAI, các nhà phát triển đề xuất bổ sung thêm một công dụng mới cho MKR là có thể được thế chấp để vay DAI.
“Kế hoạch Endgame” là đề xuất cải tổ toàn diện Maker, được công bố vào giữa năm 2022 và được cộng đồng MakerDAO chấp thuận vào tháng 10, với thay đổi lớn nhất là việc phân chia giao thức thành các DAO con với nhiệm vụ riêng, phát hành token tương ứng. Endgame được khởi xướng bởi đội ngũ Maker, đứng đầu là nhà sáng lập Rune Christensen, nhằm tìm hướng đi mới cho dự án sau thời gian dài đối mặt với nhiều vấn đề đe dọa đến tính bền vững và khả năng hoạt động ổn định cho Maker cũng như stablecoin DAI.
Một thay đổi lớn khác là kịch bản biến DAI thành một stablecoin phi tập trung hoàn toàn, thả nổi giá trị cho nó và không còn lệ thuộc vào mốc 1 USD nữa.
Tuy nhiên, có người đã chỉ ra rằng trong mục tokenomics mới dành cho MKR, Maker đã bày tỏ dự định bổ sung một công dụng mới cho đồng tiền này, đó là có thể thế chấp để vay DAI.
Từ trước đến nay, MKR vẫn hoạt động ổn định trên Maker với chức năng làm đồng tiền token quản trị và tài sản xử lý nợ xấu. Ngoài ra, một phần phí giao dịch thu được từ các Vault DAI sẽ được trích ra để mua lại và đốt (burn) token MKR.
Ngay sau khi thông tin trên được lan truyền, cộng đồng tiền mã hóa trên Twitter đã có nhiều phản ứng tiêu cực về chức năng mới . Phần đông ý kiến cho rằng Maker không nên làm vậy nếu không muốn tạo thêm sự bất ổn đến cho stablecoin DAI. Lập luận của họ chỉ ra việc MKR là một token quản trị, do đó sử dụng nó làm tài sản thế chấp rồi vay DAI sẽ tạo rủi ro thanh lý trong những cú tăng giảm bất thường của thị trường, khiến MKR dễ bị thu mua vào với giá rẻ rồi triển khai những đề xuất quản trị gây hại cho giao thức.
Link for those who are the type to slow down when they see a car crash https://t.co/vNZnKfL6PD
— PaperImperium (@ImperiumPaper) February 23, 2023
Có người thậm chí còn đi xa hơn khi cáo buộc Maker đang cố tình tạo cách để các nhà đầu tư nắm giữ nhiều MKR có thể chuyển đổi MKR sang DAI “một cách êm đẹp” mà không phải xả lên thị trường ngay lập tức, gói gọn trong vỏ bọc “giúp cải thiện nguồn cung DAI và gia tăng công dụng cho MKR”. Số khác thì còn so sánh tokenomics mới của MKR như là đi vào “vết xe đổ” của mô hình LUNA-UST khét tiếng.
Bất kể cho sự phục hồi của thị trường tiền mã hóa trong giai đoạn đầu năm 2023, MKR vẫn có ít biến động tích cực, một phần đến vì công dụng giới hạn của đồng tiền này, cũng như việc có tổng cung thấp (chưa đến 1 triệu MKR) nhưng lại có vốn hóa cao (725 triệu USD).
Trong khi đó, kể từ sự kiện sụp đổ của LUNA-UST vào tháng 05/2022, stablecoin DAI trở thành cái tên đáng chú ý trong mảng stablecoin phi tập trung, với tổng vốn hóa tại thời điểm thực hiện bài viết là 5,2 tỷ USD, chiếm 4% thị phần phân khúc stablecoin.
Trong một diễn biến theo chiều ngược lại, stablecoin FRAX sẽ triển khai đề xuất đẩy tỷ lệ Collateral Ratio (CR) lên ngưỡng 100%, đồng thời tạm ngưng việc dùng doanh thu để buyback lại token FXS. Điều này đồng nghĩa, FRAX sẽ được bảo chứng 100% bằng stablecoin USDC, thay vì đính kèm một phần giá trị bảo chứng bằng token FXS như trước.
Hai hướng tiếp cận ngược nhau của 2 stablecoin DAI và FRAX cũng đã được nhà sáng lập FRAX – Sam Kazemian đề cập trong một dòng tweet.
Trước đó, giới chức Mỹ cũng đã có những động thái cảnh báo các mô hình vận hành theo cơ chế stablecoin thuật toán, đặc biệt là sau thảm hoạ Luna-UST vào tháng 05/2022.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68