Giá trị token AXS và SLP của game Axie Infinity đang ngày càng trượt dài sau khi những thay đổi mô hình kinh tế mới đây không thể giữ chân người chơi.
Token AXS của game Axie Infinity đã mất đến hơn 50% giá trị trong tháng 04/2022, lần đầu tiên giảm xuống thấp hơn ngưỡng 30 USD kể từ tận tháng 07/2021 – thời điểm cơn sốt xoay quanh trò chơi này và mô hình Play-to-Earn đạt đỉnh điểm.
Ở thời điểm thực hiện bài viết, AXS chỉ còn được giao dịch quanh mức 29.35 USD, song đã có lúc bị điều chỉnh về tận 26.51 USD vào ngày 01/05. Để so sánh thì giá AXS vào ngày 01/04 là ở tận 67.40 USD. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, AXS đã mất 73% giá trị.
Vốn hóa thị trường của AXS từ ngưỡng 4 tỷ USD cách đây 1 tháng hiện chỉ còn là 1,78 tỷ USD.
Trong khi đó, token thưởng của trò chơi là đồng SLP cũng không có phong độ khá khẩm hơn, khi cũng đã sụt đến 46% trong tháng 4, dù đã ở mức rất thấp rồi. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, SLP đã “bốc hơi” 63,2% giá trị.
Giá giao dịch các NFT của Axie, tương tự, cũng “chia năm xẻ bảy” trong năm 2022.
Lý do trực tiếp dẫn đến sự đi xuống của cả hai đồng tiền trên đến từ thông tin cầu nối Ronin của Axie Infinty bị hack vào cuối tháng 3, gây nên vụ tấn công nghiêm trọng nhất lịch sử ngành tiền mã hóa với thiệt hại lên đến 622 triệu USD.
Dù công ty phát hành Axie Infinity là Sky Mavis sau đó cam kết bồi thường toàn bộ cho người chơi, thậm chí gọi vốn 150 triệu USD để hiện thực hóa mục tiêu này, cũng như có những động thái cải tổ hệ thống bảo mật và quản lý Ronin, song như thế có vẻ vẫn không đủ để trấn an nhà đầu tư. Giới chức Mỹ sau đó đã liên kết hacker tấn công Ronin với một tổ chức tin tặc có liên hệ với Triều Tiên.
Ngoài ra, phiên bản mới của Axie Infinity là Origin (hay còn gọi là Axie v2) ra mắt trong tháng 4 lại không gây được nhiều tiếng vang như kỳ vọng vì còn nhiều lỗi cần khắc phục. Đây là lý do Season 21 của trò chơi đã được tiến hành sử dụng phiên bản cũ v3 và sẽ kéo dài từ ngày 25/04 cho đến 21/06. Sky Mavis khẳng định Season 21 sẽ là mùa giải cuối cùng của Axie v2, với quỹ thưởng lên đến hơn 130.000 AXS.
Mặc dù vậy, lý do gián tiếp khiến AXS và SLP trượt dài trong năm 2022 này lại xuất phát từ những điều chỉnh về cơ cấu kinh tế trong game được Axie Infinity công bố hồi tháng 2. Như đã được Coincuatui đưa tin, để giảm thiểu tình trạng “lạm phát” token thưởng SLP, Axie đã quyết định bỏ hoàn toàn chế độ Adventure và Daily Quest – đồng nghĩa với việc người chơi không còn có thể cày với máy (PvE) để kiếm SLP nữa. Axie v2 hiện chỉ còn chế độ đấu với người (PvP) để xếp hạng. Sau mỗi trận, người chơi sẽ nhận được SLP dựa trên thứ hạng của mình; còn sau mỗi mùa giải, người chơi sẽ nhận được AXS dựa trên thứ hạng chung.
Những tưởng những thay đổi này sẽ cắt giảm nguồn cung SLP và giữ giá cho token, song nó lại vô tình đẩy bộ phận người chơi theo dạng “dân cày” SLP đi, những người mà thường có những team đánh PvE với chi phí thấp và ít tốn thời gian chơi hơn là PvP.
Theo dữ liệu từ Dapp Radar, có thể thấy rõ từ đầu năm 2022 và đặc biệt là từ tháng 2 (thời điểm thay đổi về SLP được áp dụng), cả số lượng người chơi lẫn số lượng giao dịch Axie đều giảm mạnh, trong khi khối lượng giao dịch thì tăng nhẹ lại trong tháng 4 nhờ sự kiện ra mắt Origin rồi cũng sớm chìm dần.
Song, sự đi xuống của Axie Infinity không phải đánh dấu cho cái chết của xu hướng Play-to-Earn, khi thực tế thì người chơi chỉ tìm sang những dự án mới có mô hình độc đáo và mức thưởng hấp dẫn hơn, tiêu biểu có thể kể đến như STEPN (GMT/GST).
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68