“Phép màu tài chính, đại gia năng lượng, ông hoàng cổ phiếu" là những mỹ từ được dùng để nói về Enron trong thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ. Thật vậy, vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, Enron nổi lên như một hiện tượng phát triển mạnh mẽ, từ một công ty vô danh đến tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới. Nhưng tại năm 2023, nếu hỏi bất kỳ một sinh viên ngành Marketing nào về Enron thì câu trả lời của họ đều sẽ là “cú lừa thế kỷ". Vậy lý do gì đã khiến vị đại gia này ngã ngựa và làm cách nào mà Enron đã biến mình trở thành kỳ lân? Tất cả sẽ được Coincuatui giải thích thông qua bài viết dưới đây.
Enron là gì? Tìm hiểu lý do công ty năng lượng lớn nhất nước Mỹ đã sụp đổ
Hãy nhìn vào bức ảnh này, đây là một góc trong tầng làm việc của Enron, trong hình là những nhân viên đang giám sát giá Gas trên thị trường. Đây chỉ là một góc nhỏ trong những tầng làm việc của tập đoàn Enron. Được khai sinh từ việc sáp nhập hai công ty là Houston Natural Gas và InterNorth bởi Kenneth Lay năm 1985. Trước khi sáp nhập, tiền thân của Enron chỉ là một công ty nhỏ với thành tích kinh doanh khiêm tốn. Tuy nhiên, mọi chuyện lại đảo chiều khi chính sách năng lượng được thông qua vào năm 1992 của Mỹ. Chính sách này ép buộc tất cả các công ty nhỏ trong ngành phải mở cửa để hệ thống truyền tải điện của Enron tiếp cận.
Nhờ vào việc này, Enron đã dần phát triển và trở thành một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất nước Mỹ. Không những thế, đã có những thời điểm tập đoàn này đã từng đứng đầu xứ cờ hoa. Nhờ đó, hệ thống truyền tải điện của Enron đã có mặt tại hơn 30 quốc gia bao gồm cả Việt Nam.
Nhưng khi nhìn vào cốt lõi, thực chất lợi nhuận của Enron phần lớn lại không đến từ việc sản xuất và phân phối điện năng. Hơn 90% tiền mà tập đoàn này kiếm được thường đến từ việc đứng ra là trung gian môi giới giữa những quốc gia có nhu cầu mua năng lượng và các công ty cung cấp năng lượng. Chỉ tính riêng phí hoa hồng và phần chênh lệch, Enron đã kiếm được bộn tiền mà không phải xây dựng hay quản lý một đội ngũ quá cồng kềnh. Tính đến ngày cuối cùng của năm đầu thế kỷ 21, tổng giá trị vốn hoá của Enron đã đạt 60 tỷ USD, tương đương gấp gần 70 lần giá trị thực của công ty. Từ đó cho thấy sự kỳ vọng của thị trường vào tương lai của công ty này là rất cao.
Về cơ bản, việc Enron kiếm tiền nhờ làm trung gian là điều hoàn toàn hợp pháp và vô cùng trong sạch. Tuy nhiên, lòng tham của con người mà cụ thể là Kenneth Lay lại không nhỏ đến thế. Để sổ sách luôn trong sạch và tạo động lực để các nhà đầu tư tham vọng chịu bỏ tiền, Enron đã thực hiện hai nước đi vô cùng cơ bản để khiến tập đoàn năng lượng vươn lên trong số hàng triệu cổ phiếu trên thị trường.
Đầu tiên, để “làm hồng” sổ sách của mình, Enron đã thành lập không phải 10 hay 20 mà là 900 công ty con. Bằng quan hệ mẹ con giữa Enron và các công ty nhỏ dưới quyền, Kenneth đã tối ưu hoá rất nhiều dòng tiền khác nhau. Cụ thể, những công ty con này sẽ gánh nợ và nhận những hợp đồng đầu tư rủi ro thay cho Enron. Trong khi đó, Enron sẽ sử dụng những công ty này để vay nợ, huy động vốn và “tấu tán" các trách nhiệm nợ. Từ đó, một vòng lặp đã được hình thành, khiến báo cáo tài chính của Enron liên tục được làm đẹp mỗi khi đến kỳ báo cáo tài chính.
Bảng hiệu của Enron đang được các công nhân gỡ bỏ
Tuy nhiên chiêu trò này sẽ không bao giờ qua mắt được các tay đầu tư của phố Wall, những người được cho là sở hữu những tư duy phân tích đầu tư đầy kinh nghiệm. Cá nhân Kenneth Lay hơn ai hết hiểu rất rõ điều này, và đây chính là lúc công ty Arthur Andersen xuất hiện. Một chút thông tin bên lề, trước khi lún sâu vào bãi lầy mang tên Enron, Arthur Andersen là công ty thuộc top 5 đại gia kiểm toán mà Phố Wall tin tưởng nhất trên thế giới. Nhờ đó mà khả năng tài chính “ảo" của Enron được củng cố và các nhà phân tích đã bỏ qua những lỗ hổng trong báo cáo tài chính mà Enron trình lên SEC.
Vì được xây dựng trên nền tảng của sự giả dối với chất liệu được lấy từ mộng tưởng, Enron đã nhanh chóng sụp đổ. Mọi chuyện bắt đầu từ những ngày cuối tháng 10 của năm 2001, giá cổ phiếu của Enron bất ngờ rơi tự do từ giá 90 USD về dưới 1 USD. Nguyên nhân cho việc này đến từ khoản lỗ 1,2 tỷ USD nhưng được công bố là 618 triệu USD. Để trả được khoản nợ ấy, Enron đã thuyết phục các nhân viên của mình nhận lương bằng cổ phiếu, khi mọi chuyện bị vỡ lẽ, hoàng loạt nhân viên bán tháo cổ phiếu, từ đó phản ứng dây chuyền diễn ra cho đến khi Enron chỉ còn là một chiếc vỏ rỗng.
Cái kết của việc này chính là cái chết của Kenneth Lay, người sáng lập của Enron trước khi thụ án cho những hành động sai trái của mình. Về phần công ty kiểm toán Arthur Andersen, tuy không bị tổn thất nhiều về mặt tài chính nhưng danh tiếng và uy tín của công ty này cũng gần như không còn. Khách hàng rời bỏ, đối tác quay lưng, Arthur Andersen phá sản không lâu sau đó, kết thúc 89 năm hình thành và phát triển vàng son chỉ vì lòng tham.
Enron là một case study điển hình của việc niềm tin bị thao túng và đặt nhầm vào các dự án rỗng ruột. Trên thực tế, vấn đề về giá trị cốt lõi của tập đoàn năng lượng này đã được tìm ra từ rất lâu trước khi giá cổ phiếu tụt giảm. Tuy nhiên, hàng triệu nhà đầu tư đã bỏ qua vấn đề này và tiếp tục lao đầu vào “canh bạc". Điều đó giải thích cho việc hàng triệu người phá sản sau khi Enron “ngã ngựa". Đến đây chúng ta có thể nhớ đến ngay những các kết thương tâm mà sự sụp đổ của Terra - LUNA đã để lại cho người dùng, cụ thể hơn là các gia đình Hàn Quốc.
Trong hình là những gì còn sót lại của một gia đình ba người Hàn Quốc, chiếc xe được tìm thấy vào ngày 29/06/2022. Theo giới chức địa phương, bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến thảm kịch có thể phát sinh từ việc hai người lớn trong gia đình này đã đầu tư hầu hết tiền tiết kiệm vào LUNA với mong muốn đổi đời nhanh chóng. Nhưng cũng như Enron, một công ty không có giá trị cốt lõi thì sẽ không thể sản sinh ra giá trị nếu không sử dụng các “phép màu" kế toán. Terraform Labs và Luna cũng là điển hình cho kiểu dự án rỗng ruột trong thị trường tài chính.
Bài học mà các nhà đầu tư cần nhớ sau câu chuyện của Enron và Terraform Labs đó chính là hãy tự tìm hiểu trước khi đầu tư bất cứ thứ gì. Chúng ta đã có quá nhiều câu chuyện và bài học thương tâm liên quan đến việc đặt niềm tin sai chỗ. Trong khi đó, để nhận biết được một dự án hoặc công ty có giá trị cốt lõi hay không chỉ tốn của chúng ta chưa đến 30 phút để đọc và phân tích.
Thông qua bài viết trên, hy vọng Coincuatui đã mang đến cho người đọc những thông tin tổng quan nhất về Enron, một trong những nốt trầm của lịch sử ngành tài chính. Qua đó, chúng ta có thể rút ra bài học cho chính mình trong việc đầu tư. Ở một thị trường lớn và có lịch sử trăm năm cũng có thể tồn tại những công ty yếu kém được che chở bởi vỏ bọc “món đầu tư béo bở" thì trong thị trường trẻ và vi mô như Crypto, mọi chuyện sẽ còn đi đến đâu nếu niềm tin bị đặt nhầm chỗ?
Nguồn: Coin68