Đề xuất áp thuế 30% tiêu thụ lên chi phí điện dành để khai thác Bitcoin, được tổng thống Mỹ Joe Biden liệt kê trong kế hoạch ngân sách 2024, đã không xuất hiện trong danh sách bỏ phiếu mới đây của Hạ viện.
Chính sách áp thuế 30% đào Bitcoin của Biden không nằm trong đề xuất bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ
Theo thoả thuận trần nợ dài 99 trang từ Uỷ ban Hạ Viện Mỹ, bộ luật phác thảo đã không bao gồm đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 30% lên chi phí điện dùng để đào Bitcoin. Ngoài ra, thoả thuận cũng không bao gồm các quy tắc áp thuế lên wash trading hay đối với giao dịch tiền mã hoá mà Biden đưa ra trước đó.
Theo đề xuất trước đó của Nhà Trắng, điều khoản mới sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo từng giai đoạn lên chi phí sử dụng điện của các công ty “sử dụng tài nguyên máy tính” để đào coin. Những thợ đào sử dụng năng lượng ngoài mạng lưới điện vẫn bị đánh thuế, như Coincuatui đưa tin.
Mức thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2023, tăng 10% mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Đồng thời, các đơn vị chịu thuế phải có trách nhiệm báo cáo lượng điện, loại điện sử dụng và giá trị mua điện. Ngoài ra, bên cho thuê thiết bị đào cũng phải khai báo lượng điện tiêu thụ của đơn vị thuế.
Đúng như nhận định từ giới quan sát, các đề xuất điều chỉnh trên khả năng cao sẽ vấp phải sự phản đối từ Hạ viện, vốn đã bị phe Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát trong kỳ bầu cử vừa qua. Bên cạnh đó, các đề xuất của Biden cũng được đánh giá là quá triệt để và thậm chí đã không được lòng Quốc hội Mỹ khi được đề xuất lên vào năm 2022.
Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ đã đưa ra loạt đề xuất về quy định xoay quanh tiền mã hoá kể trên như một phần trong kế hoạch bù đắp ngân sách 2024. Trong đó dự tính việc áp thuế lên wash trading sẽ là nguồn thu lớn nhất cho chính phủ liên bang. Bộ Tài chính còn khẳng định việc ban hành các quy định mới này sẽ mang lại cho họ 24 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Tuy việc thu thuế hoạt động đào Bitcoin là một nỗ lực cứu vớt khủng hoảng nợ trần của quốc gia, song doanh thu từ chính sách này chỉ thu về cho chính phủ 3,5 tỷ USD trong 10 năm. Một con số không đáng kể so với khoản nợ 31,4 nghìn tỷ USD mà Mỹ đang gồng gánh, chưa kể chi phí hàng nghìn tỷ đô hàng năm.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68