Split Capital đã nảy ra sáng kiến kích hoạt "fee switch", có thể tạo ra một nguồn doanh thu mới cho sàn giao dịch NFT Blur.
Blur được gợi ý thu thêm phí giao dịch và cơ cấu lại tokenomics. Ảnh: Coin Edition
Split Capital, một quỹ đầu tư token thanh khoản, đề xuất thay đổi cách thức hoạt động của sàn giao dịch NFT Blur. Họ đề nghị Blur áp dụng khoản phí 0,5% trên mỗi giao dịch và loại bỏ phí bản quyền NFT 0,5%.
Ảnh chụp màn hình một phần đề xuất trên diễn đàn quản trị của Blur
Mục tiêu của đề xuất là giúp Blur trở nên bền vững hơn, đồng thời chia sẻ phí thu được cho những người nắm giữ veBLUR (token biểu quyết), làm phần thưởng giữ chân người dùng.
Cũng trong khuôn khổ sáng kiến, Split Capital đã gợi ý thay đổi cơ cấu tokenomics của Blur thành hai token: BLUR làm token tiện ích, dùng cho các động lực khuyến khích người dùng trên nền tảng, và veBLUR làm token quản trị dưới dạng NFT.
Chủ sở hữu veBLUR có quyền bỏ phiếu cho các quyết định quan trọng, như phân bổ phí giao dịch và phần thưởng cho bộ sưu tập NFT. Ngoài ra, họ còn có quyền hạn bỏ phiếu điều chỉnh các chỉ số thưởng cho các bộ sưu tập NFT, ví dụ như Azuki hay Bored Ape Yacht Club. Theo đó, người dùng có thể tác động đến cách thức phân phối phần thưởng, từ đó tạo ra thanh khoản cho các bộ sưu tập mà họ yêu thích và tăng cường kết nối với thị trường.
Việc kích hoạt "fee switch" (chuyển đổi phí) luôn là một chủ đề gây tranh cãi đối với các giao thức sử dụng token quản trị, và đây không phải là lần đầu tiên Blur đề xuất việc này.
Ngay sau đề xuất của Split Capital, token BLUR đã tăng hơn 15%, đạt khoảng 0,3 USD trước khi chỉnh nhẹ về ngưỡng 0,27 USD ở thời điểm viết bài.
Biến động giá BLUR trong 24 giờ gần nhất, ảnh chụp màn hình CoinMarketCap vào trưa ngày 12/11/2024
Vào cuối năm 2022, Blur đã vượt mặt OpenSea trở thành sàn giao dịch NFT lớn nhất theo khối lượng giao dịch, sau hai đợt airdrop “khủng” cho người dùng, cùng với việc không thu phí giao dịch.
Động thái quyết liệt của Blur đã làm điêu đứng thị trường NFT và gây khó khăn cho OpenSea. Nền tảng này sau đó phải nỗ lực bắt nhịp, áp dụng mô hình tương tự, giảm phí và cam kết trả ít tiền hơn cho chủ các bộ NFT. Cách đây vài hôm, OpenSea còn hé lộ phiên bản 2.0, cùng chương trình points nhận airdrop.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68