Bitcoin và chặng đường 15 năm dẫn dắt thị trường cryptocurrency
Chúc mừng năm mới 2024!
Hôm nay 03/01/2024 là một ngày đặc biệt với cộng đồng crypto nói chung và những người yêu mến Bitcoin nói riêng. Ngày này 15 năm trước những đồng Bitcoin đầu tiên đã được tạo ra tại block số 1 hay còn được biết đến với cái tên Bitcoin Genesis Block.
Suốt 15 năm kể từ ngày mainnet, Bitcoin đã đóng vai trò là ngọn đuốc dẫn dắt toàn bộ thị trường cryptocurrency đi qua không biết bao nhiêu thăng trầm. Trong bài viết ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng ngồi xuống để nghe lại câu chuyện và tôn vinh những thành tựu của “nhà vua” Bitcoin.
Các cột mốc lịch sử của Bitcoin
Ngày 31 tháng 10 năm 2008 một email với tiêu đề “Bitcoin P2P e-cash paper” được gửi cho nhóm những chuyên gia mật mã học và người yêu công nghệ từ địa chỉ có tên “Satoshi Nakamoto”.
Nội dung email như sau:
“Tôi đang nghiên cứu một hệ thống tiền mã hóa mới hoàn toàn ngang hàng, không cần bên thứ ba đáng tin cậy”.
Email dẫn người đọc tới một file tài liệu PDF trình bày chi tiết về Bitcoin: “http://www.bitcoin.org/bitcoin.pdf”. Sau này chúng ta được biết đến tài liệu này với cái tên Bitcoin Whitepaper.
Bắt đầu từ đây lịch sử tiền tệ thế giới đã thay đổi mãi mãi!
64 ngày sau khi email Whitepaper được gửi, tức ngày 03 tháng 01 năm 2009 mạng lưới Bitcoin chính thức khởi chạy. Satoshi Nakamoto đã đào ra Genesis Block - block khởi nguyên của mạng lưới Bitcoin. Đây là thời điểm đồng tiền mã hoá lớn nhất thị trường crypto chính thức mainnet.
Để kỷ niệm cho sự kiện đặc biệt này và cũng để gửi thông điệp nhắn nhủ tới hậu thế, Satoshi đã mã hoá một đoạn nội dung vào trong block đầu tiên này. Nội dung của đoạn mã hoá như sau:
“The Times 03/Jan/2009 Chancellor on the edge of the second-editor for the bank.”Tờ báo Thời Đại ngày 03/01/2009: Bộ Trưởng chuẩn bị gói cứu trợ ngân hàng lần thứ hai.
Thông điệp tham chiếu đến tiêu đề bài báo của tờ Thời Đại (Anh Quốc) số ra ngày 03/01/2009.
Có lẽ Satoshi muốn ám chỉ tiền pháp định không có giới hạn nguồn cung và có thể sẵn sàng để in ra bất cứ lúc nào.
Ngày 12 tháng 01 năm 2009 (9 ngày sau Genesis Block), Satoshi Nakamoto gửi 10 Bitcoin cho nhà mật mã học Hal Finney. Giao dịch này được thực hiện ở block 170, nó chứng minh tính hiện thực của hệ thống.
Những giao dịch mua bán Bitcoin đầu tiên được thực hiện thông qua diễn đàn BitcoinTalk ngay sau thời điểm mà nó được tạo ra vào ngày 22/11/2009, khoảng 10 tháng 18 ngày sau Genesis Block.
Người mua và bán tự thỏa thuận và trao đổi với nhau, mô hình này vẫn được biết đến với cái tên OTC (Over-the-Counter). Giá của Bitcoin được xác định bởi chi phí tiền điện hao tốn khi khai thác. Mức giá của nó thời điểm này là 0,00076 USD/BTC.
Sự kiện này đã chính thức đánh dấu bước tiến của Bitcoin từ là thứ có giá trị không xác định thành được xác định bởi cung cầu trên thị trường mở tự do.
Ngày 22 tháng 5 năm 2010 (1 năm 4 tháng và 16 ngày sau Genesis Block), lần đầu tiên Bitcoin chứng minh được tính thương mại của nó thông qua việc thanh toán cho đơn hàng 2 chiếc bánh Pizza.
Đơn hàng này được thực hiện bởi kỹ sư phần mềm Laszlo Hanyecz và người bán pizza là Jeremy Sturdivant. Số lượng Bitcoin thanh toán là 10.000 BTC khi đó giá trị khoảng ~40 USD, còn bây giờ là ~420 triệu USD.
Laszlo Hanyecz trong lần kỷ niệm Bitcoin Pizza Day vào năm 2018
Kể từ đó, ngày 22/05 hàng năm được xem là Bitcoin Pizza Day – thời điểm cho cộng đồng BTC toàn thế giới ăn mừng một khoảnh khắc lịch sử của thị trường.
1 năm 6 tháng và 15 ngày sau Genesis Block là ngày 18/07/2010, Jed McCaleb chính thức giới thiệu sàn giao dịch Bitcoin tập trung đầu tiên tên là Mt.Gox. Nền tảng này cho phép người dùng trao đổi tiền pháp định lấy Bitcoin, khi đó Bitcoin được niêm yết với giá 0.05 USD/BTC. Sự kiện này báo hiệu sự quan tâm ngày càng tăng đối với Bitcoin như một dạng tài sản kỹ thuật số.
Sau này Jed McCaleb đã bán lại Mt. Gox cho Mark Karpeles, một nhà phát triển gốc Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Karpeles, Mt. Gox sẽ trải qua cả những thành công đáng kể và những thất bại thảm hại.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Mt. Gox đã xử lý khoảng 70% khối lượng giao dịch Bitcoin trên thế giới khiến nó trở thành sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu trên toàn cầu thời điểm đó. Sau đó tới năm 2014, kiếp nạn bắt đầu kéo đến với Mt. Gox khi để thất thoát số lượng lớn tài sản của người dùng. Biến cố này đã tạo ra tác động lớn đến thị trường cryptocurrency đặc biệt là nhận thức về bảo mật trong giao dịch tiền mã hóa.
Cho đến tận ngày hôm nay, những hậu quả của Mt. Gox để lại vẫn chưa được giải quyết xong.
Thông điệp cuối cùng mà Satoshi Nakamoto đăng trên diễn đàn BitcoinTalk trước khi biến mất có nội dung về một bản cập nhật và nhấn mạnh rằng còn nhiều việc phải làm. Bài đăng cuối cùng đó được viết vào ngày 12/12/2010 (1 năm 11 tháng và 7 ngày sau Genesis Block).
Kể từ sau bài đăng này, cộng đồng không còn được thấy sự xuất hiện của ông nữa. Đáng chú ý rằng trước đó Satoshi đã phàn nàn về việc Wikileaks sử dụng Bitcoin.
“Sẽ rất tuyệt nếu được chú ý trong bất kỳ bối cảnh nào khác. WikiLeaks đã “đốt tổ ong” và những con ong đang trên đường đến chỗ chúng tôi” - bài đăng của Satoshi.
Bài đăng phàn nàn của Satoshi trên diễn đàn BitcoinTalk
WikiLeaks là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận xuất bản các rò rỉ tin tức và phương tiện truyền thông phân loại được cung cấp từ các nguồn ẩn danh.
Sự đổ bộ của Wikileaks và chợ đen Silk Road đã chứng minh được giá trị cốt lõi của Bitcoin - tính kháng kiểm duyệt.
Silk Road - Con đường tơ lụa là một website được tạo ra với mục đích giao dịch sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Nó được thành lập bởi Ross Ulbricht vào 06/02/2011 (2 năm 1 tháng và 3 ngày sau Genesis Block).
Tháng 10 năm 2013, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ nhà sáng lập và đóng cửa trang web. Sự kiện Con đường tơ lụa đóng góp rất nhiều vào câu chuyện liên kết Bitcoin với hoạt động tội phạm. Nhưng đồng thời người ta cũng sẽ nhớ mãi về Bitcoin là loại tài sản thanh toán phi tập trung không thể kiểm duyệt.
Ngày 09/02/2011 giá trị giao dịch của mỗi Bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 1 USD đánh dấu sức hút của nó với giới nhà đầu tư. Vậy là mất 2 năm 1 tháng và 6 ngày kể từ block đầu tiên để Bitcoin từ một thứ không có giá trị đạt 1 USD/BTC.
Được niêm yết trên sàn giao dịch tập trung từ giữa năm 2010 nhưng phải tới 2011 Bitcoin mới chính thức bước vào một mùa bull run thực sự.
Mốc 1 USD/BTC đầu năm 2011 đã tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ ở những tháng tiếp theo. Tháng 06/2011 Bitcoin đạt mốc đỉnh cao 31 USD/BTC, tuy nhiên ngay sau đó nó bắt đầu đảo chiều và giảm về mốc ~2 USD vào tháng 11 cùng năm.
Sự tăng trưởng nóng và “vỡ vụn” khi đạt đỉnh cao này là một trong những ví dụ đầu tiên cho nhà đầu tư về tính biến động của thị trường tiền mã hóa.
Sau 1425 ngày khởi chạy mainnet, Bitcoin đã tiến đến block 210,000 và thực hiện sự kiện halving đầu tiên. Nó diễn ra vào ngày 28/11/2012 (3 năm, 10 tháng và 25 ngày sau Genesis Block), phần thưởng tạo block đã giảm từ 50 xuống còn 25 BTC.
Halving là sự kiện được lập trình sẵn trên mạng lưới Bitcoin, sau mỗi 210,000 block tương đương thời gian khoảng 4 năm nó sẽ xảy ra một lần. Điều này đảm bảo độ khan hiếm cho chính nó khi mà nguồn cung được tạo ra ngày càng ít đi.
Ngày 02/04/2013 (4 năm 3 tháng và 10 ngày sau Genesis Block), sau nhiều tháng tăng trưởng liên tiếp Bitcoin đã nhanh chóng đạt mốc 100 USD cho mỗi BTC. Chỉ mất 2 năm 1 tháng và 23 ngày để giá trị của Bitcoin tăng trưởng gấp 100 lần kể từ ngày nó đạt cột mốc 1 USD/BTC.
Máy Bitcoin ATM đầu tiên được ra mắt vào ngày 29/10/2013 (4 năm 9 tháng và 11 ngày sau Genesis Block) tại Vancouver, Canada. Máy ATM này được đặt tại Waves Coffee House và được sản xuất bởi Robocoin, một công ty có trụ sở tại Las Vegas, Mỹ. Nó cho phép người dùng mua và bán Bitcoin bằng cách chuyển đổi giữa tiền tệ fiat và Bitcoin.
Máy Bitcoin ATM đặt tại Waves Coffee House
Sự kiện này này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phổ cập và chấp nhận Bitcoin.
Vào ngày 27/11/2013 (4 năm 10 tháng và 17 ngày sau Genesis Block) Bitcoin đã lần đầu tiên chạm mốc vốn hoá 1 tỷ USD. Và chỉ 1 ngày sau đó là ngày 28/11/2013 giá của Bitcoin vượt lên trên 1,000 USD.
Sự kiện này đưa Bitcoin tiến vào danh sách những dự án tỷ đô, thay đổi hoàn toàn góc nhìn của cộng đồng nhà đầu tư về một thứ vô giá trị cách đây 4 năm.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng này, Bitcoin tiếp tục có sự điều chỉnh giảm 87% từ mức ATH ~1160 USD để chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng điên rồ tiếp theo.
Sự kiện halving lần thứ hai được diễn ra ngày 09/07/2016 (7 năm và 184 ngày sau Genesis Block). Tại lần halving thứ hai này phần thưởng nhận được mỗi block giảm từ 25 xuống chỉ còn 12.5 BTC.
Tới năm 2017 xuất phát từ sự không đồng nhất trong cộng đồng Bitcoin về cách xử lý mở rộng quy mô giao dịch, một bên muốn tăng kích thước khối trong khi một bên khác thì muốn giữ nguyên và tìm hướng khác.
Sự trái chiều này được đẩy lên cao trào vào giữa năm 2017 khi mà một bên muốn tách ra để vận hành riêng. Và như thế ngày 01/08/2017 (8 năm 6 tháng và 12 ngày sau Genesis Block) Bitcoin Cash (BCH) được ra đời.
Sự kiện này đã để lại cho các thế hệ blockchain sau này bài học về sự nâng cấp. Một khi mạng lưới đã phi tập trung hoàn toàn việc nâng cấp tính năng hoặc đơn giản là vá lỗ hổng cũng sẽ trở nên khó khăn.
SegWit được kích hoạt vào ngày 24/08/2017 (8 năm, 7 tháng và 3 ngày sau Genesis Block) tại block 481,824, đánh dấu một trong những bước phát triển quan trọng nhất đối với mạng Bitcoin. Nó hướng tới giải quyết một số vấn đề tồn tại lâu dài như tính linh hoạt và khả năng mở rộng.
Đối với các Bitcoin Maximalist việc kích hoạt SegWit đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến kích thước khối dẫn đến chia rẽ cộng đồng, sau đó ngày 01/08/2017 được chọn làm “Ngày độc lập của Bitcoin”.
Bắt đầu từ sau sự kiện halving lần thứ 2 giá trị Bitcoin lại bắt đầu pha tăng trưởng điên rồ, gần 1 năm rưỡi sau đó vào ngày 29/11/2017 (8 năm, 11 tháng và 12 ngày sau Genesis Block) giá Bitcoin đã tăng vượt qua mốc 10.000 USD/BTC và sau đó tạo đỉnh cao mới tại ~19.600 USD.
Người hoài nghi vẫn hoài nghi, Bitcoin tăng trưởng vẫn tăng trưởng, lần lượt hết cột mốc này đến cột mốc khác được xô đổ, nó khiến các nhà đầu tư truyền thống bắt đầu phải thay đổi góc nhìn về Bitcoin nói riêng và thị trường cryptocurrency nói riêng.
Sự tăng trưởng về số lượng giao dịch trên mạng lưới Bitcoin đã đưa đến vấn đề về tốc độ giao dịch, các giải pháp mở rộng bắt đầu được lên ý tưởng. Ngày 14/01/2016 Joseph Poon và Tadge Dryja đã đưa ra Lightning Network Whitepaper, nhưng hơn 2 năm sau đó đến ngày 15 tháng 3 năm 2018 (9 năm 2 tháng và 3 ngày sau Genesis Block) phiên bản alpha đầu tiên của nó mới được triển khai.
Mô hình hoạt động của Lightning Network
Lightning Network là bước tiến cho thấy tính ứng dụng và nhu cầu của đồng tiền Bitcoin trong các hoạt động thanh toán.
Sự kiện halving lần thứ ba được diễn ra ngày 11 tháng 5 năm 2020 (11 năm 4 tháng và 6 ngày sau Genesis Block). Tại lần halving thứ ba này phần thưởng nhận được mỗi block giảm từ 12.5 xuống chỉ còn 6.25 BTC.
Sự kiện được diễn ra tại block 629,999, nguồn cung Bitcoin tính đến block này là 18,375,006.25 BTC tương đương 87,5% tổng cung tối đa.
Vào ngày 11/08/2020 (11 năm 6 tháng và 9 ngày sau Genesis Block), MicroStrategy thông báo mua 21.454 BTC với tổng trị giá hơn 250 triệu USD. Cột mốc này đánh dấu lần đầu tiên một công ty đại chúng đầu tư vào BTC.
Tính đến nay, MicroStrategy đã thực hiện nhiều lần mua Bitcoin theo một chiến thuật DCA mẫu mực. Lần gần nhất vào ngày 27/12/2023, MicroStrategy DCA với mức giá trung bình là 31.409 USD/BTC, cùng với lợi nhuận của khoản đầu tư là 44,65%.
CEO Michael Saylor của MicroStrategy
Tổng số BTC MicroStrategy đang nắm giữ là 189.160 BTC tương đương gần 8,6 tỷ USD ở mức giá hiện tại (~45.300 USD/BTC).
Lịch sử mua Bitcoin của MicroStrategy. Nguồn: Saylor Tracker (02/01/2024)
Cú nổ lớn đầu năm 2021, mở màn cho mùa bull-run của thị trường, chính là việc Tesla thông báo đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin vào ngày 08/02/2021 (12 năm 1 tháng và 3 ngày sau Genesis Block).
Chưa dừng lại ở đó, Tesla còn bắt đầu chấp nhận BTC làm phương thức thanh toán tại Mỹ. Cả thế giới dường như bùng nổ sau tin tức này. Từ khóa “Tesla, Elon Musk, Bitcoin” càn quét khắp các mặt báo. Elon Musk cũng nhanh chóng trở thành “gương mặt đại diện” cho thị trường crypto.
Sau 2 tuần mua BTC, lợi nhuận đầu tư Bitcoin vượt xa tiền lời bán xe khi Tesla thu về lợi nhuận 1 tỷ USD nhờ hiệu ứng tăng giá của Bitcoin.
Tuy nhiên, như đã phân tích trong bài viết “Trong thị trường tiền mã hóa, tin ai chứ đừng tin Elon Musk!”, vị tỷ phú Tesla nhanh chóng “lật kèo”, tuyên bố chia tay BTC vì vấn đề ô nhiễm môi trường. Tesla ngừng chấp nhận thanh toán Bitcoin, khiến giá BTC “lao dốc” vào ngày 13/05/2021.
Cho đến hiện tại, 2021 có lẽ là một trong những năm điên rồ nhất của thị trường cryptocurrency. Ngày 12/09/2021 (12 năm 7 tháng và 26 ngày sau Genesis Block) Bitcoin đã chính thức trở thành tiền tệ hợp pháp của một quốc gia. El Salvador dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nayib Bukele đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp.
Tổng thống Nayib Bukele của El Salvador
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn cho Bitcoin nói chung và thị trường crypto nói riêng, từ đây Bitcoin không còn là một tài sản đầu cơ của các cá nhân hay tổ chức mà nó đã có sự góp mặt của các quốc gia.
Thông tin ngoài lề: Khoản đầu tư của El Salvador vào Bitcoin từ 2021 tới nay đã chính thức “về bờ” và có lãi sau đợt tăng trưởng vừa rồi của Bitcoin. El Salvador đã thoát khỏi cái danh được cộng đồng trao cho “quốc gia đu đỉnh”.
Sau nhiều đề xuất liên tiếp được nộp trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vào tháng 10/2021 đã chấp thuận cho loạt ETF Bitcoin futures đầu tiên của ProShares, Valkyrie và nhiều ông lớn Phố Wall khác được mở giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ,
Sự kiện này là một bước tiến đáng kể của Bitcoin trong công cuộc hợp thức hoá về mặt pháp lý đối với các quốc gia lớn như Mỹ.
Tiếp tục là năm 2021 điên rồ với nhiều trend bùng nổ, DeFi, Layer 1, GameFi, Metaverse đã đưa thị trường cryptocurrency tiến lên đỉnh cao mới. Ngày 10/11/2021 (12 năm, 8 tháng và 3 ngày sau Genesis Block), Bitcoin đã chính thức tạo đỉnh cao mới tại mốc 69.000 USD/BTC.
Cho tới hiện tại đây là cột mốc cao nhất lịch sử phát triển 15 năm qua của Bitcoin.
Bản cập nhật Taproot trên Bitcoin đã kích hoạt tại block 709,632. Quá trình kích hoạt này diễn ra vào ngày 14 tháng 11 năm 2021 (12 năm, 8 tháng và 7 ngày sau Genesis Block).
Taproot là bản nâng cấp giúp cải thiện các tập lệnh script của Bitcoin để tăng tính riêng tư, hiệu quả và mang tới khả năng xử lý logic phức tạp hơn cho mạng lưới Bitcoin. Đây được coi là lần nâng cấp Bitcoin quan trọng nhất kể từ lần nâng cấp SegWit vào năm 2017.
Nếu như trước đây chúng ta thường biết đến Bitcoin như phương tiện lưu trữ giá trị hay vàng kỹ thuật số. Những sở hữu giữ Bitcoin ngoài việc nắm giữ và trao đổi thì không có thêm hoạt động sử dụng nào khác. Nhưng kỹ sư Casey Rodarmor đã làm thay đổi điều đó với Ordinals.
Ngày 21/01/2023 (14 năm 1 tháng và 24 ngày sau Genesis Block) Casey Rodarmor đã cho ra mắt Ordinals. Nó là một giao thức cho phép người dùng khắc các nội dung lên từng sats đơn lẻ của Bitcoin. Những thành phẩm này được Casey gọi với cái tên Inscription hay thân thuộc hơn là NFT trên mạng lưới Bitcoin.
Sự kiện khiến cộng đồng bắt đầu chú ý tới Ordinals là Block 4MB, rạng sáng ngày 02/02/2023 mạng lưới Bitcoin đã mint một block nặng nhất lịch sử có kích thước 4MB, cao gấp 4 lần so với giới hạn 1MB thông thường. Nguyên nhân là có một giao dịch được “điều khắc” hình ảnh lên nó, giao dịch này gần như đã chiếm trọn không gian của block 774628.
Kể từ đó, phong trào Ordinals Inscription nổi lên mạnh mẽ đặc biệt là sau khi được CZ, Elon Musk “shill” và sự kiện Binance niêm yết ORDI.
Số lượng Inscription “dựng cột” trên mạng lưới Bitcoin
Giờ đây ngoài lưu trữ giá trị thì Ordinals đã giúp Bitcoin có thể lưu trữ thêm các giá trị văn hoá nghệ thuật. Mặc dù còn nhiều tranh cãi xung quanh Ordinals nhưng sự sôi động mạng lưới và nền văn hoá nó mang lại cho Bitcoin vẫn đang là sự tích cực cho cả người dùng và miner.
Cùng với sự sôi động của thị trường Ordinals, mạng lưới Bitcoin đã trở nên “vất vả” hơn bao giờ hết. Ngày 14/12/2023 (14 năm 11 tháng và 4 ngày sau Genesis Block) chúng ta được chứng kiến mức phí giao dịch trên Bitcoin chạm mốc 363 sat/vByte, cao gấp khoảng 50 lần so với mức phí giao dịch thông thường.
Phí giao dịch trên mạng lưới Bitcoin theo thời gian
Đây là mốc phí giao dịch cao nhất lịch sử trên mạng lưới Bitcoin từ ngày mainnet đến hiện tại.
Bitcoin Futures ETF đã được SEC thông qua từ giữa năm 2023 nhưng điều cộng đồng Bitcoin mong chờ là Spot ETF. Nó sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn với đường giá và cả tính pháp lý vì Spot ETF yêu cầu các đơn vị phát hành lưu trữ tài sản cơ sở chứ không phải hợp đồng tương lai.
Bên cạnh đó Spot ETF giúp dòng tiền luân chuyển dễ dàng, liền mạch giữa hai thị trường crypto và đầu tư truyền thống, từ đó mở rộng quy mô tăng tính thanh khoản cho cả hai thị trường.
Hạn chót gần nhất để SEC đưa ra phán quyết Có hay Không thông qua với Bitcoin Spot ETF là ngày 10/01/2024, đây là ETF được phát hành bởi 21Shares & ARK có tên 21Shares ARK Bitcoin ETF (ticker: ARKB).
Thông tin về các đề xuất ETF Bitcoin spot đang chờ SEC duyệt. Nguồn: Bloomberg (06/12/2023)
Ngoài ra chúng ta còn có nhiều cái tên “khổng lồ” trong lĩnh vực đầu tư truyền thống khác cũng đang xếp hàng đợi phê duyệt.
Sau nhiều nỗ lực tích cực đến từ cả Quốc hội Mỹ và các tổ chức phát hành thì nhiều khả năng Bitcoin Spot ETF sẽ được thông qua trong năm 2024 tới đây. Với sức ảnh hưởng vô cùng lớn của nó chúng ta có thể tin tưởng rằng Bitcoin Spot ETF sẽ là phát súng châm ngòi cho chu kỳ tăng trưởng dài hạn tiếp theo.
Không dừng lại ở đó, Bitcoin Spot ETF có thể là sự kiện sẽ thay đổi mãi mãi cách nhìn nhận của cộng đồng nhà đầu tư đối với thị trường cryptocurrency. Được thông qua và giám sát bởi Uỷ ban giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) Bitcoin sẽ không còn là “tiền ảo” nữa.
Sự kiện halving tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 năm 2024, bắt đầu từ đó, block reward sẽ chỉ còn 3.125 BTC/block. Tính từ thời điểm viết bài chỉ còn khoảng 4 tháng nữa sự kiện Bitcoin Halving 2024 sẽ diễn ra. Theo chu kỳ lịch sử, cứ sau mỗi mùa halving thì Bitcoin lại tạo các cột mốc all-time-high, hy vọng lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại chúng ta sẽ lại được chứng kiến Bitcoin tạo những đỉnh cao mới.
Suốt chiều dài lịch sử 15 năm qua, đã có nhiều giải pháp mở rộng được triển khai để giảm tải cho mạng lưới Bitcoin. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến là Lightning Network, Stacks, Rootstock, Mintlayer.
Tới đây, nền tảng ví và marketplace dành cho Ordinals là Unisat đã thông báo sẽ công bố giải pháp mở rộng cho mạng lưới Bitcoin vào quý 1 năm 2024.
Tiếp nối phong trào Ordinals Inscription đang càn quét thị trường gần đây thì những giải pháp mang tính mới này sẽ là sự kiện đáng được chú ý. Chưa kể tới gần đây Unisat đã hoàn thành vòng gọi vốn kín của mình với mức định giá lên tới 50 triệu USD.
Với Bitcoin nói riêng và thị trường cryptocurrency nói chung cho đến hiện tại vẫn là “vùng đất hoang dã”, nơi mọi người tự đồng ý với nhau về những quy chuẩn giao dịch. Điều đó thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng hóa thị trường một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Giờ đây, khi mà đã có sự tham gia của các tổ chức, các quốc gia, vốn hoá của thị trường cũng đã đủ lớn để “phần nào đó” tác động tới nền kinh tế thế giới. Những quy định pháp lý có thể làm giảm đi sự đa dạng hóa nhưng nó cũng đồng thời làm giảm mức độ hỗn loạn của thị trường. Hơn nữa các bộ luật sẽ giúp phần đông những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn vẫn còn đang đứng ngoài cuộc tự tin hơn khi rót vốn vào crypto.
Vậy thì liệu đã đến lúc cần thiết xuất hiện các bộ luật dành riêng cho thị trường cryptocurrency hay chưa?
Từ một email chứa bản Whitepaper đến quỹ ETF giao dịch trên sàn chứng khoán lớn nhất thế giới, 2009-2024 là chặng đường đầy thăng trầm của Bitcoin. Yêu, ghét, khen, chê tất cả những cảm xúc này đều góp vào vào sự phát triển của đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới mang tên Bitcoin.
Kết thúc bài viết chặng đường 15 năm phát triển của Bitcoin mình xin trích dẫn một câu trong bài đăng cuối cùng của Satoshi Nakamoto:
“Vẫn còn nhiều việc phải làm!”
Kudō
Nguồn: Coin68