Sàn giao dịch tiền mã hóa Binance được cho là có các quy định phòng chống rửa tiền vô cùng lỏng lẻo, mặc cho thường xuyên tuyên bố trước dư luận là đề cao công tác tuân thủ pháp lý.
Báo Reuters tối ngày 21/01 đã đăng tải một phóng sự điều tra đặc biệt nhắm vào Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Bài viết của Reuters khẳng định tuy nhìn từ bên ngoài, Binance lúc nào cũng khẳng định tuân thủ quy định quản lý, song trên thực tế, đơn vị này thường xuyên che giấu thông tin trước các cơ quan tài chính, không quản lý nghiêm hoạt động phòng chống rửa tiền và xác minh danh tính khách hàng, cũng như hành động ngược lại khuyến nghị của chính bộ phận tuân thủ của sàn.
Bài viết mở đầu bằng sự kiện Binance “di cư” sang Malta và xin giấy phép hoạt động tại đảo quốc thuộc vùng Địa Trung Hải này sau khi gặp nhiều rắc rối pháp lý tại các nước Đông Á. CEO Changpeng Zhao của Binance khi ấy còn khẳng định Malta có thể sẽ trở thành trụ sở mới của Binance. Tuy nhiên, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên nhanh chóng đổ vỡ. Theo đó, Reuters tuyên bố chính những quy định phòng chống rửa tiền và công khai thông tin tài chính nghiêm ngặt của Malta đã khiến Binance đổi ý. Sang đến năm 2020, sàn đảo ngược hoàn toàn mọi thỏa thuận đưa ra trước đó với Malta, thậm chí hủy bỏ các khoản chi từ thiện. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian đó, Reuters cáo buộc Binance vẫn quảng bá hình ảnh của mình với tư cách là được chính quyền Malta quản lý.
The world’s largest #crypto exchange @Binance maintained weak money-laundering checks on customers and acted against its own compliance department’s recommendations, a @specialreports investigation has found https://t.co/BoRXfUz96z via @AABerwick @tomwilson1983 pic.twitter.com/MkQ8JA42jr
— Reuters (@Reuters) January 21, 2022
Reuters sau đó cho biết đã tiến hành phỏng vấn hành chục cựu nhân viên cấp cao, cố vấn và đối tác của Binance, cũng như tiếp cận đến rất nhiều hồ sơ tài liệu tuyệt mật, trao đổi thông tin giữa sàn và các cơ quan quản lý tài chính. Kết luận được hãng thông tấn đưa ra là Binance đã hoạt động bên ngoài khuôn khổ các quy định quản lý cả những đơn vị tài chính truyền thống lẫn công ty crypto. Ngoài ra, tờ báo còn cáo buộc:
– Binance cố tình duy trì mô hình doanh nghiệp mập mờ để từ đó tạo ra và cung cấp các sản phẩm tài chính mà nhiều quốc gia sẽ không cho phép kinh doanh.
– Binance nhiều lần né tránh việc công bố quốc gia đăng ký hoạt động, làm phức tạp hóa công tác giám sát của nhà chức trách và có ít nhất 4 lần từ chối cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh dù được cơ quan chức năng yêu cầu.
– Binance cố tình giảm thiểu hoạt động xác minh danh tính khách hàng để cắt giảm chi phí hoạt động.
– Giám đốc Tuân thủ hiện tại của Binance là Samuel Kim, cựu Quản lý Phòng chống Rửa tiền Karen Leong và 3 cựu nhân sự cấp cao khác đã từng lên tiếng về việc sàn có cơ chế KYC và chống rửa tiền yếu kém, song đều bị CEO Changpeng Zhao phớt lờ.
– Binance hoạt động ngược lại với khuyến nghị từ chính bộ phận tuân thủ của sàn khi tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Nga và Ukraine, những quốc gia nằm trong danh sách đen về rửa tiền của nhiều tổ chức tài chính toàn cầu và đã được bộ phận tuân thủ đánh giá là “cực kỳ rủi ro”.
– Năm 2021, Binance đã phá vỡ các quy định tuân thủ pháp luật đã thỏa thuận với một đối tác Đức, khiến nhiều nhân viên bất bình. Theo nhận định của Coincuatui, đối tác này khả năng cao chính là CM-Equity, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm phái sinh tài chính, được Binance hợp tác để tạo ra sản phẩm chứng khoán token hóa vào tháng 04/2021. Tuy nhiên, đến tháng 7, sàn đã bị buộc phải hủy bỏ hoàn toàn sản phẩm vì áp lực pháp lý từ chính quyền Đức.
– Binance từ chối giúp đỡ chính quyền Đức điều tra âm mưu rửa tiền bằng tiền mã hóa, ảnh hưởng đến 30 nạn nhân và có số tiền thiệt hại lên đến vài triệu euro.
– Cảnh sát Đức từng yêu cầu Binance hỗ trợ điều tra 2 nghi phạm được cho là có liên quan đến phần tử Hồi giáo cực đoan đã ra tay sát hại 4 người tại Vienna (Áo) vào tháng 10/2020. Một nghi phạm trong đó đã có thực hiện giao dịch với Binance, song sàn cũng từ chối hỗ trợ.
Khi được Reuters xin bình luận về các phát hiện trên, người phát ngôn Binance tuyên bố những thông tin mà tờ báo thu thập được hiện đã “quá cũ kỹ và có một số điểm là sai sự thật hoàn toàn”. Đại diện sàn nói những bằng chứng Reuters có được “chỉ cho thấy một phần bức tranh về các quyết định nghiêm túc mà sàn đã đưa ra với khách hàng”.
Trong khi đó, CEO Changpeng Zhao, Giám đốc Tuân thủ Samuel Lim và cựu Quản lý Phòng chống Rửa tiền Karen Leong đều từ chối yêu cầu phỏng vấn.
Ông Changpeng Zhao sau đó đã đăng tải phát biểu của cá nhân ông về vụ việc lên Twitter:
FUD. Journalists talking to people who were let go from Binance and partners that didn’t work out trying to smear us. We are focused on anti-money laundering, transparent and welcome regulation. Action speaks louder than words. Thank you for your unwavering support! ?
— CZ ? Binance (@cz_binance) January 21, 2022
“Tất cả chỉ là FUD. Cánh nhà báo chỉ phỏng vấn những cựu nhân viên của Binance và những đơn vị không được hợp tác với chúng tôi nên giờ quay sang bôi nhọ chúng tôi. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề chống rửa tiền, đảm bảo minh bạch và sẵn sàng tuân thủ pháp lý. Cảm ơn vì đã không ngừng ủng hộ chúng tôi.”
Như đã được Coincuatui đưa tin, trong quý 2 và 3 của năm 2021, Binance đã phải đối mặt với làn sóng pháp lý từ nhiều quốc gia, bao gồm:
– Đức | – Ý |
– Hoa Kỳ | – Lithuania |
– Vương quốc Anh | – Ba Lan |
– Ấn Độ | – Thái Lan |
– Nhật Bản | – Malaysia |
– Hà Lan | – Canada |
– Hong Kong | – Singapore |
– Quần đảo Cayman | – Nam Phi |
Trước đó, sàn đã phải hủy niêm yết sản phẩm “token chứng khoán”, giảm đòn bẩy giao dịch futures về chỉ còn 20x (so với mức tối đa 125x), áp đặt giới hạn rút tiền, yêu cầu tất cả người dùng phải KYC trung cấp và mới nhất là ngừng cung cấp dịch vụ tại Hàn Quốc, Hong Kong cùng Singapore.
Vào tháng 7, đích thân CEO Binance Changpeng Zhao cũng đã lên tiếng thừa nhận về những áp lực mà nền tảng của ông đang phải đối mặt. Vị giám đốc điều hành tuyên bố sàn sẽ phải có sự thay đổi về hướng đi để đảm bảo tuân thủ luật pháp, bao gồm việc xin giấy phép với tư cách là “tổ chức tài chính” tại các quốc gia và từ bỏ văn hóa “làm việc phi tập trung” để tiến hành lập trụ sở chính thức, đồng thời không loại trừ việc thay CEO để phù hợp với định hướng mới.
Trong quý 4/2021, tình hình căng thẳng pháp lý đã có phần hạ nhiệt, cho Binance cơ hội lấy lại hình ảnh trong mắt nhà đầu tư. Sàn đã có các nước đi quảng bá trong lĩnh vực thể thao, hợp tác với một số đội bóng lớn của châu Âu và nhiều danh thủ như Andres Iniesta; chi 115 triệu USD để phát triển hệ sinh thái tiền mã hóa tại Châu Âu; đàm phán hợp tác với các tập đoàn lớn tại Indonesia, Thái Lan, Singapore để lập nền tảng giao dịch; “đánh tiếng” gọi vốn khủng cho nền tảng Binance.US; cũng như xoay trục sang khu vực Trung Đông qua các thỏa thuận giữa sàn với các cơ quan quản lý, dẫn đến nhiều đồn đoán rằng Binance sẽ đặt trụ sở tại Dubai. Sàn khẳng định sau giai đoạn khó khăn hồi giữa năm, chỉ có 3% người dùng quyết định rời bỏ sàn.
Ngoài ra, CEO Changpeng Zhao khẳng định sẵn sàng dành đến 99% tài sản để làm từ thiện. Theo những thống kê mới nhất, tài sản của ông Zhao tại Binance (chưa tính các khoản đầu tư crypto cá nhân) có thể lên đến 96 tỷ USD, biến vị CEO trở thành tỷ phú giàu nhất ngành tiền mã hóa.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68