Sau khoảng 1 tháng vắng bóng, “bố già DeFi” Andre Cronje đã bất ngờ có những chia sẻ đầy tâm đắc đến cộng đồng suy nghĩ của ông tình hình thị trường hiện tại.
* Bài viết đã được cập nhật vào tối ngày 19/04/2022.
Trong một bài đăng trên blog cá nhân được xuất bản vào ngày 18/04, “bố già DeFi” Andre Cronje đã có lần đầu tiên lên tiếng kể từ tuyên bố rời ngành DeFi hồi tháng 3. Ông Cronje đã mở đầu dòng tâm thư bằng cách chỉ trích bản chất của văn hóa crypto hiện nay với lập luận rằng thị trường đang đi theo hướng hoàn toàn trái ngược với các đặc tính và giá trị cốt lõi cơ bản của toàn bộ hệ sinh thái.
“Tôi từ lâu đã lên tiếng coi thường văn hóa tiền mã hóa và tình yêu của tôi đối với các đặc tính của chúng. Đặc tính là khái niệm như quyền tự chủ, tự quản và tự trao quyền. Trong khi đó, văn hóa crypto đại diện cho sự giàu có, quyền lợi, cái tôi và bản ngã.”
Bên cạnh đó, Andre Cronje còn cho biết nhiều nhà phát triển tiền mã hóa dường như không có hiểu biết đầy đủ về chính sách tiền tệ về những thứ như trái phiếu, công cụ nợ và tiền lưu trữ để bắt đầu khởi động cũng như vận hành một dự án DeFi.
“Tôi ước mình già đi và đủ trưởng thành để chứng kiến sự ra đời của chính sách tiền tệ. Tôi ước mình có thể nhìn thấy những sai lầm mà họ đã mắc phải, bởi vì tôi tin rằng tất cả chúng ta đang lặp lại chúng. Có rất nhiều thứ đang được xây dựng trong môi trường crypto bởi những người khá thiếu kiến thức về tài chính nhưng lại tự mãn với năng lực yếu kém của mình.”
Xem thêm: Andre Cronje crypto
Theo đó, “vị kiến trúc sư bậc nhất” ngành DeFi đã kêu gọi thêm quy định quản lý cho lĩnh vực tiền mã hóa. Ông cho biết một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ là điều kiện cần thiết để bảo vệ những nhà đầu tư. Hơn nữa Andre Cronje dự đoán sự trỗi dậy của một kỷ nguyên tiền mã hóa mới sẽ được thúc đẩy bởi niềm tin cộng đồng và sự gắn bó nhiệt huyết từ nhà phát triển chứ không phải đơn thuần là lòng tham “vô đáy” từ cả hai phía.
Để làm rõ cho quan điểm trên, Andre Cronje trước đây đã để lại cho cộng đồng một triết lý rất tâm đắc mang độ chính xác tương đối cao nhằm nêu bật lên thực trạng đầy “tăm tối” này.
“Bull markets, cause bear development. And bear markets, cause bull development.”
Ở đây nhằm ám chỉ tất cả dự án trong chu kỳ tăng giá đều thi nhau ra mắt và thổi phồng bức tranh lợi nhuận khổng lồ thông qua việc quảng bá rầm rộ, thuê các KOL nổi tiếng “shill” dự án,… nhằm lôi kéo nhà đầu tư vội vã, bất chấp việc sản phẩm của họ vẫn chưa hoàn thiện và tốt như kỳ vọng. Do đó, crypto cần phải có một đợt suy thoái và thanh lọc đủ lâu để loại bỏ nhiều dự án xấu và mang lại tính cân bằng hơn cho thị trường cũng như đội ngũ kỹ sư tâm huyết với ngành.
Sát cánh cùng Andre Cronje, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin cũng từng đưa ra nhận định đầy thẳng thắn khi nhận xét về bức tranh “mùa đông crypto” hồi tháng 2 như sau:
“Sẽ đến thời điểm mà rất nhiều ứng dụng bị loại bỏ và bạn có thể thấy dự án nào thực sự bền vững lâu dài, trong mô hình lẫn đội ngũ phát triển của họ. Dẫu sao, đây cũng là cơ hội để có thể giúp những người đang xây dựng các dự án về tiền mã hóa nghiêm túc tập trung vào việc cải thiện công nghệ.”
Bất chấp những lời khuyên “ruột gan” từ Andre Cronje hay Vitalik Buterin thì thực tế lại cho thấy nhà đầu tư và dự án vẫn đang xoay vòng, lợi dụng nhau trong cuộc chơi lợi nhuận, chưa thật sự hướng đến giá trị cao cả nhất mà tiền mã hóa được sinh ra là đem đến một hệ thống tài chính mang tính đổi mới toàn cầu hơn so với hiện tại.
Và đây có lẽ là lý do chính khiến Andre Cronje vô cùng thất vọng, tuyên bố “rời ngành” DeFi và ngừng cống hiến cho 25 dự án. Bởi lẽ khi nhìn vào quá trình hoạt động của ông từ những ngày đầu tiên đặt nền móng cho DeFi, chúng ta sẽ hiểu rõ được phong cách lẫn tư duy phát triển của Andre Cronje hoàn toàn thiên về xu hướng cách mạng về mặt công nghệ.
Đặc biệt phải kể đến Fantom (FTM), được ra mắt trong thời kỳ bùng nổ ICO vào năm 2018, nhưng dự án chỉ gây ấn tượng mạnh vào quý 4/2021 do đạt được lực kéo vô cùng đáng kể trong mảng DeFi, giúp nền tảng trở thành một trong những blockchain hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường, đặc biệt đến từ sự hậu thuẫn đáng kể từ Andre Cronje thông qua sự kiện “Fantom Wars”.
Lấy ví dụ về hai nền tảng nhận được sự quan tâm phổ biến khác, bao gồm Cardano (ADA) và Internet Computer Protocol (ICP) lại là câu chuyện đối lập. Thành lập vào năm 2015 nhưng mãi đến tháng 8 năm 2021 Cardano mới triển khai được smart contract nhưng cho đến nay vẫn còn rất ít sản phẩm “tử tế” đáng ghi nhận trên nền tảng. Thứ để lại cho nhà đầu tư đơn giản là vô số lời hứa hẹn không hồi kết của nhà sáng lập Charles Hoskinson.
Trong khi đó, trái ngược với kỳ vọng ban đầu, ICP đã để lại cho thị trường một “cú lừa thế kỷ”. Tại thời điểm ICP được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn, ICP từng leo lên đến vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng vốn hóa thị trường. Song, kể từ đó, ICP liên tục rớt giá không phanh, giảm 95% chỉ trong gần 2 tháng, trở thành một trong những “quả bom xịt” lớn nhất trong thế giới crypto. Tham vọng xây dựng vũ trụ dApp và mở rộng Web3 vô hạn trên cả Bitcoin lẫn Ethereum của ICP hiện chỉ nằm trên giấy tờ.
Dù vậy, nhưng xét về làn sóng quan tâm và sự cường điệu từ cộng đồng, chắc chắn ADA và ICP có phần nhỉnh hơn những gì mà Andre Cronje đã làm được với các sản phẩm trên Fantom và Ethereum, ngoại trừ bộ phận “DeFi Degens” – những nhà giao dịch, xây dựng và góp phần khai phá các giới hạn của DeFi.
Do đó tâm lý bất mãn của ông cũng là điều dễ hiểu khi những sản phẩm mang giá trị thật không được đón nhận mạnh mẽ. Cần lưu ý rằng, Andre Cronje chỉ mất khoảng 2 năm nỗ lực không ngừng để giúp nâng đỡ thị trường DeFi vững mạnh đến nay, tạo ra cách biệt rất lớn với 7 năm im hơi lặng tiếng của ADA và mốc thời gian tương tự của ICP. Song, mặc dù không tiết lộ rõ ràng về thời điểm cụ thể quay trở lại thị trường tiền mã hóa, nhưng Andre Cronje đã chia sẻ bản thân ông rất vui mừng về tương lai của tiền mã hóa.
“Tôi cảm thấy mình phấn khích hơn bao giờ hết ngay lúc này, nhưng tôi sẽ không bước chân vào vùng đất xấu ấy một lần nữa, nhưng tôi vô cùng háo hức về tương lai mới cho thị trường.”
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều về lần “tái xuất” mới nhất của “bố già DeFi”. Phần đông những bình luận về bài đăng của Andre có phần tiêu cực, khi họ vẫn trách móc vị lập trình viên đã bỏ rơi các dự án của mình sau những trục trặc xoay quanh Solidly. Song, có người cũng chỉ ra rằng việc Andre Cronje bất ngờ rời ngành DeFi, sau đó đăng tải tuyên bố ủng hộ quy định pháp lý có thể bắt nguồn từ việc bản thân nhà phát triển nổi tiếng này đã bị pháp luật “hỏi thăm”.
The most likely explanation to me is Andre + co are under legal pressure
— FreddieRaynolds (@FreddieRaynolds) April 18, 2022
Cập nhật:
Đến tối ngày 19/04, Andre Cronje tiếp tục đăng tải một bài viết mới trên trang Medium của mình, tuyên bố ông và các cộng sự đang bắt tay xây dựng các giải pháp về pháp lý dành cho lĩnh vực tiền mã hóa, trải khắp các khía cạnh như:
– Giải pháp lưu ký và kết nối thanh toán thẻ ngân hàng;
– Báo cáo và tuân thủ quy định về rủi ro, tín dụng, chấp hành;
– Quản lý thanh toán đa kênh tiền tệ và cơ sở hạ tầng liên quan;
– Cổng token hóa cho sàn chứng khoán và các đơn vị thanh toán bù trừ;
– Trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất thả nổi, phát triển dự trên DeFi;
– Quỹ ETF và quỹ tương hỗ cho crypto;
– Nền tảng Blockchain cấp quốc gia.
Đây sẽ là những thứ hình thành nên khái niệm được Andre Cronje gọi là “crypto tự quản lý”, thứ mà vị bố già DeFi tuyên bố là sẽ dễ dàng có thể đạt được và giúp ngành tiền mã hóa giữ được thế chủ động hơn là cứ trông chờ vào các quy định pháp lý từ chính quyền, dù biết chúng mất nhiều thời gian để soạn thảo, có thể sẽ rất nặng tay và gây hại cho ngành.
Andre Cronje tuyên bố những ai có hứng thú muốn cùng ông xây dựng các giải pháp trên có thể liên hệ với ông qua địa chỉ email có trong bài viết.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68