Giới chức Ấn Độ đang cân nhắc cấm các đồng tiền mã hóa phi chính phủ như Bitcoin, Ethereum để tập trung nguồn lực phát triển CBDC. Nước này thậm chí còn xem CBDC có tiềm năng và an toàn hơn cả các stablecoin.
Ấn Độ cân nhắc cấm các đồng crypto như Bitcoin để ưu tiên cho CBDC
Như Coincuatui đưa tin, bảng xếp hạng năm 2024 của Chainalysis đã ghi tên Ấn Độ là quốc gia có chỉ số tiếp nhận cao nhất toàn cầu. Nước này xếp trên cả các quốc gia vốn nổi tiếng về mức độ phổ biến crypto như Nigeria hay Việt Nam.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp Ấn Độ dẫn đầu, dù có chính sách hà khắc và thuế giao dịch cao. Ấn Độ còn thống lĩnh việc sử dụng sàn giao dịch tập trung và tài sản tài chính phi tập trung từ tháng 06/2023 đến tháng 07/2024.
Tuy nhiên, thực tế thì pháp lý ở quốc gia này thậm chí còn khắc nghiệt hơn những gì cộng đồng tưởng tượng.
Truyền thông địa phương đưa tin, giới chức Ấn Độ đang cân nhắc cấm các đồng tiền mã hóa phi chính phủ như Bitcoin để ưu tiên cho các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Vì theo họ, CBDC có lợi thế trong việc cung cấp hệ thống tài chính an toàn và toàn diện hơn.
Chính phủ đã tham khảo ý kiến của các tổ chức chủ chốt về vấn đề này và nhiều bên đã lên tiếng ủng hộ việc cấm các đồng tiền mã hóa phi chính phủ. Họ khẳng định những ưu điểm như tốc độ nhanh, chuyển tiền dễ dàng, phí giao dịch rẻ,... thì đồng rupee kỹ thuật số hoàn toàn có thể mang lại. Vì vậy, thị trường Ấn Độ không cần các cryptocurrency khác.
Một quan chức giấu tên chia sẻ với phóng viên rằng:
“CBDC có thể làm được bất cứ điều gì mà các đồng tiền mã hóa phi chính phủ tuyên bố có thể làm được, nhưng ít rủi ro hơn nhiều.”
Giới chức quản lý cũng tuyên bố rằng stablecoin không an toàn như mọi người thường nghĩ.
Ấn Độ đã triển khai CBDC từ năm 2022, ra mắt thí điểm cho phân khúc bán buôn vào tháng 11. Một tháng sau đó, CBDC được mở thí điểm cho phân khúc bán lẻ, bao gồm hơn 5 triệu người dùng và 16 ngân hàng tham gia.
Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) cũng khám phá việc sử dụng CBDC cho những người nông dân thuê đất ở Odisha và Andhra Pradesh, cung cấp các khoản vay dành cho nông nghiệp.
Quan chức tin rằng đồng rupee kỹ thuật số có tiềm năng phát triển không chỉ đối với các giao dịch tài chính trong nước mà còn đối với các khoản thanh toán quốc tế.
Trong bài phát biểu gần đây, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das ca ngợi:
“CBDC có thể đảm bảo rằng tiền sẽ đến được tay người nhận chính xác mà không bị thất thoát.”
Tuy nhiên cần lưu ý rằng lệnh cấm, nếu có, cũng không ảnh hưởng đến công nghệ nền tảng là blockchain. Blockchain vẫn có thể được sử dụng cho các mục đích có lợi cho xã hội khác, như mã hóa chứng khoán chính phủ, cung cấp tín dụng cho nhóm người yếu thế và hỗ trợ công cuộc trợ cấp vốn hiệu quả hơn.
Có thể thấy chính phủ các nước ngày càng nhận ra tiềm năng của công nghệ blockchain và nhanh chóng thúc đẩy các chính sách phát triển liên quan. Đơn cử như chính phủ Việt Nam ban hành chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển blockchain đến năm 2030.
Nguồn: Coin68