Giới chức tài chính Hong Kong đã đưa ra cảnh báo về Hounax - sàn giao dịch được nhiều người nhận định không khác gì bản sao của JPEX.
Sàn giao dịch crypto Hong Kong Hounax lừa đảo người dùng 15,4 triệu USD
Theo Wu Blockchain, vào ngày 25/11/2023, Cảnh sát Hong Kong đã phát hiện trường hợp lừa đảo liên quan đến nền tảng giao dịch tiền mã hóa Hounax, được nhận định là bản sao của JPEX, với số tiền người dùng bị lừa lên tới 120 triệu đô la Hong Kong (tương đương 15,4 triệu đô la Mỹ).
Mặc dù trước đó, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán và Phái sinh Hong Kong (SFC) đã đưa ra cảnh báo và liệt kê Hounax là một sàn giao dịch đáng ngờ, nhưng tính đến 04:00 PM ngày 27/11/2023, cảnh sát Hong Kong đã nhận được trình báo từ 145 nạn nhân bị thất thoát tài sản trong vụ việc.
吴说获悉,据星岛,截至本日下午 4 时,香港警方共接获 145 名虚拟货币交易平台 Hounax 受害人报案,涉及金额约 1.48 亿元。证监会在下午表示,至今收到 18 宗涉及 Hounax 的投诉,涉及金额由 1.2 万至最高 1,000 万元。证监会行政总裁梁凤仪指 Hounax…
— 吴说区块链 (@wublockchain12) November 27, 2023
Trong các đơn trình báo được chia sẻ bởi báo South China Morning Post, những nạn nhân của vụ lừa đảo cho biết họ đã hạ thấp sự cảnh giác khi trang web cùng tài khoản Facebook của Hounax (hiện tại đã bị xoá) tuyên bố sai sự thật về các nhà đầu tư đứng sau sàn giao dịch này gồm: Coinbase, Sequoia, Goldman Sachs, v.v. và các đối tác của công ty bao gồm Ethereum, Tron, Cardano, v.v.
Đồng thời, nạn nhân của Hounax đã bị "mờ mắt" bởi cam kết lợi nhuận lên tới 40%/năm làm mồi nhử để thu hút người dùng tham gia từ sàn giao dịch. Kết quả, các nhà đầu tư không thể lấy lại vốn và lợi nhuận của mình sau nhiều tháng vì đã bị sàn này cấm rút tiền từ tháng 09/2023.
Khi người dùng muốn thực hiện rút tiền, những kẻ lừa đảo tự nhận là "chuyên gia tài chính" đã đưa ra nhiều lý do từ chối khác nhau, bao gồm tài sản đã bị cơ quan chống rửa tiền điều tra, tài khoản của người dùng đang bị phong tỏa để phục vụ công tác... Chưa dừng lại ở đó, những nạn nhân này còn cho biết tài khoản ngân hàng của cá nhân và gia đình họ cần trải qua quá trình xác minh trước khi thực hiện rút tiền với khoản phí có thể lên tới 80% số tiền rút.
Nhiều người dùng bực tức nói rằng SFC đã đưa ra cảnh báo về Hounax quá muộn, và chỉ trích Cơ quan quản lý tài chính của Hong Kong lẽ ra phải hành động sớm hơn để bảo vệ nhà đầu tư.
Phản hồi với sự chỉ trích, SFC cho rằng:
"Đã thực hiện cảnh báo và liệt kê Hounax vào danh sách các công ty không có giấy phép và các trang web đáng ngờ ngay sau khi nhận được các đơn khiếu nại...nhưng Hounax không được quản lý và chưa được SFC cấp phép, nên không có quyền đình chỉ hoạt động của nền tảng này.Chúng tôi cũng đã trao đổi thông tin với cảnh sát về sự việc Hounax và họ đang trong quá trình điều tra."
Danh sách các công ty không có giấy phép và các trang web đáng ngờ được SFC liệt kê trên trang chủ
Ngay sau sự việc, các nhà lập pháp Hong Kong như Johnny Ng hay Wu Jiezhuang tuyên bố SFC nên nhanh chóng trong việc liên hệ với các nền tảng giao dịch tiền mã hóa không được cấp phép để xác định các vấn đề "tiêu cực", từ đó sớm đưa ra cảnh báo hoặc quyết định dừng hoạt động nền tảng đáng ngờ để ngăn ngừa rủi ro.
Đây là sàn giao dịch crypto thứ 2 ở Hong Kong bị điều tra sau khi "bê bối JPEX" trước đó diễn ra vào tháng 09/2023, dẫn đến bắt giữ một KOL có liên quan.
Vụ việc JPEX đã khiến cho cơ quan quản lý tài chính Hong Kong buộc phải công bố danh sách các giao dịch crypto xin giấy phép hoạt động và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giám sát các nền tảng giao dịch tài sản ảo (VATP).
Hong Kong đang là nơi có nhiều động thái tích cực đối với lĩnh vực tài sản kỹ thuật số. Sau hơn 5 tháng áp dụng chính sách "cởi mở" với tiền mã hoá, tính đến thời điểm hiện tại đã có 2 sàn giao dịch được cấp phép để cung cấp giao dịch crypto ở Hong Kong cho các nhà đầu tư cá nhân là HashKey và OSL. Gần đây nhất, Hong Kong còn "chào đón" thêm một quỹ tiền mã hóa mới sở hữu vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68